Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Marine Pollution Bulletin, các nhà khoa học đã tiết lộ một loạt thống kê và những hình ảnh dưới đáy đại dương gây sốc.
Các tấm ảnh cho thấy một xu hướng đáng lo ngại đang xảy ra dưới đáy biển, khi có quá nhiều rác thải của con người ở đó, các loài sinh vật biển như bạch tuộc đang thích làm tổ và đẻ trứng trong rác thải, hơn là những bãi san hô hoặc vỏ ốc như truyền thống vốn có của chúng.
Con bạch tuộc này thà chọn một cái cốc nhựa làm nhà hơn là vỏ sò
Từ lon bia, cốc nhựa, chai thủy tinh cho đến vỏ lon đồ hộp rỉ sét và vỏ những viên pin đang xuống cấp vì bị nước biển ăn mòn, những con bạch tuộc đang không còn lựa chọn nào khác khi tại một số địa điểm, việc khai thác sò và ốc quá mức đang vô tình tước đi cơ hội tìm thấy một ngôi nhà đúng nghĩa của những con bạch tuộc.
Chúng bắt đầu phải sống trong đống rác của con người, nhiều trong số đó chứa đủ các chất độc nguy hại và kim loại nặng.
Khi bạch tuộc coi rác biển là nhà
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Brazil. Trong đó, họ đã thu thập 261 hình ảnh hoặc video bạch tuộc làm tổ trong rác ở khắp các vùng biển trên thế giới, từ Thái Bình Dương ở Châu Á, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương ở Châu Âu, Bắc và cả Nam Mỹ.
Hầu hết các hình ảnh này được thu thập trên mạng xã hội dưới sự cho phép của tác giả ban đầu. Nhưng một số cũng được ghi lại trong các nghiên cứu sinh vật biển, khi các nhà khoa học dùng những robot lặn chuyên dụng để tiếp cận các vùng đáy đại dương mà không ai có thể lặn tới.


Kết quả đã xác định được tổng cộng 24 loài cephalopod (một lớp động vật thân mềm bao gồm bạch tuộc, mực, mực nang và nautilus) làm tổ trong rác biển.
Và xu hướng này có sự gia tăng mạnh mẽ trong vòng 4 năm trở lại đây. Một phần, đó là do sự phát triển và phổ biến của công nghệ camera, cho phép ngay cả người dùng nghiệp dư cũng có thể quay và chụp ảnh dưới nước:


Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết biểu đồ này cũng phản ánh tình trạng xả rác xuống đáy biển đang ngày càng nghiêm trọng. Nó khiến cho những con bạch tuộc, thay vì chọn làm tổ và đẻ trứng trong các rạn san hô và vỏ ốc, vỏ sò rỗng, chúng chuyển sang thu nhặt những chai lọ thủy tinh, bình gốm, các hộp hoặc lon kim loại, cốc nhựa cũng như ngư cụ bị bỏ lại để làm chỗ trú ẩn.
Tại nhiều địa điểm mà sò và ốc bị con người khai thác quá mức, những con bạch tuộc đã bắt buộc phải lựa chọn, trú mình trong rác thải của con người hay là sẽ phơi mình để trở thành con mồi cho cá chình, rái cá hoặc hải cẩu.
Những con bạch tuộc đang làm nhà trong rác thải của con người
Những đoạn video và hình ảnh còn ghi lại được cảnh những con bạch tuộc phải đánh nhau để tranh giành rác làm nhà trú ẩn. Loài phổ biến nhất với hành động này là bạch tuộc dừa (Amphioctopus marginatus).
Những con bạch tuộc dừa nổi tiếng với hành vi đi cà kheo, khi chúng mang những ngôi nhà của mình đi khắp nơi, cuốn chúng vào các xúc tu để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Đã có ít nhất 9 trường hợp bạch tuộc dừa mang theo rác thải của con người là những ngôi nhà bằng nhựa, trong khi đi cà kheo được quan sát thấy.
Tác hại của điều đó là gì?
Khi thống kê và phân loại những vật dụng nhân tạo mà bạch tuộc dùng để trú ẩn, các tác giả nghiên cứu nhận thấy đồ nhựa chỉ chiếm 24%. Những ngôi nhà phổ biến nhất mà bạch tuộc lựa chọn là chai, lọ thủy tinh, lên tới 40% các trường hợp bị bắt gặp.
Họ cho biết đó là bởi thủy tinh dễ chìm hơn, có kết cấu giống vỏ ốc hơn so với nhựa. Và khi bị nước cuốn, thủy tinh cũng không trôi xa. Tuy nhiên, thủy tinh khi vỡ sẽ rất sắc, và những con bạch tuộc có thể bị thương khi chúng cố chui vào một ngôi nhà như vậy.


Ngoài ra, các ngôi nhà nhân tạo từ rác thải cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về mặt hóa học. Những hộp đồ ăn rỉ sét có thể khiến bạch tuộc hoặc trứng của chúng bị nhiễm kim loại nặng.
Trong khi, hai hình ảnh cho thấy những con bạch tuộc đã chọn làm tổ trong một bình ắc quy ô tô cũ và một quả pin đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cả hai đều được phân loại là rác thải siêu ô nhiễm và không được vứt thẳng ra môi trường vì chứa các chất hóa học độc hại.
Cuối cùng, rác thải của con người cũng đang làm thay đổi tập tính của một số loài bạch tuộc. Chẳng hạn như loài bạch tuộc lùn ở Brazil (Paroctopus cthulu), trước đây, chúng chưa từng được ghi nhận là có thói quen làm tổ trong vỏ sò hay vỏ ốc.
Nhưng đến giờ, những con bạch tuộc lùn này lại thích trốn vào các lon nước giải khát bằng kim loại, đặc biệt là lon bia. Đây là loại rác thải thường xuyên bị khách du lịch vứt thẳng xuống biển.
Và trong khi những thợ lặn Brazil phải thu gom chúng, họ thậm chí không nhận ra những con bạch tuộc khi chúng trốn vào những lon bia này. Kết quả là những con bạch tuộc lùn đã bị bắt lên bờ một cách vô ý.

Vì vậy, thoạt nhìn rác thải của con người đang cung cấp cho bạch tuộc những địa điểm trú ẩn để bảo vệ mình khỏi những loài săn mồi. Nhưng các tác động từ sự biến đổi môi trường sống đến các loài sinh vật biển này thực sự phức tạp hơn chúng ta tưởng.
"Thật không may, chúng ta đang phải sống trong một cuộc khủng hoảng môi trường lớn… không chỉ biến đổi khí hậu, mà ô nhiễm rác thải trong đại dương cũng là một vấn đề vô cùng đáng lo ngại”, Maira Proietti, tác giả nghiên cứu, một nhà hải dương học đến từ Đại học Liên bang Rio Grande ở Brazil, cho biết.
"Chúng ta cần phải ngăn chặn các nguồn rác thải này và thu thập những gì sót lại trong đại dương càng sớm càng tốt, vì các tác động xấu của chúng đang ngày một gia tăng".
Tham khảo
https://genk.vn/qua-nhieu-rac-duoi-day-bien-bach-tuoc-bay-gio-thich-lam-nha-trong-rac-hon-la-san-ho-va-vo-oc-20220316010046105.chn Lấy link