DC và Marvel vốn là 2 đối thủ lâu đời, kẻ tám lạng người nửa cân trên đấu trường truyện tranh. Tuy nhiên, nếu xét về lĩnh vực điện ảnh, dường như cán cân lại đang lệch hẳn về phía Marvel, với 1 MCU vô cùng hùng mạnh và đang sở hữu tác phẩm có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại - Avengers: Endgame.

Xét về lĩnh vực điện ảnh, Marvel rõ ràng đã bỏ khá xa DC trong những năm gần đây.
Trong khi đó, DCEU, dù cũng có nhiều cái tên nổi bật như Aquaman, Shazam! hay Wonder Woman, nhưng vẫn loay hoay tìm kiếm hướng phát triển cho riêng mình và chưa thể nào đạt đến thành công vang dội như đối thủ. Hãy cùng nhìn vào sự kiện cross-over lớn đầu tiên của cả 2 vũ trụ điện ảnh này: The Avengers (2012) được đánh giá là 1 trong những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh hay nhất thập kỷ vừa qua, với khoản doanh thu hơn 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, Justice League (2017) chỉ thu về vỏn vẹn 660 triệu USD và bị cả giới chuyên môn lẫn khán giả “ném đá” tả tơi không thương tiếc.
Trên thực tế, DC sở hữu rất nhiều siêu anh hùng với những năng lực, cá tính độc đáo không hề thua kém gì so với Marvel. Tuy nhiên, khi bước ra màn ảnh lớn, có quá nhiều lý do, chủ yếu là trong chiến lược phát triển, khiến họ cứ cố gắng mãi mà không thể “xếp chung mâm” với đối thủ của mình.
DCEU quá vội vàng trong việc kết nối các nhân vật của mình vào 1 phần phim chung

Ngay khi Warner Bros. quyết định Man of Steel sẽ là phần phim mở màn cho 1 vũ trụ điện ảnh riêng của DC, họ đã lập tức vội vàng nhồi nhét rất nhiều nhân vật chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn. Họ đưa Batman và thế đối đầu với Superman trong Dawn of Justice, mà quên mất không trình làng bất cứ 1 phần phim riêng nào cho anh chàng Dơi của mình. Toàn bộ các thành viên khác của Justice League sau đó cũng lần lượt xuất hiện cameo trong bộ phim này, trước khi chính thức ra mắt 1 năm sau đó trong quả bom xịt của đạo diễn Joss Whedon - người từng góp phần lớn trong thành công của The Avengers.
Mặt khác, MCU đã dành ra 4 năm để từng bước giới thiệu 4/6 nhân vật quan trọng nhất của Avengers, bao gồm Iron Man, Captain America, Hulk và Thor. Trong mỗi phần phim riêng, họ lại khéo léo lồng ghép mối liên hệ giữa các nhân vật này thông qua những đoạn after - credits, thứ “đặc sản” khiến khán giả phải nán lại rạp sau khi bộ phim kết thúc.
Thiếu kế hoạch rõ ràng dẫn đến hiệu quả không như mong đợi

Khi chủ tịch Marvel Studios Kevin Feige công bố kế hoạch MCU, ông đã vạch ra hướng phát triển rất rõ ràng và biết chắc vũ trụ điện ảnh của mình sẽ phát triển thế nào qua từng giai đoạn - mà hiện tại chúng ta vẫn thường gọi là Phase. Chính từ tấm bản đồ quá rõ ràng này, đội ngũ làm phim của Marvel có thể dễ dàng theo dõi, sắp xếp, viết kịch bản và thậm chí là lên ý tưởng cho từng đoạn post - credit để hé lộ những phần phim trong tương lai. Sau 1 thập kỷ, mọi thứ trở nên hoàn thiện với 2 phần phim Infinity War và Endgame, để giờ đây khán giả có thể mua 1 bộ DVD “full phim” với tên gọi Infinity Saga.
Ngược lại, DCEU dường như đi đến đâu, họ mới dò đường đến đấy chứ không vạch ra lộ trình sẵn. Sau đó, trên đường đi, họ ném vào những chi tiết nhá hàng cho các phần phim tiếp theo, hay những easter egg nhỏ để xem cái nào có hiệu quả thì sẽ khai thác cái đó.
DCEU có ý thức học hỏi đối thủ, nhưng lại học không đến nơi đến chốn

