Tính đến tuần cuối cùng của tháng 5, nhiều nền kinh tế đã bắt đầu mở cửa trở lại. Qua ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 gây ra lên nền kinh tế, ngay cả ngành công nghiệp hi-tech cũng sẽ phải dần thích ứng với một trạng thái "bình thường mới" với rất nhiều thay đổi.
Không mấy ngạc nhiên, khi các nhu cầu y tế và thực phẩm gia tăng, và khi nguồn thu nhập của phần lớn người dùng bị ảnh hưởng, nhu cầu dành cho các thiết bị điện tử cũng giảm sút. Là loại thiết bị mang vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống số hiện tại, smartphone đã chứng kiến mức suy giảm lên tới 13% trong quý 1 (số liệu Counterpoint). Gần như toàn bộ các hãng smartphone đều chứng kiến doanh số sụt giảm, trong đó Samsung suy giảm tới 13 triệu máy và Huawei giảm 10 triệu máy so với cùng kỳ 2019.
Tuy vậy, không phải bất cứ hãng smartphone nào cũng phải chấp nhận suy thoái sau quý tài chính "thảm họa" vừa qua. Đi ngược chiều suy thoái, Xiaomi và Realme đã chứng kiến lượng smartphone xuất xưởng tăng trưởng hàng triệu máy so với quý 1/2019. Đặc biệt, với mức tăng 4,4 triệu máy, Realme đã đạt tốc độ tăng trưởng lên tới… 150%.
Không khó để nhận ra điểm chung của Xiaomi và Realme: cả 2 đều là những thương hiệu giá rẻ. Thành công bất ngờ của 2 thương hiệu này cho thấy, sau những ảnh hưởng của Covid-19, thị trường smartphone gần như chắc chắn sẽ đảo chiều quay trở lại với những mức giá hấp dẫn hơn. Theo dự đoán của Counterpoint, giá thành trung bình của smartphone trong thời gian tới sẽ giảm từ 10% đến 15%.
Đây là xu thế trái ngược hoàn toàn với những năm trước, khi chỉ số giá bán trung bình liên tục gia tăng, thể hiện sự đầu tư ngày càng lớn của người tiêu dùng toàn cầu vào điện thoại di động. Các hãng smartphone cũng đang có sự thay đổi để thích ứng với trào lưu này, trong đó đặc biệt đáng chú ý là sự ra mắt của chiếc iPhone SE giá 400 USD cũng như một danh mục iPhone 12 có giá dễ chịu hơn vào tháng 9 sắp tới.
Khi các thành phố, quốc gia lớn phải thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu làm việc tại nhà của người dùng vì thế cũng gia tăng. Theo tuyên bố của Microsoft trong báo cáo tài chính quý 1, nhu cầu PC đã gia tăng giúp cho Windows trở thành một "điểm sáng" cho hãng này. Lenovo, hãng PC đứng đầu thế giới sau đó cũng tuyên bố lợi nhuận tăng mạnh nhờ nhu cầu PC tăng cao.
Mặc dù tổng sản lượng PC toàn cầu không tăng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng, quý 1/2020 vẫn có thể coi là một quý thành công của PC, loại thiết bị vốn được coi là đã để mất vai trò trung tâm vào tay smartphone. Panos Panay, giám đốc sản phẩm của Microsoft khẳng định trong quý 1, "Cứ mỗi tháng người dùng sẽ dành 4 nghìn tỷ phút trên Windows 10, tương đương mức tăng 75% so với năm trước".
Có thể nói rằng Covid-19 đã vô tình giúp củng cố vị thế của PC là cỗ máy làm việc chính của con người. Khi xu thế làm việc tại nhà được nhiều công ty lớn tiếp tục đẩy mạnh sau khi mùa dịch qua đi, chắc chắn tâm lý này sẽ còn tiếp diễn, đưa doanh số PC tăng trở lại sau gần 1 thập kỷ suy thoái.
Khi công bố kết quả tài chính cho quý 1, Apple ghi nhận tổng doanh thu tăng nhẹ dù rằng doanh số các mảng phần cứng gần như đều suy giảm. Không phải iPhone, iPad hay Mac, chính mảng dịch vụ (Apple Music, TV+, Arcarde…) đang tăng trưởng mạnh đã cứu cho Apple một bàn thua trông thấy trong quý 1 vừa qua.
