Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Pháp thành lập quỹ 150 triệu EUR (170 triệu USD) ban đầu thông qua ngân hàng Bpifrance Financement SA để đầu tư vào các công ty địa phương nếu họ đang được một nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận. Trong thông báo ngày 5/6, chính phủ cho biết có thể tăng quy mô quỹ lên 500 triệu EUR từ đầu năm 2021.
Đây là một phần trong gói cứu trợ cho ngành công nghệ nhằm đối phó với tình trạng rút vốn đầu tư đang diễn ra. Hàng loạt biện pháp tài chính đã được thiết lập từ cuối tháng 3/2020 để giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Pháp cũng bổ sung chương trình 100 triệu EUR cho các công ty đang trong giai đoạn nghiên cứu, không đủ điều kiện vay chính phủ.
Trong khi đó, theo Telegraph, chính phủ Anh đang chuẩn bị dự luật bảo vệ startup công nghệ nước này trước các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dự luật đang gây chia rẽ trong chính phủ khi một số lo ngại nó sẽ ảnh hưởng tới việc huy động vốn mà startup cần có để tồn tại.
Dự luật đã được nghiên cứu một thời gian và Thủ tướng Boris Johnson mới đây có nhắc tới. Ông nói rằng trong vài tuần tới sẽ đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ nền tảng công nghệ của Anh. Dự luật được tin là một phần trong nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc của Anh vào doanh nghiệp Trung Quốc. Luật hiện hành cho phép các công ty có thể khai báo hoặc không khi một người mua ngoại quốc cố gắng mua hơn 25% cổ phần, mua sắm tài sản, sở hữu trí tuệ… Song, dự luật yêu cầu bắt buộc khai báo khi trường hợp đó xảy ra.
Cuối tháng 5/2020, ông Johnson bất ngờ thông báo sẽ thay đổi quyết định cho phép Huawei tham gia mạng 5G trước đây. Telegraph đưa tin ông Johnson yêu cầu các quan chức lên kế hoạch giảm sự tham gia của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng tại Anh “về không” vào năm 2023.
Cựu CEO ARM, Robin Saxby, nhận định dự luật có thể làm tổn hại tới sự cạnh tranh của ngành công nghệ Anh. Theo ông, chính trị gia khó hiểu được hoạt động thực sự của doanh nghiệp.
Du Lam (Tổng hợp)