Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không

Thống kê cho thấy khoảng một phần ba số người mua vòng đeo sức khỏe sẽ ngừng sử dụng chúng trong 6 tháng. Hơn một nửa cuối cùng sẽ bỏ xó chúng vĩnh viễn.


Ngày đầu tiên sau khi mua một chiếc đồng hồ theo dõi sức khỏe, tôi đã chạy 5km. Giống như một đứa trẻ được mua cho đồ chơi mới, chiếc đồng hồ làm tôi thấy háo hức. Nó phản hồi liên tục, đếm số bước chạy, quãng đường, tốc độ và lượng calo mà tôi đang đốt cháy.


Thi thoảng, nó lại rung lên chúc mừng tôi đã hoàn thành một quãng đường, hoặc khi tích lũy thêm cho mình 1.000 bước chân. Đến cuối buổi, những con số nhảy ra thành một bảng thống kê dài mà tôi phải vuốt liên tục để xem hết: 5.977 bước chân, tốc độ trung bình 7,1 km/h, nhịp tim trung bình 165, độ cao quãng đường, độ dài sải chân và 514 kcal mà tôi đã giảm được…


Cuối cùng có một chiếc icon nhấp nháy hình chiếc cúp xuất hiện. Chiếc đồng hồ chúc mừng tôi đã hoàn thành mục tiêu vận động trong ngày, 10.000 bước chân và nói rằng đó là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của tôi đang được cải thiện.


Tôi nhớ mình đã mỉm cười với một gói dopamine chảy ra như kem ở trong đầu: "Chiếc đồng hồ thực sự là khoản đầu tư đáng giá".


Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không - Ảnh 1.

Lần đầu tiên chiếc đồng hồ chúc mừng tôi hoàn thành mục tiêu vận động trong ngày, tôi nhớ mình đã mỉm cười với một gói dopamine chảy ra như kem trong đầu.


Nhưng đó đã là một nụ cười của tôi cách đây hơn một năm. Tôi không còn nhớ lần cuối cùng mình đeo chiếc đồng hồ sức khỏe ấy là khi nào nữa. Tôi chỉ nhớ cách mà mình đã bỏ nó vào xó.


Ban đầu, chiếc vòng thực sự khiến tôi thấy hứng thú với việc chạy bộ. Nó nhắc nhở tôi vận động mỗi ngày. Chiếc đồng hồ báo chỉ số, nó chúc mừng tôi với hình ảnh của những chiếc cúp, mỗi khi tôi phá một kỷ lục cá nhân.


Nhưng có một khoảng thời gian vì quá bận rộn, tôi không còn duy trì được thói quen chạy bộ nữa. Chiếc đồng hồ liên tục rung lên nhắc tôi, nó đưa ra những con số thống kê yếu ớt. Nó nhắc nhở sức khỏe của tôi đang đi xuống.


Những lời nhắc đó phần nào có tác dụng, một lần nữa, tôi lại đeo đồng hồ và chạy trở lại. Nhưng sự khác biệt lần này là ở chỗ, tôi không còn nhận thấy sự háo hức trong việc tập luyện nữa.


Thay vào đó, tôi thấy mình chỉ đang cố gắng thỏa mãn chiếc đồng hồ, cố gắng vực lại những con số và biểu đồ cũ. Bây giờ, thay vì tận hưởng một buổi chạy bộ thảnh thơi chiều chủ nhật, thỏa sức ngắm nhìn bầu trời và cảnh vật chiều hè, tôi lại chỉ chăm chú vào chiếc màn hình nhỏ trên cổ tay.


Những con số bây giờ khiến tôi thực sự lo lắng: Liệu mình có đang duy trì đủ tốc độ? Liệu mình có thể chạy nốt km này hay không?


Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không - Ảnh 2.

Bây giờ, thay vì tận hưởng một buổi chạy bộ thảnh thơi chiều chủ nhật, thỏa sức ngắm nhìn bầu trời và cảnh vật chiều hè, tôi lại chỉ chăm chú vào chiếc màn hình nhỏ trên cổ tay.