Các ông lớn dịch vụ khác cũng chứng kiến những con số vô cùng tích cực trong quý 1 vừa qua. Sau một thời gian không tăng trưởng người dùng, Netflix đã vô tình được Covid-19 "tiếp sức" khi chứng kiến lượng người đăng ký tăng thêm 16 triệu trong 3 tháng đầu năm. Gã khổng lồ lĩnh vực giải trí là Disney hiện tại đã thu hút được 54,5 triệu người dùng cho Disney+, 32 triệu người dùng cho Hulu và gần 8 triệu người dùng cho ESPN+. Tất cả các dịch vụ giải trí online này đều tăng mạnh khi người dùng ở nhà để giảm lây lan dịch bệnh.
Ngay cả Google trong bối cảnh tổng doanh thu quảng cáo giảm (do các doanh nghiệp giảm chi tiêu) cũng vẫn chứng kiến doanh thu YouTube tăng tới 33%. Quả thật, Covid-19 dù tàn phá nền kinh tế nhưng lại là tín hiệu mừng cho các dịch vụ online: khi người dùng ở nhà, họ đã tạo thành một nguồn thu an toàn và vững chắc để bù đắp cho doanh số phần cứng đang suy giảm.
Không phải vô cớ mà sau quý 1, cả 3 ông lớn đứng đầu thị trường đám mây toàn cầu là Amazon, Microsoft và Google đều công bố những con số vô cùng tích cực cho mảng kinh doanh "xương sống" này. Lý do không khó để nhận ra: giãn cách xã hội đã khiến vấn đề chuyển đổi quy trình hoạt động/kinh doanh lên mây trở nên cực kỳ bức thiết. Khi nhân viên không thể hoặc không nên đến công ty làm việc, cách duy nhất để các công ty tri thức có thể tiếp tục hoạt động là số hóa, online hóa chu trình của họ.
Bởi thế, xây dựng quy trình trên đám mây, số hóa tài liệu, đưa các tiện ích văn phòng online… đã trở thành một nhiệm vụ tất yếu. Đó cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng cùng lúc, cũng chẳng ai có thể chắc chắn loài người sẽ không phải đối mặt với những thảm họa tương tự như Covid-19 trong tương lai? Khi nền kinh tế dần phục hồi trở lại, chắc chắn các công ty đều sẽ đặt chuyển đổi online thành mục tiêu hàng đầu nếu không muốn cách ly và giãn cách xã hội khiến cho nhiều hoạt động trở nên đình trệ như thời gian qua.
Khi công bố kết quả tài chính quý 1/2020, Apple đã không quên "khoe" một thành công bất ngờ: Apple Watch tăng trưởng mạnh giúp cho doanh thu phụ kiện lập kỷ lục trong quý vừa qua. Theo CEO Tim Cook, lý do chính giúp cho Apple Watch vượt qua những khó khăn đã đánh gục iPhone hay Mac là vai trò của chiếc đồng hồ này trong khâu chăm sóc sức khỏe từ xa:
"Các bác sĩ và nhân viên y tế đang sử dụng Apple Watch ngày càng nhiều hơn để liên lạc với bệnh nhân và điều trị họ một cách an toàn từ xa. Ví dụ, với hướng dẫn của FDA về vấn đề theo dõi bệnh nhân từ xa không xâm lấn, ứng dụng điện tâm đồ (ECG) của Apple Watch đang được sử dụng để giúp đo điện tâm đồ và theo dõi thông tin sử dụng thuốc từ xa, giúp giảm mức độ tiếp xúc/phơi nhiễm giữa nhân viên y tế và bệnh nhân".
Chắc chắn, Apple sẽ ngày càng đẩy mạnh tính năng theo dõi sức khỏe của các thiết bị mác Táo. Theo các tin rò rỉ, AirPods thế hệ mới sẽ có thêm cảm biến ánh sáng để đo nhịp tim, số bước, chuyển động của đầu và phục vụ cho nhiều tính năng liên quan tới sức khỏe của người dùng. Các hãng đối thủ cũng sẽ nỗ lực hết mình để không bỏ lỡ cơ hội như Covid-19 vừa mở ra. Ngày 25/5 vừa qua, OPPO đã chính thức vén màn smartphone và tai nghe True Wireless, chính thức trở thành tên tuổi cuối cùng trong top 5 thương hiệu di động toàn cầu tham gia vào cuộc chiến wearable - một cuộc chiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sức khỏe của người dùng.
Lấy link