Lẫn lộn thật - giả
Chỉ hơn một tháng sau Ngày Quyền lợi Người tiêu dùng 15/3/2024, nhiều địa phương ở Trung Quốc liên tiếp triệt phá các vụ dầu nhớt giả quy mô lớn.
Các vụ án tiêu biểu gồm: cửa hàng trên Taobao bán dầu Mobil và Fuchs giả thu lợi hơn 140.000 NDT (khoảng 510 triệu đồng); hai cơ sở ở An Huy và Giang Tây làm giả dầu Great Wall, Mobil trị giá trên 1 triệu NDT (hơn 3,6 tỷ đồng); băng nhóm ở Quảng Đông bán dầu nhớt, dầu hộp số giả thu lời về khoảng 2,48 triệu NDT (hơn 9 tỷ đồng); lớn nhất là đường dây ở Vân Nam, sản xuất và phân phối dầu giả với tổng trị giá hơn 100 triệu NDT (khoảng 360 tỷ đồng).
Theo điều tra, băng nhóm này có mạng lưới đại lý dày đặc khắp 22 tỉnh thành như Chiết Giang, Quảng Đông, Vân Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến… Sản phẩm giả mạo nhiều thương hiệu nổi tiếng như "Castrol", "Mobil", "Shell" và "Total". Loại dầu nhớt "Castrol" chính hãng vốn có giá khoảng 600 tệ/can 15L (hơn 2 triệu đồng), nhưng hàng giả chỉ bán ra với giá hơn 100 tệ (khoảng 360.000 đồng). Các đường dây này đã len lỏi, thâm nhập sâu vào nhiều tầng lớp phân phối, từ bán buôn, bán lẻ đến các cửa hàng sửa chữa xe, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Dầu nhớt giả liên tục xuất hiện, nguyên nhân sâu xa chính là lợi nhuận khổng lồ. Các đối tượng làm giả thường sử dụng dầu tái chế hoặc dầu thải, chi phí chỉ khoảng 1 tệ/lít (chưa đến 4.000 đồng), trong khi dầu gốc tổng hợp chính hãng có giá lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tấn.
Nếu dầu thật chứa 10%–25% phụ gia chất lượng cao, dầu giả gần như không pha thêm phụ gia, khiến chất lượng và hiệu suất cực kỳ kém. Dù các hãng đã liên tục nâng cấp công nghệ chống giả trên bao bì, nhiều đối tượng vẫn thu mua thùng đựng dầu thật để bơm dầu giả vào.
Một chuyên gia trong ngành ước tính, để sản xuất một bình dầu nhớt "Mobil Super 1000" giả cao cấp dung tích 4 lít, chi phí nguyên liệu gồm dầu gốc khoảng 13 tệ, phụ gia 26 tệ, và thùng bao bì thu hồi 60 tệ, tổng cộng chỉ khoảng 100 tệ (tương đương 360.000 đồng). Trong khi đó, giá bán chính hãng lên tới 268 tệ (gần 1 triệu đồng), lợi nhuận đạt khoảng 168%.
Thậm chí, nhiều xưởng nhỏ chỉ tốn chưa đầy 20 tệ (khoảng 70.000 đồng) để đóng một bình dầu giả, rồi bán ra với giá 120 tệ (hơn 400.000 đồng), tỷ suất lợi nhuận thu về vượt quá 500%.

Ảnh minh họa
Chiêu trò của các đối tượng
Không chỉ các xưởng nhỏ, nhiều nhà phân phối lớn cũng trở thành mắt xích quan trọng trong việc lan truyền dầu nhớt giả. Năm 2023, công an thành phố Thập Yển (tỉnh Hồ Bắc) đã triệt phá một vụ nhà phân phối được ủy quyền bán cả dầu thật lẫn dầu giả. Đối tượng vừa bán hàng chính hãng, vừa âm thầm đưa dầu giả ra thị trường.
Nguồn tin trong ngành tiết lộ, tại các thành phố lớn, tỷ lệ hàng giả chiếm khoảng 30%, nhưng ở các địa phương nhỏ và vùng sâu, tỷ lệ này có thể lên tới 70%–80%.
Nguyên nhân chính là do lợi nhuận phân phối bị "âm": dầu nhớt thương hiệu lớn chỉ mang lại biên lãi 6%–10% khi bán sỉ, bán cho các gara nhỏ thì lợi nhuận nhỉnh hơn đôi chút. Trong khi đó, các hãng liên tục điều chỉnh tăng giá. Từ năm 2022 đến nay, hàng loạt thương hiệu lớn như Shell, Castrol, Mobil,...đều đã nhiều lần gửi thư thông báo tăng giá.
Giá bán lẻ bị bóp chặt do thị trường nhạy cảm về giá, trong khi chi phí vận hành và áp lực xoay vòng vốn ngày càng nặng nề. Trong tình thế khó khăn, nhiều nhà phân phối buộc phải trộn hàng thật với giả để duy trì dòng tiền, từng bước trượt vào chuỗi cung ứng của thị trường dầu nhớt giả, trở thành một phần trong mắt xích của chuỗi lợi nhuận xám.

Ảnh minh họa
Sau khi nhiều thương hiệu triển khai mô hình bán hàng trực tuyến và đa kênh, hệ thống phân phối truyền thống rơi vào khủng hoảng tồn tại. Các hãng áp dụng chính sách giá khác nhau tùy từng khu vực, vô tình làm bùng phát nạn "chuyển hàng lậu" giữa các địa bàn.
Thực tế, không ít lô hàng được gọi là "hàng chính ngạch" thực chất lại là dầu nhớt giả, trong khi các nhà phân phối không đủ khả năng phân biệt thật – giả. Các hãng cũng chưa thiết lập cơ chế quản lý thống nhất và nghiêm ngặt, khiến dầu nhớt giả dễ dàng trà trộn vào chuỗi cung ứng chính thức.
Bên cạnh đó, vào các đợt khuyến mãi, nhà sản xuất còn khuyến khích đại lý nhập kho số lượng lớn với mức chiết khấu khác nhau, tạo áp lực tồn kho và kích thích cuộc chiến giá khốc liệt. Tất cả những yếu tố này càng làm suy giảm lợi nhuận và đẩy rủi ro kinh doanh của nhà phân phối lên cao.
Xưởng sửa xe – mắt xích cuối cùng đưa dầu giả đến tay người tiêu dùng
Xưởng sửa chữa ô tô chính là khâu cuối cùng mà người tiêu dùng tiếp xúc với dầu nhớt. Nhiều cơ sở uy tín vì giữ danh tiếng nên không dám sử dụng dầu giả, nhưng vẫn tồn tại không ít cửa hàng gian thương, thu mua dầu nhớt giá rẻ rồi đổ vào các can chính hãng đã qua sử dụng để bán ra với giá cao.
Một chủ gara tại Trung Quốc tiết lộ, việc "chiết dầu giả vào thùng thật" diễn ra rất phổ biến. Sử dụng trong thời gian ngắn hạn thì khách hàng khó lòng nhận ra, nhưng về lâu dài, dầu nhớt kém chất lượng sẽ gây mài mòn nghiêm trọng, thậm chí làm hỏng động cơ. Khi tai nạn giao thông xảy ra, việc thu thập bằng chứng cũng gần như bất khả thi.
Tâm lý ham rẻ hoặc quá tin tưởng các "cửa hàng quen" của một bộ phận chủ xe cũng vô tình tạo điều kiện cho dầu nhớt giả tồn tại và lan rộng.
Theo 163
Lấy link