Các nhà khoa học phát hiện một vùng não giúp trẻ nhận diện mặt chữ ngay từ khi chào đời

Con người đã tiến hóa để có bản năng học ngôn ngữ ngay từ khi rất nhỏ.


Ngôn ngữ nói chung và hệ thống chữ viết nói riêng là một thứ gì đó rất phức tạp với người trưởng thành. Thậm chí, nhiều người trong chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi phải học một ngôn ngữ mới không cùng hệ chữ cái Latin như Tiếng Trung, Tiếng Nhật…


Nhưng đối với một đứa trẻ sơ sinh thì sao? Tại sao nhiều đứa trẻ có thể học chữ một cách rất nhanh chóng ngay từ khi chưa vào lớp một?


Trong một nghiên cứu mới của mình, các nhà khoa học đến từ Đại học Ohio, Hoa Kỳ phần nào đã giải thích được câu hỏi này. Họ phát hiện trong não trẻ sơ sinh có một vùng được tạo sẵn, gắn liền với mạng lưới thần kinh ngôn ngữ giúp trẻ nhận diện mặt chữ.


Vùng não này được gọi là VWFA (visual word form area) được cho là sẽ giúp trẻ tiếp thu những hình ảnh của chữ cái và từ ngữ, tạo tiền đề cho việc học đọc sớm sau này.


"Điều đó sẽ khiến nó trở thành một mảnh đất màu mỡ để giúp trẻ nhạy cảm với mặt chữ - ngay cả trước khi trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ", Zeynep Saygin, một phó giáo sư tâm lý học, tác giả cao cấp của nghiên cứu tại Đại học Ohio, cho biết.


Nó đồng nghĩa với việc những đứa trẻ đã được trang bị một vùng não học chữ ngay từ trong bụng mẹ. Nói cách khác, con người đã tiến hóa để có bản năng học đọc, học viết thay vì đó chỉ là những kỹ năng hoàn toàn do rèn luyện, học tập mới có.


Các nhà khoa học phát hiện một vùng não giúp trẻ nhận diện mặt chữ ngay từ khi chào đời - Ảnh 1.

Các nghiên cứu trước đây ủng hộ giả thuyết cho rằng khả năng ngôn ngữ của con người là một kỹ năng cần phải được xây dựng sau khi trẻ chào đời.


Điều đó có nghĩa là vùng não VWFA -chỉ chuyên dùng để đọc – sẽ phải phát triển giống với các phần khác của vỏ não thị giác nhạy cảm với việc nhìn thấy khuôn mặt, cảnh vật hoặc các vật thể khác. Nó chỉ được hình thành khi trẻ bắt đầu được dạy bảng chữ cái, và rồi phân hóa thành một vùng chuyên biệt để nhận diện mặt chữ.


"Nhưng chúng tôi nhận thấy điều đó không đúng. Ngay cả khi mới sinh, VWFA đã được kết nối chức năng với mạng lưới ngôn ngữ của não bộ, kết nối này rõ ràng hơn với kết nối với các khu vực khác", Saygin nói. "Đó là một phát hiện cực kỳ thú vị".


Saygin hiện đang là giảng viên chính của Chương trình Chấn thương Não mạn tính tại Đại học Ohio. Cô đã thực hiện nghiên cứu với đồng nghiệp của mình, phó giáo sư David Osher và các sinh viên cao học của Jin Li và Heather Hansen. Kết quả của họ đã được công bố ngày hôm nay trên tạp chí Scientific Reports.


Để có thể đưa ra kết luận, các nhà nghiên cứu đã phải phân tích ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) não bộ của 40 trẻ sơ sinh. Tất cả đều là những đứa trẻ dưới một tuần tuổi tham gia vào một dự án có tên là Developing Human Connectome.


Đây là một dự án hết sức tham vọng của ba trường đại học lớn ở Anh King College London, Imperial College London và Oxford, nhằm lập ra được một bản đồ động thể hiện sự phát triển và kết nối của các khu vực não bộ con người trong khoảng thời gian từ 20-44 tuần tuổi sau sinh.


Nhờ bản đồ này, các nhà khoa học có thể liên kết các bộ thông tin hình ảnh, lâm sàng, hành vi và di truyền lại với nhau để giải thích sự phát triển của con người trong giai đoạn đầu đời. Tất cả dữ liệu từ chương trình sẽ được công bố dưới dạng nguồn mở, để bất cứ nhà khoa học nào trên thế giới cũng có thể truy cập và khai thác.


Các nhà khoa học phát hiện một vùng não giúp trẻ nhận diện mặt chữ ngay từ khi chào đời - Ảnh 2.

Trong nghiên cứu mới của mình, Saygin và các đồng nghiệp đã chọn ra 40 ảnh chụp fMRI não bộ của trẻ sơ sinh để so sánh với 40 ảnh chụp khác từ não bộ người trưởng thành. Kết quả Saygin thấy là vùng não VWFA nằm bên cạnh một phần khác của vỏ não thị giác xử lý khuôn mặt.


