Cha mẹ phải là tấm gương trên môi trường mạng cho trẻ noi theo

Bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trên Internet đang là bài toán đau đầu đối với nhiều bậc cha mẹ, khi trẻ em ngày càng tiếp xúc với Internet dễ dàng hơn nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.


Bên lề cuộc hội thảo trực tuyến “Trao quyền cho người dùng và làm cha mẹ tốt thời đại số” do Học viện An toàn Trực tuyến cho Gia đình, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) vừa tổ chức, TinCongNghe đã có cuộc trò chuyện với ông Stephen Balkam, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FOSI xung quanh những nguy cơ và giải pháp có thể giải tỏa cho các bậc cha mẹ trước những nỗi lo về rủi ro mà con em mình phải đối mặt khi tiếp xúc với Internet.


FOSI là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm giúp thế giới trực tuyến trở nên an toàn hơn cho trẻ em và các gia đình. Tổ chức này tập hợp các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp, chính phủ và những lĩnh vực phi lợi nhuận cùng đổi mới các giải pháp, chính sách trong lĩnh vực an toàn trực tuyến. Thông qua các nghiên cứu, tài nguyên và dự án, FOSI thúc đẩy việc sử dụng mạng Internet một cách có trách nhiệm và khuyến khích mọi người nâng cao ý thức để trở thành công dân số thực thụ.
Cha mẹ phải là tấm gương trên môi trường mạng cho trẻ noi theo
Ông Stephen Balkam - CEO FOSI, chuyên gia hoạt động ở lĩnh vực đảm bảo an toàn trong các hoạt động trực tuyến cho trẻ em

Ông đánh giá như thế nào về môi trường trực tuyến hiện nay? Đâu là lợi ích và cả những rủi ro chúng ta phải đối mặt?


Môi trường trực tuyến đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt trong vòng 6 tháng qua. Các nội dung nhạy cảm trên Internet luôn là mối quan ngại của FOSI kể từ khi thành lập và chúng ta phải cố gắng để giữ cho trẻ em tránh xa những nội dung độc hại và không phù hợp. Tuy nhiên, ngày nay, chính trẻ em cũng góp phần tạo ra nhiều nội dung không mong muốn. Chúng chia sẻ thông tin, bắt nạt nhau trên mạng… Do đó, cần quan tâm tới cả 2 khía cạnh nội dung và hành vi của trẻ em trên Internet.  


Không gian trực tuyến mang đến tác động cả tích cực và tiêu cực. Chúng ta cần nhận diện những rủi ro, giảm thiểu tác hại trong khi tận hưởng những giá trị tích cực mà không gian trực tuyến mang đến. Bạn sẽ không thể nhận món quà mà không chấp nhận chút rủi ro nào cả. Nếu không muốn rủi ro, đơn giản là hãy dừng sử dụng điện thoại, laptop. Nhưng nếu làm như vậy, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều phần thưởng quý giá. 


Khi các tác hại thực sự xảy ra, tất cả cần chung tay vào cuộc. Chúng tôi động viên trẻ vượt qua được cảm xúc tiêu cực khi vô tình xem một nội dung khiến trẻ khó chịu và khuyến khích các em báo cáo các tình huống này. Cần hướng tới việc xây dựng một nền văn hóa trách nhiệm.


Giới trẻ đang tiếp nhận khá thụ động những thông tin diễn ra hàng ngày trên Internet. Làm thế nào để thay đổi điều này, thưa ông?


Đối với chúng tôi, một công dân số (digital citizenship) cần có được sự an toàn, đảm bảo và sự riêng tư cá nhân khi tham gia các hoạt động trực tuyến. Đó chính là nền tảng cốt lõi. Sau đó, chúng ta mới bàn đến tri thức số và thông tin truyền thông.


