Các mạng xã hội và nền tảng trực tuyến đang nhận chỉ trích trên toàn cầu vì góp phần lan truyền tin giả mạo, dẫn tới những lời kêu gọi nhà chức trách buộc họ phải hành động nhiều hơn nếu không muốn đối mặt với các quy định phức tạp.
Những công ty này, cùng với TikTok và các nhà quảng cáo, đã ký bộ quy tắc xử lý tin giả trên nền tảng của Liên minh Châu Âu (EU) và phải báo cáo công việc của mình trong 6 tháng. Tuy nhiên, EU yêu cầu họ tiếp tục báo cáo thêm 6 tháng nữa trong suốt thời kỳ dịch bệnh diễn ra.
EU muốn các công ty cung cấp thêm dữ liệu về cách thông tin sai sự thật phát tán giữa dịch Covid-19 và hành động của họ có ảnh hưởng thế nào tại các nước EU. Phó Chủ tịch phụ trách Giá trị và Minh bạch Vera Jourova của EU nhận xét dịch bệnh đã trở thành nơi sinh sôi nảy nở của thuyết âm mưu, thông tin sai sự thật và các nền tảng đóng vai trò quan trọng trong khuếch đại những thông điệp này. Do đó, chúng ta phải hợp tác trong cuộc chiến chống tin giả mạo, đặc biệt các nền tảng trực tuyến đòi hỏi minh bạch và nỗ lực hơn nữa.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Pháp luật Singapore K. Shanmugam cho rằng các mạng xã hội đặt lợi ích lên trên những nguyên tắc. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn tại hội thảo Reuters Next hôm 11/1, ông nhận định các nền tảng cho phép tin giả xuất hiện sử dụng mô hình kinh doanh phụ thuộc vào lượt truy cập. Theo ông, thế giới có sự đồng thuận về việc không thể để một mình nền tảng công nghệ xử lý tin giả.
Đạo luật chống thao túng và tin giả trực tuyến của Singapore (POFMA) giới thiệu cuối năm 2019 cho phép các Bộ trưởng ra lệnh cho ấn phẩm tin tức, người dùng mạng xã hội, nền tảng đưa ra cảnh báo rằng trang hay bài viết của họ chứa thông tin sai sự thật và phải đính kèm liên kết dẫn đến website xác thực của Chính phủ. Bên cạnh đó, còn có quy định phạt, thậm chí bỏ tù, cho ai không tuân thủ.
Du Lam (Theo Reuters)