Vụ việc xảy ra tại thành phố Denver, tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ. Cảnh sát cho biết trong khoảng thời gian từ 2 giờ 30 phút chiều ngày thứ tư đến 9 giờ 30 phút sáng ngày thứ năm tuần trước, khi một chiếc xe tải y tế đang đậu ở khu phố 7700, Đại lộ E.23, nó đã bị trộm đột nhập.
Chiếc xe tải này đang chở hàng cho Science Care, một tổ chức vận động hiến xác cho khoa học. Họ có một mạng lưới các cơ sở y tế chuyên tiếp nhận thi thể người hiến tặng, và cơ sở hỏa táng miễn phí để tri ân sự cống hiến của những nhà hảo tâm đó.
Không biết liệu tên trộm có biết điều này không, nhưng hắn đã vào xe tải và lấy một chiếc hộp màu xanh trắng của Science Care, trên đó có dòng chữ "Exempt Human Specimen", nghĩa là một mẫu bệnh phẩm của con người được miễn trừ y tế vì không chứa bệnh truyền nhiễm.
Chiếc hộp có kích thước 20x15x18 inch và Science Care cho biết trong trường hợp này, mẫu bệnh phẩm họ để vào chính là một chiếc đầu người thật nguyên vẹn. Bây giờ, chiếc đầu đã bị mất tích.

Hành vi của tên trộm ở Denver khiến chúng ta liên tưởng về một thời kỳ đen tối của ngành giải phẫu học. Từ giữa thế kỷ 18 cho tới thế kỷ 19 ở Mỹ là khoảng thời gian phát triển bùng nổ của ngành giải phẫu học.
Nhu cầu tìm hiểu chi tiết về cấu trúc cơ thể con người được đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Nguồn mẫu vật duy nhất hợp pháp lúc đó là thi thể của tử tù đã không đáp ứng được cơn khát xác chết trong các trường đại học.
Hệ quả là những sinh viên y khoa và cả các giáo sư của họ sẵn sàng tổ chức những cuộc trộm mộ để có cơ hội thực hành trên người thật. Những vụ trộm như thế này thường được thực hiện hết sức tinh vi và công phu.

Ban đầu, nhóm thực hiện sẽ gài một người phụ nữ vào đám tang để do thám tình hình, xác định vị trí và đầu đặt quan tài. Họ cũng thường mua chuộc một người hầu trong gia đình đó, nhằm cung cấp các thông tin về ngày lễ tang kết thúc, hoặc liệu xem sau khi người chết đã được chôn cất, có bất kể ai bất ngờ trở lại ngôi mộ hay không.
Nếu tình tình khả quan, nhóm trộm mộ sẽ lên kế hoạch thực hiện cuộc khai quật vào ban đêm, càng sớm càng tốt để đất còn xốp và cái xác chưa bị phân hủy. Họ sẽ chỉ đào một nửa một phía đầu xác chết. Đất thừa được xúc lên một tấm bạt để tránh làm xáo trộn phần cỏ hoặc các ngôi mộ xung quanh.
Khi đã đào được tới nắp quan tài, những kẻ trộm mộ sẽ dùng xà beng hoặc móc câu để cậy nó ra. Phần đất còn lại ở nửa dưới quan tài sẽ trở thành đối trọng, khiến nắp quan tài bị gãy. Để giảm tiếng động này, những kẻ trộm mộ sẽ chèn vào đó một vài cái bao tải.
Thi thể sau đó được lôi ra khỏi quan tài, cởi sạch quần áo bỏ lại, trước khi nhóm trộm đóng lại cái nắp đã gãy rồi lấp đất để xóa dấu vết ở hiện trường.

Hành vi trộm mộ lấy thi thể nghiên cứu rất phổ biến ở Mỹ đầu thế kỷ 19. Một số trường y khoa ở Philadelphia, Baltimore và New York thậm chí trở nên nổi tiếng với hoạt động này.
Điều này đã khiến cho các nghĩa trang lớn ở đây phải xây tường rào và cắt cử lính canh có vũ trang ở cửa vào ban đêm. Tuy nhiên, đôi khi chính những lính canh này cũng bị mua chuộc bởi những nhóm trộm mộ.
Trộm mộ tất nhiên vấp phải rất nhiều tranh cãi về đạo đức. Vào cuối thế kỷ 19, John Gorham Coffin, một giáo sư và bác sĩ y khoa nổi tiếng đã phải tự hỏi: "Làm thế nào mà các bác sĩ, những người vốn rất đạo đức lại có thể tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia vào hành động này?".
Charles Knowlton, một tiến sĩ y khoa tại Trường Y Dartmouth sau đó lập luận rằng hành vi trộm mộ vì khoa học giúp thúc đẩy xã hội phát triển qua các hiểu biết mới của y học.
Mặc dù nó gây hại cho gia đình và bản thân người chết, nhưng xét trên tổng thể xã hội, hạnh phúc của nhân loại sẽ được gia tăng và đau khổ của nhiều người khác thực ra được giảm xuống.
Knowlton sau đó đã tốt nghiệp loại ưu từ Trường Y Dartmouth, nhưng bị bắt gần như ngay lập tức vì tội mổ xác bất hợp pháp. Ông sau đó đã kêu gọi các bác sĩ hãy giảm định kiến của công chúng bằng cách tự hiến xác của mình cho y học.