Trên hết, cần nhấn mạnh hai yếu tố “quyền lợi” và “trách nhiệm”. Bạn có quyền lên mạng, tự do thể hiện quan điểm cá nhân, tự do truy cập và kết nối với nhau nếu muốn. Nhưng đi đôi với mỗi một quyền lợi là trách nhiệm tương ứng. Trách nhiệm với điều bạn nói, việc bạn làm, nội dung bạn chia sẻ. Đáng tiếc nhiều người nắm rõ về quyền lợi, song lại không đảm bảo trách nhiệm của mình.


Tôi thấy nhiều cá nhân đòi quyền tự do ngôn luận, nhưng lại không tự chịu trách nhiệm trước các phát ngôn. Do vậy, phải thúc đẩy tư duy công dân số ở mọi nơi, trường học, thư viện, trên truyền hình, sóng radio. Về cơ bản, chúng ta cần làm một công dân mẫu mực, trong trường hợp này, là ở trên không gian mạng. 


Cha mẹ phải là tấm gương trên môi trường mạng cho trẻ noi theo
Buổi trò chuyện giữa phóng viên ICTNews và CEO FOSI cùng một số chuyên gia

Vậy các nền tảng cung cấp nội dung trực tuyến như Facebook, YouTube…có vai trò trách nhiệm như thế nào trong việc giảm thiểu rủi ro?


Mỗi nền tảng hay ứng dụng đều có trách nhiệm trên không gian mạng. Rõ ràng là họ phải cung cấp các công cụ để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cá nhân và đưa ra quy chế về nội dung, bảo vệ trẻ em và người dùng trẻ tuổi trước các nội dung và hành vi không phù hợp khi tham gia hoạt động trực tuyến.   


Thời kỳ đầu khi Internet ra đời, các công ty (đặc biệt là ở Mỹ) chỉ tập trung xây dựng các nền tảng nơi ai cũng có thể đăng tải video, nói mọi điều mình thích. Họ không chăm lo cho những nền tảng do chính mình tạo ra. Rất nhanh sau đó, mọi việc trở nên không ổn. Một số công ty đã ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp khác lại quyết định tạo lập các chính sách, quy chế, quy định về việc nội dung nào có thể hoặc không thể tồn tại trên nền tảng của họ.  


Lấy ví dụ như Facebook hiện có rất nhiều chuyên viên quản trị nội dung (moderator) trên khắp thế giới liên tục rà soát các nội dung đăng tải trên mạng xã hội này. Twitter, TikTok cũng làm điều tương tự. Tất cả đều cần tới đội ngũ quản trị viên nội dung.


Các công cụ kiểm soát con cái trên nền tảng trực tuyến có thực sự là giải pháp hữu hiệu không thưa ông, bởi trẻ em cũng cần không gian tự do để phát triển?


Khi con trẻ mới 2 - 3 tuổi, chúng chưa ý thức được về các quyền riêng tư hoặc quyền tự do thể hiện. Đây là giai đoạn khởi đầu khi trẻ bắt đầu học hỏi mọi thứ xung quanh và chắc chắn bạn sẽ muốn bảo vệ chúng khỏi những nội dung bạo lực và nhạy cảm. 


Khi trẻ lớn hơn (khoảng 10-12 tuổi) là lúc cần sử dụng các biên pháp quản lý và công cụ đảm bảo an toàn trực tuyến cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Nếu bạn nói với đứa con tuổi teen của mình rằng bố mẹ sẽ quản lý việc sử dụng Internet của con, chúng cực kỳ khó chịu. Nhưng nếu bạn nói rằng những công cụ an toàn này là để bảo vệ sự riêng tư của con thì trẻ sẽ vui vẻ chấp nhận. Sự thực là chúng rất hào hứng sử dụng các biện pháp an toàn đó.  


Một nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, trẻ ở độ tuổi thiếu niên còn thiết lập cài đặt riêng tư nhiều hơn cả cha mẹ. Sự thật đáng buồn là chính chúng ta có xu hướng chia sẻ quá nhiều về con cái mình. Có những đứa trẻ lớn lên và bị shock khi thấy toàn bộ cuộc sống của mình bị cha mẹ “phơi bày” trên mạng. Vậy nên, các bậc cha mẹ phải rất lưu ý và thực sự là tấm gương cho con cái. Ví dụ bạn có thể chia sẻ ảnh con, nhưng chỉ trong nội bộ gia đình, bạn bè thân thiết mà thôi.


Vậy các bậc cha mẹ nên làm gì để có thể kiểm soát được thông tin và hạn chế rủi ro trên Internet?


Chúng tôi từng nêu ra “7 bước để làm cha mẹ tốt trong thời đại số”. Đầu tiên, bạn cần nói chuyện với con cái. Duy trì đối thoại mở về việc con có thể tìm thấy những gì trên mạng, chia sẻ quan điểm về những giá trị mà bạn coi trọng với tư cách người làm cha làm mẹ, nói với con điều gì là chấp nhận được hay không chấp nhận được khi con sử dụng mạng Internet. 


Hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Đừng nổi nóng hay quá phiền muộn nếu con làm điều gì chưa đúng. Việc phản ứng quá mức sẽ khiến con không muốn chia sẻ thêm với bạn trong tương lai. 


Còn có những bước khác nữa, song tôi muốn nhấn mạnh điểm cuối cùng không kém phần quan trọng: đó là cha mẹ cần là tấm gương cho con. Hãy cho con gái bạn thấy rằng bạn hoàn toàn có thể đặt chiếc điện thoại sang một bên, đặc biệt trong bữa cơm tối hay trước giờ đi ngủ. Xác lập một số quy tắc, ví dụ như mọi thành viên trong gia đình cần dừng sử dụng các thiết bị điện tử lúc 9 giờ, hoặc dành buổi tối thứ Hai hàng tuần không có bóng dáng của những chiếc màn hình, thay vào đó, cả gia đình có thể cùng nhau chơi một số trò chơi tương tác vui vẻ. Hãy để con thấy rằng bạn có thể kiểm soát hành vi của chính mình và con sẽ học hỏi theo bạn.


Việt Nam đang xây dựng đề án Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có khuyến nghị gì cho các nhà quản lý và xây dựng chính sách?


Tôi cho rằng các cơ quan quản lý nên chủ động khảo sát trong nước, lấy ý kiến người dùng (cha mẹ, trẻ em) về những trải nghiệm của họ trên không gian số xem đâu là những mối và lợi ích có được khi sử dụng Internet. 


Khi đã có những dữ liệu, cần kêu gọi đối thoại mở giữa các bên liên quan, các ngành công nghiệp, đơn vị thực thi pháp luật, các nhà giáo dục, học giả, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phụ huynh… để bàn bạc vấn đề này sao cho phù hợp nhất với thực tế tại Việt Nam. Sau đó, mới tiến hành xây dựng đề xuất.


Chúng tôi có một tài liệu về “Xây dựng chiến lược quốc gia về an toàn trực tuyến” và đã từng tham vấn cho không chỉ chính quyền các nước, mà tất cả các bên liên quan để cùng ngồi lại với nhau và xây dựng chiến lược quốc gia trong lĩnh vực này.


Xin cảm ơn ông! 


Duy Vũ(Thực hiện)









Cha me phai la tam guong tren moi truong mang cho tre noi theo


Bao ve tre em khoi nhung rui ro tren Internet dang la bai toan dau dau doi voi nhieu bac cha me, khi tre em ngay cang tiep xuc voi Internet de dang hon nhung cung la doi tuong de bi ton thuong nhat.

Cha mẹ phải là tấm gương trên môi trường mạng cho trẻ noi theo

Bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trên Internet đang là bài toán đau đầu đối với nhiều bậc cha mẹ, khi trẻ em ngày càng tiếp xúc với Internet dễ dàng hơn nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Cha mẹ phải là tấm gương trên môi trường mạng cho trẻ noi theo
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: