Phát biểu tại họp báo ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là những trụ cột then chốt, đóng vai trò động lực chính cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Khoa học và công nghệ là nền tảng của đổi mới sáng tạo, là động lực của chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định tại cuộc họp báo. Ảnh: Bộ KH&CN 5 đạo luật tạo hành lang pháp lý cho giai đoạn phát triển mới
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn, chỉ trong vòng 4 tháng sau khi Bộ KH&CN hợp nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua 5 đạo luật mang tính nền tảng, tạo hành lang pháp lý dẫn dắt cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới.
Các luật này gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.
Được khởi thảo từ 1–2 năm trước, nội dung của các luật này đã được xây dựng lại gần như toàn diện, trên tinh thần tiếp thu sâu sắc định hướng lớn trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu không chỉ cập nhật thực tiễn mà còn tháo gỡ những "điểm nghẽn" thể chế, vốn lâu nay là rào cản lớn trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
“Tại buổi họp báo hôm nay, Bộ KH&CN công bố các nội dung cốt lõi và thay đổi mang tính căn cơ trong các đạo luật. Đồng thời, Bộ kỳ vọng việc triển khai hiệu quả 5 đạo luật này sẽ tạo cú hích mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa các đột phá chiến lược, đưa chính sách pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Cụ thể hóa tư duy phát triển bằng đổi mới sáng tạo và công nghệ số
Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cụ thể hóa tầm nhìn trong Nghị quyết 57, đồng thời khẳng định rõ định hướng phát triển dài hạn của đất nước.
Lần đầu tiên, "đổi mới sáng tạo" được đặt ngang hàng với "khoa học và công nghệ", cho thấy bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển, từ nghiên cứu đơn lẻ sang đổi mới toàn diện, gắn với sản xuất, thị trường và ứng dụng thực tiễn.
Luật Công nghiệp công nghệ số là bước tiến quan trọng khi điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), tài sản số. Đặc biệt, Luật lần đầu tiên quy định rõ chương trình "Make in Vietnam", khẳng định vai trò của thiết kế, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.
Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thể hiện sự đổi mới trong tư duy quản lý nhà nước. Cách tiếp cận hành chính được thay thế bằng mô hình quản lý theo rủi ro, hậu kiểm dựa trên dữ liệu, công nghệ và trách nhiệm giải trình. Sự chuyển đổi từ “khuyến khích” sang “ràng buộc” và “chế tài nghiêm minh” sẽ tăng hiệu lực quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho đổi mới và hội nhập.
Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi xác định điện hạt nhân là một trong những lựa chọn chiến lược, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon. Luật được xây dựng theo khung hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ cao và chuẩn mực quốc tế.
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, 5 đạo luật nói trên không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho các chính sách chiến lược quốc gia, mà còn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong bối cảnh hệ thống chính quyền địa phương hai cấp đang bước vào giai đoạn vận hành, Bộ KH&CN kỳ vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, giới nghiên cứu và đặc biệt là các cơ quan báo chí, nội dung cốt lõi của 5 đạo luật này sẽ được lan tỏa mạnh mẽ.
Đây sẽ là những đóng góp thiết thực nhằm đưa chính sách vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển thực chất, xây dựng nền khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo toàn diện và chuyển đổi số hiệu quả, vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045.