Điều đó chưa thể phá vỡ giả thuyết rằng không có bất kỳ sự khác biệt nào trong hai phần này của não ở trẻ sơ sinh. Bởi cả chữ cái và khuôn mặt đều là những đối tượng trực quan. Khuôn mặt có một số đặc tính giống như từ ngữ, ví dụ như cả hai đều cần độ phân giải không gian cao để con người có thể nhìn thấy chúng một cách chính xác.


Nhưng điều bất ngờ mà Saygin phát hiện được là ngay trong giai đoạn sơ sinh, đó là vùng não VWFA đã có nhũng kết nối rất khác với phần vỏ não thị giác nhận dạng khuôn mặt. Nó chủ yếu được liên kết chức năng tới vùng xử lý ngôn ngữ của não thay vì xử lý hình ảnh.


"VWFA là vùng não chuyên để nhận diện từ và chữ ngay cả trước khi chúng ta tiếp xúc với chúng", Saygin kết luận.


Jin Li, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Thật thú vị khi nghĩ về cách thức và lý do tại sao bộ não của chúng ta phát triển các mô-đun chức năng nhạy cảm với những thứ cụ thể như khuôn mặt, đồ vật và lời nói".


"Nghiên cứu của chúng tôi thực sự nhấn mạnh vai trò của các kết nối não có sẵn ngay từ khi sinh ra để giúp phát triển chuyên môn hóa các chức năng, ngay cả đối với một chức năng phụ thuộc vào kinh nghiệm như đọc mặt chữ".


Các nhà khoa học phát hiện một vùng não giúp trẻ nhận diện mặt chữ ngay từ khi chào đời - Ảnh 3.

Nghiên cứu cũng đã tìm thấy một số khác biệt trong vùng VWFA ở trẻ sơ sinh và người lớn. "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy VWFA cần được cải tiến nhiều hơn nữa khi trẻ trưởng thành", Saygin cho biết. Điều đó có nghĩa là vùng não này mặc dù đã được tạo trước nhưng sẽ cần được trau dồi liên tục theo thời gian, phù hợp với hoạt động học ngôn ngữ của trẻ.


"Kinh nghiệm với ngôn ngữ nói và viết có thể sẽ tăng cường kết nối với các khu vực cụ thể của mạch thần kinh ngôn ngữ và phân biệt rõ hơn nữa chức năng của khu vực này với các khu vực lân cận khi một người bắt đầu biết đọc biết viết", Saygin nói.


Vậy sự phát triển của khu vực VWFA sẽ diễn tiến cụ thể thế nào khi trẻ được học chữ? Chúng ta nên dạy trẻ nhận biết chữ cái từ khoảng tầm tuổi nào? Một đứa trẻ có thể biết chữ sớm nhất từ năm bao nhiêu tuổi?


Đó là những câu hỏi cần thêm thời gian để giải đáp. Nhưng sự phát hiện sự hình thành sớm của khu vực VWFA giúp trẻ nhận diện mặt chữ đã khẳng định rằng con người đã có một bản năng ngôn ngữ ngay từ khi chưa chào đời.


Các nhà khoa học phát hiện một vùng não giúp trẻ nhận diện mặt chữ ngay từ khi chào đời - Ảnh 4.

Trở lại phòng thí nghiệm của Saygin tại Ohio, cô cho biết mình vẫn đang xem xét ảnh quét não của những đứa trẻ 3 và 4 tuổi để tìm hiểu thêm về những gì VWFA thực hiện được trước khi trẻ học đọc.


Saygin nói mục tiêu trước mắt là tìm hiểu cách thức bộ não rèn luyện được khả năng ngôn ngữ. Hiểu được quá trình học đọc của trẻ có thể giúp các nhà khoa học tìm ra cách can thiệp và chữa trị hội chứng khó đọc của trẻ cùng các rối loạn ngôn ngữ khác.


"Biết được vùng não này đang làm gì ở độ tuổi này sẽ cho chúng ta biết nhiều hơn về cách bộ não con người có thể phát triển khả năng đọc và những rắc rối nào có thể xảy ra trong quá trình đó", cô nói. "Điều quan trọng là phải theo dõi xem vùng não này trở nên chuyên biệt theo thời gian như thế nào".


Tham khảo OhioUniversity



Lấy link







Cac nha khoa hoc phat hien mot vung nao giup tre nhan dien mat chu ngay tu khi chao doi


Con nguoi da tien hoa de co ban nang hoc ngon ngu ngay tu khi rat nho.

Các nhà khoa học phát hiện một vùng não giúp trẻ nhận diện mặt chữ ngay từ khi chào đời

Con người đã tiến hóa để có bản năng học ngôn ngữ ngay từ khi rất nhỏ.
Các nhà khoa học phát hiện một vùng não giúp trẻ nhận diện mặt chữ ngay từ khi chào đời
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: