Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu là rất lớn. Quốc gia này chiếm gần 60% tổng sản lượng khai thác mỏ của thế giới về các nguyên tố quan trọng này, cũng như kiểm soát khoảng 85% công suất xử lý toàn cầu và sản xuất gần 90% tất cả các nam châm đất hiếm vĩnh cửu.
Và một yếu tố quan trọng đã giúp Trung Quốc xây dựng và duy trì sự thống trị của mình đối với tất cả các phân khúc của chuỗi cung ứng đất hiếm chính là các công cụ hành chính được hiệu chỉnh cẩn thận. Cụ thể ở đây là chính sách thuế và hạn ngạch sản xuất.

Mỏ khai thác đất hiếm ở vùng Nội Mông, Trung Quốc.
Hạn ngạch và bộ công cụ thuế
Hệ thống hạn ngạch về đất hiếm của Trung Quốc đã liên tục thay đổi trong những năm qua. Ban đầu, hạn ngạch xuất khẩu đưa ra giới hạn về số lượng đất hiếm mà các công ty Trung Quốc có thể bán cho người mua ở nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phải hủy bỏ hạn ngạch xuất khẩu khi trong một báo cáo tại Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2014, Mỹ đã khiếu nại rằng hạn ngạch là hành vi thương mại không công bằng. Chính quyền Bắc Kinh sau đó đã thay thế hạn ngạch xuất khẩu bằng hạn ngạch sản xuất, tức là chỉ trao giấy phép sản xuất cho một số lượng nhỏ các tập đoàn đất hiếm thuộc sở hữu nhà nước.
Một hệ thống thuế mới cũng được đưa ra nhằm tăng cường sự kiểm soát của nhà nước Trung Quốc đối với ngành công nghiệp đất hiếm. Lúc đầu, đây là một loại thuế tài nguyên, được đánh dựa trên số lượng sản xuất. Còn ngày nay, thuế được tính dựa trên giá trị, cụ thể là mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 13% được đánh trên tất cả các sản phẩm đất hiếm.
“Hệ thống hạn ngạch sản xuất, kết hợp với hệ thống thuế mới, hiện đóng vai trò như một biện pháp phòng thủ hiệu quả chống lại các nỗ lực quốc tế nhằm phá vỡ chuỗi cung ứng gần như độc quyền của Trung Quốc", Per Kalvig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Trung tâm Khoáng sản và Vật liệu của Greenland, cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng trước về chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Trung Quốc vừa hợp nhất ba tập đoàn nhà nước để thành lập một tổng công ty khổng lồ trong lĩnh vực khai thác đất hiếm.
Thuế VAT của Trung Quốc bảo vệ và chống lại sự cạnh tranh từ nước ngoài như thế nào?
Kalvig đã giải thích chi tiết cách Trung Quốc sử dụng hệ thống thuế VAT của mình để nghiêng sân chơi về hướng có lợi cho ngành công nghiệp đất hiếm trong nước.
Tất cả các sản phẩm đất hiếm, bao gồm oxit, kim loại và nam châm, đều chịu thuế VAT 13%. Khi một nhà sản xuất mua nguyên liệu đất hiếm thô ở Trung Quốc, họ phải trả theo giá thị trường quốc tế, bao gồm mức thuế 13%. Nếu nguyên liệu đất hiếm thô xuất khẩu từ Trung Quốc thì không được hoàn thuế GTGT. Nhưng xuất khẩu nam châm đất hiếm từ Trung Quốc đủ điều kiện để được hoàn thuế VAT. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất nam châm đất hiếm của Trung Quốc có lợi thế về chi phí nguyên liệu thô so với các đối thủ nước ngoài là 13%.
“Do đó, ở phần trên và phần giữa của chuỗi cung ứng, lợi thế cạnh tranh kinh tế 13% có lợi cho các công ty Trung Quốc đã được thiết lập và một động lực kinh tế đã được tạo ra để tăng giá trị ở tất cả các bộ phận tích lũy thuộc Trung Quốc”, Kalvig viết.
Trong khi đó, một công ty nước ngoài muốn bán các sản phẩm đất hiếm cho Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các loại phí và thuế.
Nếu công ty đó đang bán tinh quặng đất hiếm (được sản xuất khi quặng thô đã qua bước xử lý sơ bộ) cho Trung Quốc, thì thuế VAT và thuế nhập khẩu sẽ không được áp dụng. Tuy nhiên, nguyên liệu đất hiếm đã được xử lý thêm để trở thành những thứ như oxit, cacbonat và kim loại sẽ phải chịu thuế nhập khẩu 5% và thuế GTGT 13%. Điều này gây bất lợi cho các dự án đất hiếm ở nước ngoài, vì họ chỉ có thể bán cho Trung Quốc tinh quặng đất hiếm, thứ có giá trị gia tăng thấp, còn các sản phẩm đã được chế biến nhiều hơn sẽ bị đánh thuế và chỉ có thể cạnh tranh ở Trung Quốc nếu họ chấp nhận bán với giá thấp hơn - một điều không hấp dẫn để đề xuất với các nhà đầu tư.
Tất cả điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia đang cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm của riêng mình để cạnh tranh và ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Kalvig lưu ý: “Nhìn chung, hệ thống thuế của Trung Quốc có nghĩa là, nếu không có những thay đổi đối với các kế hoạch hoàn thuế VAT, Trung Quốc sẽ duy trì vị thế độc quyền của mình trong các chuỗi giá trị đất hiếm."
Ngoài việc chống lại sự cạnh tranh từ nước ngoài, hệ thống thuế này còn giúp chuyển ngành công nghiệp đất hiếm trong nước của Trung Quốc sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn và công nghệ phức tạp hơn, như sản xuất nam châm vĩnh cửu. Đồng thời nó cũng bảo tồn dự trữ tài nguyên đất hiếm chiến lược của Trung Quốc.

Mỹ muốn phá thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc, có thể nhưng sẽ không hề dễ dàng.
Cách Mỹ có thể sử dụng các chính sách thuế để giành lại cuộc chơi đất hiếm
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sử dụng chính sách thuế để tạo lợi thế cho lĩnh vực đất hiếm của riêng mình. Mỹ cũng đang chuẩn bị bộ công cụ thuế của riêng mình.
Một dự luật lưỡng đảng được đưa ra tại Quốc hội vào mùa hè năm ngoái sẽ cung cấp các khoản tín dụng thuế cho việc sản xuất nam châm đất hiếm vĩnh cửu trong nước. Trong khi đó, các nhà phân tích cũng đang kêu gọi các khoản tín dụng thuế sản xuất như vậy được mở rộng cho từng mắt xích trong chuỗi cung ứng đất hiếm của Mỹ, để việc khai thác đất hiếm đủ điều kiện nhận được mức khấu trừ thuế cao nhất dựa trên tỷ lệ cạn kiệt của các mỏ, giếng và những thứ tương tự khác.
Tham khảo QZ
https://genk.vn/cach-trung-quoc-su-dung-chinh-sach-thue-de-bao-ve-doc-quyen-ve-dat-hiem-20220223171922932.chn Lấy link