Nhắc đến DCEU, chúng ta có thể liên tưởng đến 1 cô/cậu học sinh đang đi chép bài bạn trong giờ thi vậy. Marvel Studios đã ôn tập kỹ lưỡng và dùng hết những gì mình đã chuẩn bị trong bài kiểm tra, còn DC Films chỉ đơn giản là copy lại một cách máy móc, thậm chí còn đốt cháy giai đoạn khi ép khối lượng nội dung khổng lồ mà Marvel đã mất 5 năm gây dựng vào trong 1 phần phim duy nhất của mình.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, DCEU vẫn có nhiều khoảnh khắc và ý tưởng thực sự ấn tượng và mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả. Thế nhưng, thật đáng tiếc, Marvel Studios mới là người hiểu định nghĩa về 1 “vũ trụ điện ảnh” hơn cả, và họ cũng biết cách xây dựng nó hiệu quả nhất có thể. Còn DC đơn giản là thấy xu hướng “vũ trụ chung” đang đi lên nên cũng làm theo, nhưng khi chưa xây nền móng vững chắc họ đã lập tức lợp mái mất rồi.
Không chịu lắng nghe khán giả

Thành công lớn nhất mà MCU thu về được chính là việc đội ngũ nhà sản xuất luôn biết cách lắng nghe và chiều fan hâm mộ của mình. Nếu họ đưa ra những đề nghị như hãy làm phim riêng cho Captain Marvel, hãy để Thanos đối đầu với Avengers, Marvel Studios chắc chắn sẽ tìm cách đưa những chi tiết đó vào vũ trụ của mình. 1 trong những lời chỉ trích phổ biến nhất mà Avengers: Endgame phải đối mặt chính là việc đây đơn giản chỉ là 1 bộ phim kéo dài 3 tiếng nhằm thỏa sự mong đợi của fan về 1 sự kiện crossover tầm cỡ, chứ không có chiều sâu về kịch bản. Tuy nhiên, đó lại là điểm mạnh nhất của Marvel: Mang đến cho fan những gì họ mong đợi.
DC gần như hoạt động theo phương châm ngược lại, bởi họ cho rằng họ am hiểu nguyên tác hơn fan hâm mộ mà lại quên mất rằng fan mới là những người bỏ tiền ra mua vé xem phim. Trong khoảng 2 năm gần đây, họ đã bắt đầu tập trung hơn vào những phần phim riêng, thay vì vội vàng thiết kế những sự kiện crossover như trong Justice League. Tuy nhiên, chiến lược này đến từ những dữ liệu phân tích doanh thu phòng vé chứ không phải đến từ việc họ đã biết cách lắng nghe người hâm mộ của mình.
Khâu casting gây nhiều tranh cãi

