Maddie Phaneuf, vận động viên hai môn phối hợp Olympic (trượt tuyết và bắn súng trường) đến từ New York đã có cảm xúc lẫn lộn với Olympic mùa Đông năm nay. Cô rất buồn, nhưng không ngạc nhiên rằng sự kiện thể thao này phải sử dụng tuyết giả, vì ngày càng khó dự đoán tuyết rơi trên toàn thế giới.
Phaneuf đã thấy rõ rằng việc có được lượng tuyết phù hợp cho các môn thể thao mùa đông đang phức tạp hơn trước đây. Là một vận động viên chuyên nghiệp, cô đã đi thi đấu và tập luyện ở những nơi như Dolomites ở Ý, với những dãy núi tuyết và mùa đông kéo dài, và rồi phải chấp nhận một sự thật trái ngược ở Olympic mùa Đông 2022.
“Bạn đang tưởng tượng những nơi này sẽ là xứ sở thần tiên mùa đông tuyệt vời với đầy tuyết, và bạn đến đó, chỉ có cỏ xanh và một dải tuyết trắng hoàn toàn do con người tạo ra,” cô nói.

Một vận động viên của Đội tuyển Pháp tập luyện trượt tuyết trên ngọn đồi toàn tuyết nhân tạo, với thảm thực vật và mặt đất khô ráo đằng sau.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm thay đổi thời tiết mùa đông trên toàn thế giới. Trước đây, các nhà khí tượng học có thể dự đoán khá chính xác mùa đông và lượng tuyết, nhưng giờ đây họ khó có thể làm được như vậy nữa.
Olympic mùa Đông năm nay đã khiến cả những nhà nghiên cứu và vận động viên thể thao mùa đông lo lắng. Bắc Kinh đã trải qua mức độ ô nhiễm cực cao và đang phải sử dụng tuyết nhân tạo cho các môn thể thao ngoài trời — các trận đấu năm nay trên thực tế sử dụng toàn bộ tuyết giả. Chứng kiến điều này, các vận động viên, nhà khoa học và những người đam mê thể thao ngoài trời lo ngại rằng việc tổ chức Olympic mùa Đông trong tương lai sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Mario Molina, giám đốc của Protect Our Winters (POW), một tổ chức khí hậu phi lợi nhuận, đã bày tỏ mong muốn kêu gọi những người đam mê hoạt động ngoài trời ủng hộ và tuyên truyền bảo vệ khí hậu, bằng cách sử dụng kinh nghiệm cá nhân và tình yêu dành cho các môn thể thao mùa đông làm động lực.
Để gióng lên hồi chuông cảnh báo về một tương lai ảm đạm của thể thao mùa đông, POW đã chia sẻ nghiên cứu từ Đại học Waterloo, cho thấy rằng, “trong số 21 thành phố đã đăng cai Thế vận hội mùa Đông cho đến năm 2022, chỉ có Sapporo ở Nhật Bản là có đủ điều kiện cần thiết để đăng cai lại một cách an toàn và thiết thực vào cuối thế kỷ 21.”

Một cỗ máy tạo tuyết nhân tạo cho Olympic mùa Đông 2022 vào ngày 2 tháng 1 năm 2022
Thomas Painter là một nhà nghiên cứu về tuyết làm việc tại Airborne Snow Observatories Inc, một tổ chức có trụ sở tại California chuyên thu thập dữ liệu về lượng tuyết tan chảy từ các lưu vực lớn ở miền Tây nước Mỹ. Ông giải thích rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến việc dự đoán lượng tuyết rơi một cách đáng tin cậy trở nên khó khăn hơn ngay cả đối với các khu vực trên thế giới từng có mùa đông tuyết rơi thường xuyên.
Một số nơi trước đây có tuyết nhưng giờ chỉ có mưa, ông nói. Vào năm ngoái, lần đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử, trên đỉnh băng ở Greenland đã như thông thường.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng để giữ nhiệt độ Trái Đất tăng tối đa không quá 2 độ C so với mốc thời tiền công nghiệp, thế giới cần tuân thủ một "ngân sách carbon" cho phép phát thải trong phạm vi 1.000 gigatonne tính từ thời điểm bắt đầu Cách mạng Công nghiệp tới khi thế giới ngừng hẳn phát thải CO2. Tuy nhiên, 80% ngân sách này đã bị "tiêu tốn" do các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng của các quốc gia.

