' %2F%3E%3C%2Fsvg%3E)
Cách Trái Đất 80 tỷ năm ánh sáng, ba "quái vật" vũ trụ đang nuốt chửng những ngôi sao có kích thước gấp mười lần Mặt Trời, khiến không gian mênh mông ngày càng trở nên thưa thớt hơn.
Trong một nghiên cứu mới của Đại học Hawaii (Mỹ), các nhà thiên văn học đã phân tích dữ liệu từ NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), qua đó phát hiện ra ba hố đen siêu khối lượng.
Những "kẻ săn mồi" khổng lồ này đang tiêu thụ những ngôi sao lớn đến mức khiến Mặt Trời của chúng ta trông chỉ như một "món ăn vặt".
Các vụ nổ được ghi nhận, xảy ra khi những hố đen này xé toạc và hút cạn cấu trúc của các ngôi sao, được đánh giá là những vụ nổ lớn nhất kể từ sự kiện Big Bang khai sinh vũ trụ.
Hố đen là những vật thể thiên văn vô hình đối với mắt người, sở hữu lực hấp dẫn mạnh đến mức nuốt chửng mọi thứ, kể cả ánh sáng. Một hố đen siêu khối lượng là loại hố đen lớn nhất, thường nằm ở trung tâm các thiên hà, như hố đen tại trung tâm Dải Ngân Hà, từ từ hút các hành tinh và mọi vật chất khác về phía nó.
Khi một ngôi sao bị mắc kẹt trong lực hút của một hố đen siêu khối lượng, nó có thể tan rã trong một vụ nổ ngoạn mục, được các nhà khoa học gọi là "sự kiện hạt nhân cực độ" (Tidal Disruption Event - TDE).
Những sự kiện này là cơ hội hiếm hoi để chúng ta có thể tập trung tìm hiểu về các hố đen khổng lồ. Trong vòng 10 năm qua, các nhà nghiên cứu chỉ mới mô tả được hai sự kiện tương tự.
Hai trong số ba hố đen siêu khối lượng mới được phát hiện đã được ghi nhận vào năm 2016 và 2018 nhờ các thiết bị của ESA, và lần đầu tiên được ghi chép chi tiết trong nghiên cứu này.
Hố đen thứ ba, được đặt biệt danh là "Barbie" do mã định danh danh mục ZTF20abrbeie, được xác định vào năm 2020 bởi một đài quan sát của Caltech ở California và sau đó được ghi chép lại vào năm 2023.
Sức mạnh của những vụ nổ này chỉ đứng sau vụ nổ Big Bang khởi nguồn vũ trụ. Tuy nhiên, không giống như các vụ nổ sao thông thường, cách tia X, ánh sáng quang học và tia cực tím mờ đi rồi sáng lên rõ ràng cho thấy đây là lúc "một hố đen xé tan một ngôi sao". Các hố đen bừng sáng rực rỡ trong vài tháng khi những sự kiện này xảy ra.
Độ sáng đặc trưng đó đã mang đến cho các nhà khoa học một phương pháp mới để tìm ra nhiều hố đen hơn trong vũ trụ xa xôi. Khi quan sát không gian, chúng ta thực chất đang nhìn ngược về quá khứ, bởi càng nhìn xa, ánh sáng đến với chúng ta càng "cũ" – ví dụ, ánh sáng Mặt Trời mà chúng ta nhìn thấy từ Trái Đất đã là ánh sáng 8 phút tuổi.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ba hố đen này chính là những "mốc chuẩn" quan trọng, giúp định hướng cho việc tìm kiếm các hiện tượng tương tự trong tương lai.
Theo
www.nbcnews.com