|
Ảnh: AFP |
Raposo, ứng dụng tương tự TikTok ra đời năm 2014, có thêm 22 triệu người dùng mới chỉ trong 2 ngày sau khi Ấn Độ ban lệnh cấm 59 ứng dụng Trung Quốc. Theo Sensor Tower, hiện tại, ứng dụng xếp hạng nhất danh mục giải trí của Apple App Store tại đây. Chingari, một ứng dụng “hao hao” TikTok khác ra mắt năm 2018, ghi nhận 2 tới 3 triệu lượt tải mỗi ngày.
TikTok của ByteDance khiến định dạng video ngắn trở nên phổ biến và được công nhận là ứng dụng Trung Quốc đầu tiên thành công trên toàn cầu. Ấn Độ là thị trường nước ngoài lớn nhất của TikTok với ít nhất 120 triệu người dùng mỗi tháng trước lệnh cấm.
Vụ đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới hai nước hồi tháng trước đã dẫn tới cái chết của 20 binh sỹ Ấn Độ, làm dấy lên làn sóng tẩy chay công nghệ Trung Quốc. TikTok, vốn đã vấp phải không ít tranh cãi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, một lần nữa gặp phải “sao quả tạ”. Theo dữ liệu của hãng phân tích truyền thông Meltwater, trong vòng 1 tuần sau lệnh cấm, phản ứng tiêu cực đối với TikTok trên mạng xã hội tăng từ 55% lên 80%.
Không chỉ các đối thủ nội địa được hưởng lợi từ bước lùi của TikTok. Instagram thông báo bắt đầu thử nghiệm tính năng Reels giống với TikTok tại Ấn Độ. The Information cho rằng , YouTube được cho là đang chuẩn bị giới thiệu tính năng chia sẻ video dạng ngắn, Shorts, trong ứng dụng di động vào cuối năm 2020,
Theo nhà phân tích Sanjeev Kumar của Forrester, nhìn vào tình hình hiện tại, lệnh cấm khó được dỡ bỏ trong một sớm một chiều. Còn phải xem TikTok có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục xoay quanh bảo mật dữ liệu hay không. TikTok đang đánh mất lợi thế của người đi đầu. Thậm chí, ngay cả khi chính phủ Ấn Độ suy nghĩ lại, khoảng thời gian vài tháng là quá đủ đối với đối thủ.
Xét tới vai trò của Ấn Độ với TikTok, lệnh cấm đã khiến công ty chịu thiệt hại nặng nề. Theo Caixin, ByteDance có thể bị tổn thất 6 tỷ USD.
TikTok không chỉ gặp khó tại Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Australia loại TikTok khỏi danh sách ứng dụng được xuất hiện trên thiết bị của nhân viên, tương tự Quân đội và Hải quân Mỹ. TikTok liên tục bác bỏ những lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu, khẳng định lưu dữ liệu người dùng bên ngoài Trung Quốc.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ Mỹ đang cân nhắc cấm các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, trong đó có TikTok. Đáp lại, người phát ngôn TikTok cho biết TikTok do CEO người Mỹ dẫn dắt với hàng trăm nhân viên và lãnh đạo then chốt tại Mỹ. Không có ưu tiên nào cao hơn mang tới trải nghiệm an toàn và bảo mật cho người dùng và TikTok không bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc.
TikTok cũng nhanh chân hơn các mạng xã hội khác khi tuyên bố sẽ rút khỏi Hồng Kông trong vài ngày tới. Dù vậy, công ty vẫn đối mặt với sự giám sát ở khắp nơi. Nhà chức trách Mỹ được cho là đang xem xét cáo buộc TikTok không đáp ứng thỏa thuận năm 2019 trong bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.
Giông bão đến với TikTok từ năm ngoái khi Mỹ mở cuộc điều tra. Dù vậy, sự phổ biến của ứng dụng này dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều. Theo Sensor Tower, TikTok và phiên bản Trung Quốc Douyin được tải hơn 2 tỷ lượt trên toàn cầu tính đến cuối tháng 4. Số tiền người dùng chi ra là hơn 90,7 triệu USD, cao hơn 8,3 lần tháng 6/2019, phần lớn tới từ trong nước.
Song, theo Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Singapore, TikTok khó tránh khỏi hiện thực bị mắc kẹt trong căng thẳng địa chính trị bất chấp mọi nỗ lực giữ khoảng cách với Trung Quốc. Ông cho rằng việc các công ty công nghệ bị kéo vào trận chiến chính trị là một thực tế chỉ tăng mà không giảm.
Du Lam (Theo SCMP)