Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo và được Quốc hội thông qua cuối tháng 6. Trong buổi làm việc tại Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 4/7, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho hay một trong những điểm khác biệt của luật là quan điểm đặt đổi mới sáng tạo ngang với khoa học công nghệ.
"Khoa học công nghệ Việt Nam hướng tới đổi mới sáng tạo, tới ứng dụng, tạo ra của cải vật chất, tăng năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, tức tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng giải thích tinh thần của Luật.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam xác định con đường để hùng cường thịnh vượng thông qua đổi mới sáng tạo. Đây là câu chuyện của toàn dân, của tất cả doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, mang kết quả ứng dụng một cách sáng tạo để giải bài toán trong thực tế. Việt Nam cũng định hướng chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ sang làm chủ công nghệ chiến lược.
Cách làm của Việt Nam là từ chiến lược, bài toán quốc gia, dần hình thành ra sản phẩm chiến lược, tiếp đến làm chủ công nghệ qua sản phẩm rồi quay lại bắt đầu nghiên cứu khoa học. "Đây là cách tiếp cận đi từ dưới đất lên", ông nói.
Ở cách tiếp cận theo chiều ngược lại, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chuyển nghiên cứu cơ bản về các trường đại học, hướng đại học trở thành trung tâm khoa học công nghệ quốc gia.
Một điểm nổi bật của Luật là khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong phát triển công nghệ. Khoảng 70-80% chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ sẽ dành cho doanh nghiệp.
Việc cân bằng giữa nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội được đưa vào trong quy định, phản ánh quan điểm phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, Luật nhắc tới chuyển đổi số toàn diện các hoạt động quản lý khoa học công nghệ.
Vụ trưởng Khoa học, kỹ thuật và công nghệ Nguyễn Phú Hùng, đại diện nhóm soạn thảo, cho hay Luật đưa ra 10 điểm mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng.
Theo ông, Luật đã khẳng định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt, là động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. "Khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, do các đội ngũ chuyên môn, nhà khoa học tạo ra, còn đổi mới sáng tạo là hoạt động toàn dân, biến tri thức thành giá trị. Đây là điểm rất mới trong Luật", ông Nguyễn Phú Hùng nói.
Ông chia sẻ thêm, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chuyển đổi mạnh tư duy quản lý, từ quản lý chi tiêu sang quản theo kết quả đầu ra, không còn làm theo kiểu "đếm hóa đơn" như trước.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ lấy thị trường, sản phẩm làm động lực, định hướng cho phát triển công nghệ và xác định các bài toán nghiên cứu liên quan. Theo đó, doanh nghiệp là trọng tâm để phát triển công nghệ. "Doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu phát triển không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ thông qua ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc vốn mồi. Họ cũng được tính khấu trừ về thuế", Vụ trưởng nói.
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng có riêng một điều quy định về tổng công trình sư với nhiều ưu đãi cho các nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước.
Trọng Đạt
- 5 luật mới tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, chính sách khoa học công nghệ
- Tư duy mới trong quản lý tiêu chuẩn, đo lường chất lượng quốc gia
- 'Làm tốt đổi mới sáng tạo có thể làm chủ thế giới'
- 5 luật mới tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, chính sách khoa học công nghệ
- Tư duy mới trong quản lý tiêu chuẩn, đo lường chất lượng quốc gia
- 'Làm tốt đổi mới sáng tạo có thể làm chủ thế giới'
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệGửi góp ý