Trung Quốc lên kế hoạch phóng nhiệm vụ khám phá không gian sâu thứ hai trong năm 2025, theo giám đốc thiết kế nhiệm vụ Thiên Vấn 1 tới sao Hỏa của Trung Quốc, Zhang Rongqiao. Tàu thăm dò tiểu hành tinh Thiên Vấn 2 đã tiến vào giai đoạn phát triển kỹ thuật. "Các bộ phận đang trải qua thử nghiệm toàn diện. Chúng tôi đang tiến triển như lịch trình và dự kiến phóng vào năm 2025", Zhang nói.
Thiên Vấn 1 là bước tiến lớn đối với Trung Quốc. Đây là nhiệm vụ du hành liên hành tinh đầu tiên mà Trung Quốc tự chế tạo phương tiện. Nhưng nhiệm vụ mới rất phức tạp và nhiều thách thức. Nhiệm vụ Thiên Vấn 2 kéo dài hơn 10 năm sẽ nhắm vào tiểu hành tinh nhỏ gần Trái Đất Kamo'oalewa, có thể là mảnh vỡ của Mặt Trăng. Tàu vũ trụ sẽ thu thập mẫu vật từ tiểu hành tinh bằng kỹ thuật "chạm và bay" tương tự tàu thăm dò Hayabusa 2 của Nhật Bản và OSIRIS-Rex của NASA.
Thiên Vấn 2 cũng sẽ thử một phương pháp chưa từng có gọi là "neo và gắn", sử dụng 4 cánh tay robot để hạ cánh trên Kamo'oalewa. Mũi khoan trên các cánh tay sẽ giúp tàu thăm dò bám chặt vào bề mặt của tiểu hành tinh 40 m. Theo dự kiến, tàu Thiên Vấn 2 sẽ quay trở lại Trái Đất sau khi phóng hơn 2 năm, thả kiện hàng vô giá. Nhưng đó chưa phải là mốc cuối cùng của nhiệm vụ. Sau khi thả rơi kiện hàng, tàu Thiên Vấn 2 sẽ sử dụng từ trường của Trái Đất để bay tới một tàn tích khác của hệ Mặt Trời, đó là một "tiểu hành tinh còn hoạt động", vật thể có cả đặc điểm của tiểu hành tinh và sao chổi.
Tàu vũ trụ sẽ thực hiện hành trình khoảng 7 năm tới 311P/PANSTARRS. Tại đó, nó sẽ quay quanh quỹ đạo và phân tích vật thể bằng hàng loạt camera và quang phổ kế. Viện nghiên cứu vũ trụ thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga sẽ tham gia giai đoạn này của nhiệm vụ thông qua cung cấp máy dò hạt và gió mặt trời.
Tiếp theo, nhiệm vụ Thiên Vấn 3 với lịch phóng vào năm 2028 sẽ tìm cách thu thập mẫu vật từ sao Hỏa và mang về Trái Đất trong khi nhiệm vụ Thiên Vấn 4 sẽ gửi tàu thăm dò tới sao Mộc.
An Khang (Theo Space)
- Kế hoạch chuyển hướng tiểu hành tinh đe dọa Trái Đất