Và khi những kỷ lục cá nhân không còn được phá vỡ, hình ảnh những chiếc cúp mới cũng không còn xuất hiện trên màn hình nữa. Chiếc vòi dopamine mà chiếc đồng hồ từng mở ra bây giờ đã bị chính nó khóa lại.


Những con số và biểu đồ nói thành tích của tôi đang giảm sút. Mỗi ngày khi mốc mục tiêu 10.000 bước không được hoàn thành, chiếc đồng hồ ngầm ý nói sức khỏe của tôi đang đi xuống. Bây giờ, nó thực sự trở thành một lời nguyền khiến tôi lo lắng, chán nản và tự trách bản thân mình lười biếng.


Thêm một giọt nước tràn ly nữa để tôi quyết định vứt chiếc đồng hồ vào xó: Nó không tính toán hoạt động bơi lội của tôi vào mục tiêu sức khỏe. Tất cả những ngày tôi đi bơi, dù gắng sức đến đâu, chiếc vòng tay vẫn trơ ra và nói rằng tôi cần đi thêm vài ngàn bước chân nữa.


Khả năng đo đạc của nó cho hoạt động bơi lội cũng có vấn đề. Nó không tính đúng quãng đường mà tôi đã di chuyển.


Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không - Ảnh 3.

Bây giờ, chiếc đồng hồ thực sự trở thành một lời nguyền khiến tôi lo lắng, chán nản và tự trách bản thân mình lười biếng.


Vòng theo dõi sức khỏe tạo ra cảm giác chăm tập luyện, nhưng thực tế thì không

Theo một nghiên cứu thị trường đăng trên , doanh số bán các thiết bị theo dõi vận động như Fitbit, Garmin, Apple Watch và các loại vòng tay sức khỏe, đồng hồ thông minh khác đã tăng từ 14 tỷ USD vào năm 2017 lên 36 tỷ USD vào năm 2020.


Mức tăng trưởng 157% chỉ trong vòng 3 năm cho thấy ngày càng có nhiều người muốn theo dõi số bước đi của họ mỗi ngày, nhắc họ đứng lên mỗi tiếng đồng hồ, đo nhịp tim và lượng calo họ đã đốt cháy trong mỗi bài tập luyện.


Các nhà sản xuất thiết bị đeo chắc chắn thích điều đó. Họ muốn người tiêu dùng tin rằng "Chỉ cần bạn mua thiết bị đeo của chúng tôi, nó sẽ thúc đẩy bạn vận động nhiều hơn và trở nên khỏe mạnh hơn".


Nếu vậy, trong một thế giới bùng nổ các thiết bị đeo theo dõi tập luyện, chúng ta chắc chắn cũng sẽ chăm chỉ tập luyện hơn. Nhưng sự thật có đúng như vậy không?


fitness-tracker-market3.jpg

Thị trường các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe đang bùng nổ.


Theo của Đại học Tennessee và Đại học Bắc Florida, thế giới thực sự đang lười vận động hơn. Trong đó, các nhà khoa học đã theo dõi sự thay đổi hoạt động thể chất của người dân tại 8 quốc gia đại diện bao gồm Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hy Lạp, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển và Hoa Kỳ.


Họ phát hiện ra rằng trong vòng 25 năm qua, từ năm 1995 đến năm 2017, mức độ hoạt động thể chất nhìn chung đã suy giảm một cách nhất quán, trong khi doanh số bán thiết bị theo dõi sức khỏe không ngừng tăng lên kể từ năm 2007.


So với một người điển hình ở năm 1995, một người sống ở năm 2017 đã đi bộ ít hơn 1.100 bước mỗi ngày. Mức suy giảm hoạt động thể chất mỗi ngày ở trẻ em là 823 bước, ở người trưởng thành là 608 bước và ở thanh thiếu niên là 1.497 bước.


Mức độ suy giảm mạnh nhất – tương ứng với 30% hoạt động thể chất - diễn ra trong nhóm thanh thiếu niên từ 11 đến 19 tuổi. Đó là khoảng cách tương tứng với một thế hệ.



Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không - Ảnh 5.

So với một người điển hình ở năm 1995, một người sống ở năm 2017 đã đi bộ ít hơn 1.100 bước mỗi ngày.



