Phát hiện nơi khởi nguồn đại dịch Cái chết Đen

Một nhóm chuyên gia quốc tế tìm ra thời gian và nơi khởi nguồn dịch Cái chết Đen thông qua số ca tử vong tăng vọt ở nghĩa trang tại Kyrgyzstan vào những năm 1300.


Trong nghiên cứu công bố hôm 15/6 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học vén màn bí ẩn kéo dài 700 năm về nguồn gốc của Cái chết Đen, đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử hoành hành ở châu Âu, châu Á và phía bắc châu Phi vào giữa thế kỷ 14. Ít nhất hàng chục triệu người đã chết khi bệnh dịch hạch bùng nổ trên khắp châu lục, có thể lan truyền qua các tuyến đường thông thương. Bất chấp nhiều nỗ lực khám phá nguồn gốc dịch bệnh, việc thiếu bằng chứng xác thực khiến giới nghiên cứu không thể rút ra kết luận.


"Về cơ bản chúng tôi đã xác định được nguồn gốc dịch bệnh về mặt thời gian và địa điểm", giáo sư Johannes Krause ở Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck tại Leipzig, Đức, cho biết. "Chúng tôi không chỉ tìm ra tổ tiên của Cái chết Đen mà cả tổ tiên của phần lớn chủng dịch hạch đang lưu hành trên thế giới ngày nay".


Nhóm nghiên cứu quốc tế tìm cách lý giải bí ẩn về nguồn gốc Cái chết Đen khi tiến sĩ Philip Slavin, nhà sử học ở Đại học Stirling, phát hiện bằng chứng về số ca tử vong tăng vọt đột ngột vào cuối thập niên 1330 tại 2 nghĩa trang gần hồ Issyk-Kul tại miền bắc Kyrgyzstan ngày nay. Trong số 467 ngôi mộ từ năm 1248 đến 1345, Slavin nhận thấy sự tăng mạnh về số ca tử vong với 118 ngôi mộ vào năm 1338 hoặc 1339. Chữ khắc trên một số bia mộ đề cập tới nguyên nhân qua đời là "mawtānā", dùng để chỉ bệnh dịch hạch trong tiếng Syriac.


Nghiên cứu sâu hơn hé lộ khu vực đã trải qua nhiều lần khai quật vào cuối thập niên 1880 với khoảng 30 bộ xương bị dời đi khỏi mộ. Sau khi nghiên cứu nhật ký khai quật, Slavin và cộng sự lần ra một số bộ hài cốt và đối chiếu với bia mộ ở nghĩa trang.


Nghiên cứu được chuyển tiếp cho các chuyên gia về ADN cổ đại, bao gồm Krause và tiến sĩ Maria Spyrou ở Đại học Tübingen tại Đức. Họ lấy mẫu vật liệu di truyền từ răng của 7 cá nhân chôn cất trong nghĩa trang. Ba mẫu vật trong số đó chứa ADN của Yersinia pestis, vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Phân tích đầy đủ hệ gene của vi khuẩn cho thấy đây là tổ tiên trực tiếp của chủng gây ra đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu sau đó 8 năm, khiến hơn một nửa dân số châu lục tử vong trong thập kỷ tiếp theo.


Họ hàng còn sống gần nhất của chủng này ngày nay tồn tại ở những con chuột trong cùng khu vực, theo nhóm nghiên cứu. Vẫn còn nhiều điều nhóm nghiên cứu chưa rõ như dịch bệnh lan truyền sang người qua loài vật nào, nhưng việc hiểu rõ nguồn gốc của đại dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại có thể giúp chuẩn bị cho những lần bùng phát dịch bệnh trong tương lai.


An Khang (Theo Guardian)









Phat hien noi khoi nguon dai dich Cai chet Den


Mot nhom chuyen gia quoc te tim ra thoi gian va noi khoi nguon dich Cai chet Den thong qua so ca tu vong tang vot o nghia trang tai Kyrgyzstan vao nhung nam 1300.

Phát hiện nơi khởi nguồn đại dịch Cái chết Đen

Một nhóm chuyên gia quốc tế tìm ra thời gian và nơi khởi nguồn dịch Cái chết Đen thông qua số ca tử vong tăng vọt ở nghĩa trang tại Kyrgyzstan vào những năm 1300.
Phát hiện nơi khởi nguồn đại dịch Cái chết Đen
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: