Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nhiệp, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục. Đặc biệt là giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Từ đó để thích ứng, chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi. Đồng thời hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các hoạt động. Trong đó có giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi triển khai hoạt động đào tạo theo hình thức trực tuyến.
Năm vừa qua, tuyển sinh trên truyền hình, mô phỏng dạy thực hành trực tuyến, công nhận kết quả thi, kiểm tra trực tuyến là những cách làm, đề xuất được đưa ra để ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội hoặc website của trường. Các cơ sở cũng xây dựng ấn phẩm truyền thông số về tư vấn, hướng nghiệp. Đồng thời đăng tải thông tin trên các chuyên trang tuyển sinh, phương tiện thông tin đại chúng…
Tuy nhiên, công tác này gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hình thức tuyển sinh không hiệu quả đối với vùng sâu, vùng xa, các khu vực có hạ tầng kỹ thuật Internet hạn chế. Nguồn lực tập trung cho công tác tuyển sinh của một số trường bị ảnh hưởng khi bị trưng dụng làm khu cách ly tập trung, cán bộ, giáo viên phải tham gia vào công tác phòng chống dịch. Kết quả tuyển sinh từ đầu năm đến nay còn khá thấp so với kế hoạch.
Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện khảo sát tại 11 trường nghề. Đó là các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Huế, Nha Trang, Ninh Thuận, TPHCM, Đồng Nai, Long An, An Giang. Mục đích khảo sát để tìm hiểu, đánh giá nhận thức về chuyển đổi số, hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin.
Khảo sát cho thấy, các trường chưa nhận thức đầy đủ cũng như có mục tiêu, tầm nhìn chiến lược về tác động của chuyển đổi số đến thị trường lao động. Tỷ trọng kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ số trong các ngành nghề để đáp ứng nhân lực cho chuyển đổi số chưa cao. Nhiều cơ sở vẫn áp dụng cách thức truyền thống, chưa áp dụng các phương pháp dạy, học tập mới phù hợp môi trường số. Hạ tầng công nghệ thông tin phần lớn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy - học hiện tại cũng như yêu cầu chuyển đổi số...
Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị ở Việt Nam
Bà Barcucci Valentina, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế, cho biết: “Toàn bộ khu vực Đông Nam Á bị ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch. Nhiều nước đang phong tỏa, nền kinh tế giảm sút và chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Ở Việt Nam, giáo dục là cánh cửa để có công việc tốt. Tuy nhiên với 85% lao động phi chính thức ngoài ngành nông nghiệp không qua đào tạo kỹ năng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch”.
Chia sẻ kinh nghiệm dạy và học trực tuyến, bà Ewa Filipiak, Giám đốc Hợp tác quốc tế (Hiệp hội các trường cao đẳng công lập Australia), cho biết: Dịch Covid-19 cũng khiến việc học nghề tại Australia phải chia từng nhóm ngành nghề. Theo đó, các trường kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp. Rất nhiều giảng viên chưa có kinh nghiệm trước đây về giảng dạy trực tuyến hoặc kết hợp, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại. Do đó, để cải thiện chất lượng học nghề trong giai đoạn này thì nâng cao năng lực cho giảng viên về giảng dạy trực tuyến.
Ông Jonathan Ledger, chuyên gia tư vấn chính phủ Anh, cho biết: Với giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng chiếm vai trò quan trọng. Trong khi phải sử dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo tăng cường và robot từ xa để mô phỏng môi trường làm việc. Tuy nhiên, đối với một hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, lại chịu ảnh hưởng của đại dịch sẽ là một thách thức không nhỏ khi áp dụng chuyển đổi số.
Theo nhiều chuyên gia, để việc ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của người dạy, người học. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn trên diện rộng cho cả người dạy, người học về kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin. Chú trọng việc khắc phục những hạn chế của công nghệ. Đồng thời, cần lưu trữ lại bài giảng để người học xem khi cần.
Đối với người học, cần xác định mục tiêu của việc học tập trực tuyến một cách rõ ràng. Từ đó, có sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý, thời gian cho việc học trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các cơ sở cần lựa chọn hệ thống phần mềm phù hợp phục vụ cho quá trình dạy học trực tuyến.
Một số trường nghề đề xuất, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng các hệ thống dữ liệu dùng chung. Đồng thời tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn, cho phép các trường linh hoạt trong đào tạo.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động cụ thể giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhanh chóng triển khai chuyển đổi số sớm nhất. Đặc biệt là định hướng được mô hình quy chuẩn, đồng bộ để việc chuyển đổi số không diễn ra một cách tự phát. Điều này tránh cho việc không liên thông được cơ sở dữ liệu, không kết nối được với các hệ thống của cơ quan quản lý Nhà nước. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ lâu dài nhưng phải thực hiện để thích ứng với những diễn biến phức tạp của đại dịch.
Nguồn: giaoducthoidai.vn