Nỗ lực của Knowlton và nhiều người khác sau đó đã dẫn đến sự ra đời của Đạo luật Hiến tặng Thi thể tại Mỹ vào năm 1968, cho phép mọi người đăng ký hiến tặng thi thể của mình sau khi họ chết, vì mục đích khoa học và giáo dục.
Kể từ đó đến nay, mỗi năm tại Mỹ có khoảng 20.000 người quyết định đăng ký hiến xác sau khi họ chết. Một trong số những động lực thúc đẩy họ làm điều này là vì lợi ích kinh tế.
Trung bình, chi phí cho một lễ mai táng ở Mỹ lên tới 8.755 USD (tương đương 200 triệu VNĐ). Hình thức hỏa táng sẽ tiết kiệm hơn, nhưng chi phí cũng lên tới 6.260 USD. Nhưng nếu một người quyết định hiến xác của họ cho khoa học, tất cả các chi phí này sẽ được trường y hoặc cơ sở tiếp nhận xác như Science Care chi trả.
Corinne Bell, giám đốc điều hành tại Anatomy Gifts Registry, một tổ chức quyên góp thi thể phi lợi nhuận khác ở Mỹ, cho biết: "Tiết kiệm chi phí là một trong những lý do để mọi người hiến tặng cơ thể họ".
Nhưng đó rõ ràng không phải là lý do duy nhất. Phần nhiều những người hiến tặng thi thể mình là vì họ biết rằng sau chết, họ vẫn có thể đóng góp một điều gì đó cho sự phát triển của xã hội.

Ngày nay, các thi thể hiến tặng được sử dụng cho nhiều mục đích khoa học và giáo dục. Chúng có thể trở thành mẫu vật cho sinh viên y khoa, trở thành tiêu bản thực hành cho robot phẫu thuật, trở thành đối tượng nghiên cứu cho các nhà giải phẫu bệnh học…
Science Care cho biết trong vòng hơn 20 năm qua, họ đã nhận được hơn 60.000 thi thể hiến tặng. Các thi thể này đã được phân phối tới nhiều đơn vị nghiên cứu trên khắp nước Mỹ, thậm chí cả nước ngoài. Chúng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình nghiên cứu nhiều bệnh ung thư, Alzheimer, bệnh tim mạch, chấn thương chỉnh hình, bệnh cột sống và trong công tác đào tạo.
"Nghĩa cử hiến thi thể đang giúp thay đổi tương lai của y học và thế hệ con cháu bạn chính là những người được hưởng lợi", Science Care cho biết. "Bằng cách hiến thi thể, bạn đang góp một món quà vào con đường dẫn đến những kiến thức và khám phá y học mới".

Trở lại với vụ trộm đầu người ở Denver, cảnh sát hiện vẫn chưa tìm thấy chiếc hộp đựng thi thể và tên trộm. Nhà chức trách chỉ có thể phát đi thông điệp rằng bất cứ ai nhìn thấy chiếc hộp màu trắng xanh như mô tả, hoặc phát hiện ra một chiếc đầu người thì hãy liên hệ ngay với cảnh sát.
Tên trộm được vận động trả lại mẫu vật, nếu chính bản thân hắn cũng không biết mình đã lấy trộm được thứ gì. Khoảnh khắc hắn mở chiếc hộp ra chắc chắn sẽ rất kinh hoàng.
Nhưng chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng hắn biết chính xác thứ mà mình đã trộm. Có thể có một nhà khoa học điên rồ nào đó ngoài kia đang cần một chiếc đầu người để làm thí nghiệm.
Và ông ta đã làm điều đó, thực hiện một vụ trộm giống như trong thế kỷ 18.
Tham khảo
https://genk.vn/mot-chiec-hop-chua-dau-nguoi-vua-bi-danh-cap-tai-my-ten-trom-co-the-khong-biet-han-vua-lay-duoc-thu-gi-20220308232715576.chn Lấy link