Tường đá 11.000 năm dưới biển dùng để bẫy tuần lộc

Đức - Bức tường ven biển Baltic nằm trong số những công trình cổ nhất dùng để săn bắt trên Trái Đất và cấu trúc lớn nhất thời Đồ Đá được tìm thấy ở châu Âu.


Một bức tường đá dưới nước phát hiện ở biển Baltic gần nước Đức được xây cách đây khoảng 11.000 năm để săn tuần lộc khi địa phương là mảnh đất khô ráo, theo nghiên cứu công bố hôm 12/2 trên tạp chí PNAS. Các nhà nghiên cứu suy đoán người tiền sử ở địa phương xây dựng bức tường. Phần còn sót lại của công trình được tạo ra từ 1.670 khối đá, trải dài 975 m, cao một mét và rộng hai mét. Nhóm nghiên cứu tìm thấy bức tường qua sóng âm và các chuyến lặn tới địa điểm nằm ở độ sâu khoảng 21 m, cách Rerik, Đức khoảng 10 km về phía đông, thuộc vịnh Mecklenburg.


Bức tường thuộc hàng lớn nhất từ đầu thế Toàn Tân (11.700 năm trước tới nay) ở châu Âu. Dựa trên những bức tường tiền sử tương tự như ở Trung Đông, nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết công trình được xây bởi cộng đồng người săn bắt - hái lượm để lùa động vật hoang dã vào bãi quây và giết chết chúng. Họ cũng chỉ ra bức tường ở vịnh Mecklenburg dùng để săn tuần lộc (Rangifer tarandus), loài vật phổ biến ở châu Âu thời kỳ đó. Nhưng mực nước biển thay đổi do thềm băng tan chảy sau kỷ Băng Hà cuối cùng làm ngập khu vực cách đây khoảng 8.500 năm, cùng với nhiều nơi khác thuộc biển Baltic ngày nay và vùng Doggerland nối nước Anh với lục địa châu Âu.


Các nhà khoa học phát hiện bức tường gần như tình cờ vào năm 2021 trong chuyến đi thuyền tới vịnh Mecklenburg để dạy kỹ thuật địa vật lý cho sinh viên. Nhóm nghiên cứu lập bản đồ bức tường bằng thiết bị sóng âm trên thuyền và một phương tiện tự động dưới nước. Họ cũng lặn tới nhiều địa điểm khác nhau dọc theo chiều dài của nó. Kết quả thăm dò và mẫu vật trầm tích từ đáy biển quanh công trình chỉ ra nó được xây có chủ đích trên đất khô ráo thay vì là một phần tự nhiên của vùng đất ngập dưới nước.


Jacob Geersen, nhà địa vật lý hải dương ở Đại học Kiel và Marcel Bradtmöller, nhà sử gia ở Đại học Rostock tại Đức là đồng tác giả nghiên cứu về phát hiện. Bradtmöller giải thích bức tường dường như xây cạnh bờ một đầm lầy hoặc hồ nước cổ đại giúp ngăn động vật khỏi chạy trốn theo hướng đó. Nhóm nghiên cứu chưa biết chính xác thời gian xây dựng bức tường nhưng tuần lộc tuyệt chủng trong vùng cách đây khoảng 9.000 năm, vài trăm năm trước khi khu vực bị ngập bởi nước biển.


Ngoài lập bản đồ bức tường, các nhà nghiên cứu hy vọng tìm thấy đồ tạo tác chôn vùi dọc theo chiều dài của nó, có thể hé lộ nhiều hơn về nguồn gốc và công dụng của công trình này. Họ cho rằng một số đoạn tường có thể là "điểm mù", nơi những người phụ trách giết động vật ẩn nấp để không làm mồi săn hoảng sợ.


Một phần do môi trường nước nồng độ oxy thấp, công trình chìm dưới nước thường được bảo quản tốt. Nhưng chúng cũng là thách thức đối với nghiên cứu. Tuy nhiên, bức tường ở vịnh Mecklenburg nằm ở vùng biển tương đối lặng sóng dọc bờ biển Baltic, khác với các công trình ở vùng Doggerland thuộc Biển Bắc, nơi bão và sóng cao khá phổ biến. Không chỉ bảo quản công trình tốt hơn, biển lặng cũng cho phép nghiên cứu bức tường dễ dàng hơn. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể quay trở lại tàn tích bức tường trong vài tháng tới.


An Khang (Theo Live Science)









Tuong da 11.000 nam duoi bien dung de bay tuan loc


Duc - Buc tuong ven bien Baltic nam trong so nhung cong trinh co nhat dung de san bat tren Trai Dat va cau truc lon nhat thoi Do Da duoc tim thay o chau Au.

Tường đá 11.000 năm dưới biển dùng để bẫy tuần lộc

Đức - Bức tường ven biển Baltic nằm trong số những công trình cổ nhất dùng để săn bắt trên Trái Đất và cấu trúc lớn nhất thời Đồ Đá được tìm thấy ở châu Âu.
Tường đá 11.000 năm dưới biển dùng để bẫy tuần lộc
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: