Tỷ lệ nữ trong lực lượng lập trình viên chỉ chiếm cao nhất thế giới khoảng 11% ở Mỹ, theo một khảo sát mới đây của FRG Technology Consulting. Mặc dù không chính xác tuyệt đối, tỷ lệ này đã phản ánh đúng phần nào thực trạng nữ giới làm việc trong ngành CNTT trên toàn cầu hiện nay.
Để lý giải cho điều này, cha đẻ ngôn ngữ lập trình Perl, Larry Arnold Wall, đã đưa ra những lý giải hết sức thú vị. Theo ông, có ba đức tính tốt của một lập trình viên là lười biếng, nóng tính và kiêu ngạo vốn khó có thể tìm thấy ở một người phụ nữ.
Những đức tính này theo ông sẽ giúp các lập trình viên đẩy nhanh sự sáng tạo, tăng tốc độ tối ưu, giải phóng khỏi những công việc tay chân lặp đi lặp lại. Từ đó, cha đẻ Perl kết luận phụ nữ chiếm ưu thế trong những công việc lặp đi lặp lại một cách nghiêm túc, nhưng điều này lại đi ngược lại những năng lực cần có của một lập trình viên.
|
Nữ giới làm công việc lập trình trên máy tính số ENIAC vào thập niên 60s |
Thực tế, đã có thời kỳ phụ nữ chiếm phần lớn số lượng lao động trong ngành lập trình. Đó là từ suốt giai đoạn thế chiến cho đến thập niên 80s. Thời đầu, người ta phải dùng thẻ đục lỗ (punch card) đưa vào máy đọc để máy móc hiểu được những gì con người viết ra. Khi đó, người đảm nhận công việc này thường là nữ giới.
Cho đến khi ngôn ngữ lập trình đầu tiên được sáng tạo ra vào khoảng thập niên 50s, phụ nữ vẫn đóng vai trò chính trong việc vận hành các cỗ máy tính bằng cách cắm và rút dây cũng như điều chỉnh công tắc theo những gì đã được học. Tỷ lệ này giảm dần cho đến đầu thập niên 90s.
Ngày nay, khi lập trình đòi hỏi kiến thức toán và tư duy logic, nữ giới dần vắng bóng trong ngành công nghiệp phần mềm trên toàn cầu. Thực trạng này cũng đúng với Việt Nam, nơi nữ giới ít tham gia vào lập trình vì định kiến giới. Trên một diễn đàn dành cho các lập trình viên Daynhauhoc, bạn Quỳnh Phạm than thở: “Khi mình chuyển sang học lập trình, họ hàng mình vẫn còn tư tưởng là có theo nổi không, con gái mà học làm chi, lo cưới chồng sinh con đi”.
|
Tỷ lệ nữ giới trong ngành khoa học máy tính đã giảm mạnh từ cuối thập niên 80s trở lại đây |
Định kiến giới đã ăn sâu trong tiềm thức và điều này rất khó làm thay đổi tư duy học lập trình phải là nam giới như hiện nay, tương tự ở các ngành đặc thù giới khác như y tá, giáo viên mầm non, sửa chữa máy móc...
Tất nhiên, trên thế giới không thiếu những nữ lập trình viên giỏi giang, nhưng những người giỏi thường... làm gì cũng giỏi. Marissa Mayer là một trong 20 kỹ sư đầu tiên ở Google trước khi trở thành nữ tướng của Yahoo từ năm 2012 - 2017. Jade Raymond, người phụ nữ hiện đứng đầu bộ phận Google Stadia, từng có nhiều năm lập trình cho các dự án của Sony Online.
|
Marissa Mayer, cựu CEO Yahoo từng là người viết code ở Google |
Điều tương tự cũng xảy ra với trường hợp của các nữ lập trình viên Việt. Chẳng hạn như Đỗ Hồng Nhung (vlogger Hana's Lexis, 616.000 subs), một trong số ít người Việt được IELTS 9.0, đang làm lập trình viên ở Mỹ, dù trước đó từng làm công việc định phí bảo hiểm.
Đó là điều cho thấy không thiếu các nữ lập trình viên giỏi, nhưng nếu không phải là những người giỏi nhất, nữ giới khó lòng trụ lại với công việc đòi hỏi phải dán mắt vào màn hình máy tính cả ngày để coding, làm thêm giờ (OT) liên tục, chạy deadline dự án không ngừng nghỉ như ngày nay.
Phương Nguyễn