Mưa ở Greenland
Painter đã chỉ ra nhiều yếu tố như sông băng tan chảy nhanh chóng, hạn hán trên khắp thế giới và thay đổi khí quyển của các con sông được sử dụng để dự đoán mưa và tuyết rơi. Đây là sự biến động rất lớn và sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn nơi đăng cai Olympic mùa Đông trong tương lai.
Một số môn thể thao có thể được đưa vào trong nhà; các sự kiện như trượt băng nghệ thuật đã được tổ chức tại các sân bên trong nhà thi đấu. Nhưng những vận động viên như Phaneuf cần phải tập luyện và thi đấu ngoài trời.
Nếu không có tuyết rơi thường xuyên và mùa đông kéo dài, các khu vực khó có thể duy trì lượng tuyết đủ để giữ cho các thiết bị như ván trượt không bị đá và các yếu tố khác làm hỏng. Nhiều khu nghỉ mát trượt tuyết cố gắng có một lớp tuyết dày khoảng 20 inch trước khi mở cửa; các khu vực dành riêng cho trượt tuyết băng đồng (cross country skiing) chỉ cần vài inch nếu khu vực này có nhiều cỏ vào mùa xuân. Nếu có nhiều đá trên mặt đất, cần phải có hơn vài inch tuyết. Nếu không có lớp tuyết dày đó, người trượt tuyết có thể dễ dàng bị thương do vấp ngã.

Tuyết nhân tạo lạnh hơn, cứng hơn và nguy hiểm hơn cho các vận động viên
Khi không có đủ tuyết, một số nhà tổ chức cuộc thi phải mang tuyết từ các khu vực khác đến. Các môn thể thao quãng đường dài như của Phaneuf không thể tổ chức trong nhà, điều kiện hiện tại đã khiến nhiều cuộc thi bị hủy hoặc dời địa điểm do không có đủ tuyết.
“Tôi đã từng tham gia các cuộc đua mà tuyết cực kỳ bẩn và đầy đá. Và ngay sau khi bạn trượt một hoặc hai kilomet, ván trượt của bạn hoàn toàn bị hư hỏng… đầy vết xước và vết lõm”, cô nói.
Khi không thể vận chuyển tuyết thật, các nhà tổ chức sự kiện đã chuyển sang tuyết nhân tạo. Bắc Kinh đã phải sử dụng tuyết hoàn toàn nhân tạo để tổ chức các trận thi đấu. Lịch sử các kỳ Olympic mùa Đông trước đó cho thấy việc sử dụng tuyết giả ngày càng trở nên phổ biến.
Tuyết giả đã được sử dụng trong Thế vận hội mùa đông 1980 ở Hồ Placid. Hơn một nửa lượng tuyết trong các trận thi đấu ở Sochi năm 2014 cũng là tuyết giả và khoảng 90% lượng tuyết tại Pyeongchang năm 2018 đến từ các máy tạo tuyết.

Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh đánh dấu lần đầu tiên Thế vận hội sử dụng tuyết hoàn toàn nhân tạo. Những gì xảy ra tại Olympic mùa đông 2022 có thể sẽ chỉ là khởi đầu cho hàng loạt kỳ Olympic không có tuyết thật
Tuyết giả không tác động đến thiết bị thể thao hoàn toàn giống như tuyết tự nhiên. Tuyết nhân tạo có thể trông giống tuyết thật, nhưng khi soi dưới kính hiển vi, cấu trúc lại rất khác. Tuyết thật được tạo thành từ những bông tuyết và không có mật độ quá dày đặc, trong khi tuyết giả thường bao gồm các giọt nước đóng băng chặt chẽ, tạo ra các bề mặt cứng hơn và kém an toàn hơn.

Tuyết thật bên trái và tuyết giả dưới kính hiển vi
Vận động viên trượt tuyết tự do người Scotland Laura Donaldson - người đã thi đấu tại Thế vận hội mùa đông Thành phố Salt Lake vào năm 2002 - đã chỉ ra rằng tuyết giả thực sự không tốt với các môn thể thao chuyên nghiệp.
Chúng trơn trượt hơn, khiến những lần nhảy và đáp có kết quả không tốt. Donaldson cho biết điều này cũng khá nguy hiểm với các vận động viên. “Nếu các đường superpipe được làm bằng tuyết giả, phần thành ống sẽ rất cứng, điều này rất nguy hiểm cho các vận động viên, có thể dẫn đến tử vong”.
Theo Painter, sự tồn tại của tuyết thật tại Olympic mùa Đông sẽ là thước đo cho thấy các nhà lãnh đạo và cộng đồng quốc tế đã nỗ lực như thế nào để giảm lượng khí thải và bảo vệ môi trường tuyết trong khi chúng ta vẫn còn chúng.
Tham khảo: Gizmodo
https://genk.vn/olympic-mua-dong-nhu-chung-ta-tung-biet-co-the-khong-bao-gio-con-nua-20220222002342603.chn Lấy link