Khi DCEU mới thành lập, họ đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều từ fan hâm mộ. Ngay cả “chị đại” Gal Gadot (Wonder Woman) cũng từng bị chê bởi cơ thể… quá đẹp, trong khi các nữ chiến binh Amazon thường sở hữu cơ bắp rắn chắc, vai u bắp thịt hơn 1 chút. Ben Affleck cũng là cái tên từng gây nhiều tranh cãi khi khoác lên mình bộ đồ của chàng Kỵ sĩ bóng đêm. Tuy nhiên, cho đến khi được khán giả công nhận, nam diễn viên lại đột nhiên từ bỏ vai diễn này đầy tiếc nuối. Anh sẽ trở lại trong Justice League bản của Zack Snyder, và góp mặt trong The Flash. Nhưng nếu DCEU dự định sản xuất phim riêng cho Batman, Ben Affleck chắc chắn sẽ không phải diễn viên chính. Hiện tại, dàn cast của DCEU đã phần nào được lòng thiên hạ hơn với Jason Momoa (Aquaman) hay Zachary Levi (Shazam!).
Trong khi đó, Marvel Studios rất hiếm khi mắc lỗi trong khâu casting của mình, ngoại trừ trường hợp của Edward Norton trong The Incredible Hulk. Toàn bộ những diễn viên hợp tác với họ đều tiếp tục gắn bó với vai diễn của mình, trong đó đã xuất hiện nhiều cái tên không thể thay thế như Robert Downey Jr. (Iron Man) hay Chris Evans (Captain America). Chính những mối hợp tác lâu dài, bền vững như vậy đã giúp dàn diễn viên gắn bó và ăn ý với nhau hơn trên màn ảnh lớn, còn khán giả thì dù có không hài lòng đến mấy cũng tự nhiên cảm thấy quen mặt và thân thuộc.
Phần phim mở đầu lép vế hơn so với đối thủ

Man of Steel không phải 1 tác phẩm quá tệ, nhưng cũng chưa đủ ấn tượng để mở ra cả 1 vũ trụ điện ảnh rộng lớn như cách mà Iron Man đã làm cho Marvel. Sau 11 năm phát triển, Avengers: Endgame đã thực sự mang lại cảm giác thỏa mãn cho người hâm mộ khi kết thúc số phận của Tony Stark 1 cách đầy bi tráng với câu thoại “I am Iron Man” kinh điển.
Trong khi đó, DCEU hiện tại vẫn đang phân vân không biết có nên sản xuất thêm phim riêng cho Superman hay không, bất chấp đây là 1 trong những nhân vật nổi tiếng bậc nhất của nền văn hóa đại chúng. Mùa hè năm 2020, họ đã suýt để Henry Cavill ra đi vì không biết phải làm gì với chàng Siêu Nhân, còn nam diễn viên thì đã có niềm vui mới với series ăn khách The Witcher. Thế nhưng sau tất cả, Henry vẫn ở lại với DC Films, còn những dự án dành cho anh trong tương lai hiện vẫn là ẩn số khó đoán.
DCEU phải đối mặt với áp lực quá lớn khi đi sau MCU đến 6 năm liền

Vấn đề lớn nhất mà DCEU gặp phải chính là việc họ phải cạnh tranh trực tiếp với MCU ngay khi vừa mới thành lập, tất cả cũng chỉ vì mối quan hệ đối đầu giữa DC và Marvel Comics. Khi Man of Steel hay Dawn of Justice ra rạp, MCU đã gặt hái được quá nhiều thành công trong dòng phim siêu anh hùng và mô hình vũ trụ điện ảnh. Hiện nay, họ vẫn chưa hề có dấu hiệu ngừng lại với hơn 20 tác phẩm trên cả màn ảnh lớn nhỏ đang chờ đợi khán giả trong khoảng 3 - 4 năm tới.
Áp lực cả về số lượng lẫn chất lượng phim đến từ phía MCU là không hề nhỏ, đặc biệt là kể từ sau năm 2016, khi vũ trụ này bước vào phase 3. DCEU sở hữu lượng nhân vật dồi dào và không hề thiếu tài nguyên để khai thác, nhưng họ cần thêm thời gian và quan trọng hơn hết là ý tưởng độc đáo cho riêng mình. Vũ trụ điện ảnh Marvel là 1 cuộc cách mạng sáng tạo của Marvel. DC nếu muốn cuộc chơi cân bằng trở lại, họ cũng cần 1 sáng kiến có sức nặng tương đương như vậy, thay vì chạy theo đối thủ.
Theo ScreenRant
Lấy link