Nhóm tác giả của nghiên cứu - là những giáo sư động học (lĩnh vực nhiên cứu chuyển động của cơ thể con người) - đã đưa ra một lời giải thích cho sự sụt giảm của những con số này. Họ đổ lỗi cho sự bùng nổ của chính các thiết bị có màn hình, mà các vòng đeo tay sức khỏe chỉ là một trong số đó.


Điện thoại, TV, máy tính bảng, laptop và máy tính cá nhân đang khiến con người ngồi nhìn vào màn hình nhiều hơn là vận động. Ví dụ trong độ tuổi thanh thiếu niên, ngày càng có nhiều những đứa trẻ sở hữu điện thoại thông minh, thích trò chơi điện tử và mạng xã hội.


Ở Mỹ, thời gian sử dụng thiết bị có màn hình ở thanh thiếu niên đã tăng từ 5 giờ mỗi ngày vào năm 1999 lên 8,8 giờ mỗi ngày vào năm 2017. Ở trường học, hầu hết thanh thiếu niên chỉ còn vận động trong các tiết học thể dục.


Ngoài ra, bạn sẽ thấy những đứa trẻ ngồi vuốt điện thoại hơn là chơi trò đuổi bắt. Chúng cũng không còn đi bộ hoặc đạp xe đến trường. Vào cuối thập niên 1960, hầu hết trẻ em ở Mỹ từ 5-14 tuổi sẽ đến trường bằng xe đạp hoặc trên chính đôi chân mình.


Mọi chuyện đã đảo ngược 180 độ ở thời điểm này, khi hầu hết học sinh được đưa tới trường bằng ô tô.


kids-and-screens-final-adjusted_wide-aefd543a9ce04a6d1b1510f4b0631ec2afc5c17e.jpg

Điện thoại, TV, máy tính bảng, laptop và máy tính cá nhân đang khiến con người ngồi nhìn vào màn hình nhiều hơn là vận động.


Đeo vòng tay sức khỏe là không đủ thể thay đổi hành vi tập luyện của chúng ta

Trở lại với vai trò của các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe, chúng có thực sự giúp từng cá nhân chăm chỉ tập luyện hơn không? Với bản thân tôi, hiệu ứng đó chỉ xuất hiện trong ngắn hạn, vào những ngày đầu sau khi tôi mua chiếc đồng hồ theo dõi sức khỏe.


Sau đó, chiếc đồng hồ trở thành một sự phiền toái, nó liên tục nhắc tôi phải hoàn thành 10.000 bước chân mỗi ngày, trong khi tôi biết con số này không hề có cơ sở khoa học. Tôi bắt đầu tắt chức năng thông báo của đồng hồ, và biến nó thành một thiết bị xem giờ, không hơn không kém.


Tôi biết mình không phải là người duy nhất làm điều đó, bởi theo một nghiên cứu đăng trên , khoảng một phần ba số người mua thiết bị theo dõi vận động sẽ ngừng sử dụng chúng trong vòng 6 tháng. Hơn một nửa cuối cùng sẽ từ bỏ chúng vĩnh viễn.


Các tác giả đã thực hiện nhiều khảo sát và phỏng vấn sâu để chỉ ra tại sao các thiết bị theo dõi sức khỏe như vòng tay hoặc đồng hồ thông minh thất bại. Nghiên cứu này cũng giải thích một phần tại sao doanh số các thiết bị đeo này đang tăng lên, nhưng nhìn chung trên mặt bằng xã hội, chúng ta lại lười vận động đi.



Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không - Ảnh 7.

Những người mua các loại vòng theo dõi vận động thường rơi vào nhóm người ít tận dụng được chức năng của chúng nhất.



Thứ nhất, những người mua các loại vòng theo dõi vận động thường rơi vào nhóm người ít tận dụng được chức năng của chúng nhất. Đa số nhóm khách hàng là những người trẻ, những người ít vận động và nghĩ rằng mua sản phẩm này về đeo vào thì họ sẽ trở nên năng động hơn.


Ngược lại, nhóm người lớn tuổi hơn, những người đã xây dựng cho mình được thói quen luyện tập trong hàng chục năm lại ít khi mua chúng.


Thứ hai, công nghệ vòng đeo theo dõi sức khỏe ở thời điểm này chưa đủ hoàn thiện. Chúng có thể cho ra các con số thống kê không chính xác, tạo ra cảm giác khó chịu khi sử dụng, nhất là các loại vòng giá rẻ.


Hãy tưởng tượng chiếc vòng đo sai GPS và làm hụt đi quãng đường chạy của bạn, hay chiếc vòng của tôi không tính toán đúng số vòng mà tôi đã bơi trong bể bơi.


Thứ ba, những chiếc vòng theo dõi sức khỏe này không được thiết kế tốt để tạo ra các vòng phản hồi tích cực. Vòng phản hồi tích cực là những kết quả mà khi bạn nhìn lại, bạn sẽ có động lực để duy trì chúng.


Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không - Ảnh 8.

Những chiếc vòng theo dõi sức khỏe này không được thiết kế tốt để tạo ra vòng phản hồi tích cực.


Ví dụ, khi chiếc đồng hồ chúc mừng bạn phá kỷ lục cá nhân, nó tạo ra một vòng phản hồi tích cực khiến lần tập luyện sau bạn cố gắng tiếp tục phá kỷ lục cá nhân đó. Khi bạn quay trở lại luyện tập sau một thời gian nghỉ dài, ứng dụng Strava sẽ chào mừng bạn quay lại tập luyện. Chiếc đồng hồ của tôi không hề có vòng phản hồi đó.


Thật đáng tiếc, bởi chính những vòng phản hồi được thiết kế tốt là thứ sẽ quyết định đến việc xây dựng và duy trì được thói quen của bạn, từ luyện tập cho đến chế độ ăn uống. Nó giống như một người ăn kiêng soi gương hoặc cân mỗi tuần và thấy mình đang gầy đi. Đây có lẽ là những gì mà đồng hồ theo dõi sức khỏe chưa thực hiện được.


Nghiên cứu trên tạp chí JAMA Network kết luận: "Những thiết bị đeo [theo dõi vận động và sức khỏe này] chỉ đóng vai trò như một thiết bị hỗ trợ, chứ chưa thể thay đổi hành vi sức khỏe".


Điều đó có nghĩa là chúng không giúp chúng ta chăm chỉ tập luyện hơn, mà chỉ giúp chúng ta biết được các chỉ số. Hơn nữa, phần mềm của các thiết bị này cũng chưa tạo được ra các vòng phản hồi tích cực hợp lý, dẫn đến sự thất bại trong việc xây dựng thói quen tập luyện cho người đeo.



Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không - Ảnh 9.

Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không.



Các nhà khoa học cho biết những người sử dụng thành công các thiết bị này, nghĩa là xây dựng được thói quen sức khỏe tốt sau khi mua chúng, phần nhiều là vì các lý do khác.


Có thể họ vốn đã là những người có thói quen tập luyện tốt từ trước, hoặc họ có cho mình một động lực tập luyện khác lớn hơn. Còn bản thân công nghệ theo dõi và tính năng của các thiết bị đeo này chưa thể tạo ra sự thay đổi hành vi cho người tiêu dùng.


Do đó, đây là một lời giải thích hợp lý cho nguyên nhân tại sao doanh số của các thiết bị đeo ngày càng bùng nổ, còn chúng ta thì không thấy bản thân mình chăm chỉ hơn là bao sau khi đã mua và đeo chúng.


Tổng hợp


Lấy link







Chung ta nghi mua vong theo doi suc khoe ve thi minh se cham tap luyen hon, nhung thuc te thi khong


Thong ke cho thay khoang mot phan ba so nguoi mua vong deo suc khoe se ngung su dung chung trong 6 thang. Hon mot nua cuoi cung se bo xo chung vinh vien.

Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không

Thống kê cho thấy khoảng một phần ba số người mua vòng đeo sức khỏe sẽ ngừng sử dụng chúng trong 6 tháng. Hơn một nửa cuối cùng sẽ bỏ xó chúng vĩnh viễn.
Chúng ta nghĩ mua vòng theo dõi sức khỏe về thì mình sẽ chăm tập luyện hơn, nhưng thực tế thì không
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: