Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo trong năm 2022, chúng ta có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu ống tiêm trên toàn cầu. Mức thâm hụt có thể lên tới hàng tỷ ống, đồng nghĩa hàng tỷ người sẽ không nhận được vắc-xin hoặc thuốc đúng thời hạn.
Điều này sẽ cản trở nỗ lực bao phủ vắc-xin COVID-19 và cả các loại vắc-xin khác, mà đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là trẻ em ở những quốc gia đang phát triển.
WHO kêu gọi các công ty sản xuất ống tiêm nên có kế hoạch tăng năng suất của họ để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thuốc và vắc-xin của người dân. Các quốc gia nên sớm có kế hoạch đảm bảo nguồn cung ống tiêm cho mình, nhưng tránh tình trạng tích trữ và hoảng loạn.
Chẳng hạn như Ấn Độ hiện vẫn đang áp dụng một lệnh hạn chế xuất khẩu ống tiêm cho đến hết tháng 12 năm nay. Theo ước tính, chỉ riêng các nhà sản xuất nước này đã cung ứng gần 1,5 tỷ ống tiêm cho thế giới trong giai đoạn 2020-2021.

WHO cảnh báo thế giới sẽ thiếu ống tiêm vào năm 2022
Trên thực tế, viễn cảnh thiếu hụt ống tiêm đã được nhiều chuyên gia y tế dự báo từ khi chiến dịch tiêm chủng COVID-19 bắt đầu. Nguyên nhân khá rõ ràng, chúng ta đang ở trong một cuộc tiêm chủng quy mô lớn nhất lịch sử.
Chỉ chưa đầy 1 năm, hơn 7,25 tỷ liều vắc-xin COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới. Con số này là gần gấp đôi số mũi tiêm chủng định kỳ được phân phối mỗi năm.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính từ nay cho tới giữa năm 2022, chiến dịch tiêm chủng COVID-19 sẽ cần thêm 14 tỷ ống tiêm nữa. Con số sẽ tăng lên 19 tỷ ống nếu một số nước phát triển thực hiện tiêm mũi vắc-xin thứ ba nhắc lại, hoặc tiêm thêm vắc-xin dành riêng cho biến chủng Delta vào cuối năm 2022.
Bất chấp năng lực sản xuất, thế giới vẫn sẽ thiếu hụt 1-2 tỷ ống tiêm trong năm 2022
Ngành công nghiệp thiết bị y tế cho biết họ có thể sản xuất từ 40 tỷ đến 50 tỷ ống tiêm mỗi năm, nhưng hầu hết các ống tiêm này là để phục vụ nhu cầu khác như tiêm insulin và thuốc điều trị ung thư.
Chỉ có khoảng 5-10% sản lượng ống tiêm là các ống phiên bản nhỏ thiết kế riêng cho vắc-xin. Vì vậy, các nhà sản xuất ống tiêm đã phải tăng năng suất của mình lên ít nhất 50% với hi vọng đáp ứng được nhu cầu tiêm vắc-xin trên toàn cầu.
Theo Hindustan Syringes and Medical Devices Ltd (HMD), nhà sản xuất ống tiêm lớn nhất của Ấn Độ, họ đã tăng sản lượng của mình từ 500 triệu ống vào năm ngoái lên 1,2 tỷ ống ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vì Ấn Độ đang có lệnh hạn chế xuất khẩu nên số lượng ống tiêm mà HMD có thể cung cấp ra toàn cầu đang ở dưới năng lực của họ.

Ống tiêm liều 0,3 ml dành cho vắc-xin Pfizer-BioNTech.
Trong trường hợp Ấn Độ nới lỏng hạn chế này, dự kiến trong năm 2022, sản lượng cung ứng ống tiêm trên toàn thế giới sẽ đạt tới ngưỡng 9 tỷ ống, đây là số lượng ống tiêm dành riêng cho vắc-xin. Tuy nhiên, với ước tính của WHO, mức tăng này dường như là chưa đủ, thậm chí còn cách khá xa nhu cầu của thị trường.
Đó là bởi một số loại vắc-xin như của Pfizer đang đòi hỏi cỡ ống tiêm 3 ml, nhỏ hơn loại dự trữ thông thường. Nhiều loại vắc-xin đang được đóng gói trong các lọ lớn yêu cầu phải được pha với chất bổ trợ hoặc chất lỏng trước khi tiêm. Mỗi lần pha như vậy, nhân viên y tế lại phải lấy một ống tiêm mới, hút chất lỏng rồi bơm vào lọ vắc-xin đó. Ống tiêm này sau đó không thể được tái sử dụng.
"Chúng tôi đang thực sự lo ngại rằng thế giới có thể bị thiếu ống tiêm", Lisa Hedman, cố vấn cấp cao của WHO về khả năng tiếp cận thuốc và các sản phẩm y tế cho biết. "Tùy thuộc vào cách hấp thụ vắc-xin, mức thâm hụt có thể nằm trong khoảng từ 1 tỷ đến 2 tỷ ống".
Hậu quả sẽ kéo dài trong nhiều năm
Hedman cho biết tình trạng thiếu hụt ống tiêm sẽ làm chậm nỗ lực tiêm chủng, không chỉ đối với COVID-19 mà còn cả các bệnh thông thường cần chủng ngừa hàng năm.
Điều này có thể ảnh hưởng nhiều nhất tới các nước nghèo như ở khu vực Châu Phi. Trẻ em sẽ là đối tượng bị thiệt hại nhất nếu bỏ lỡ các mũi tiêm chủng thời thơ ấu. Và nó sẽ để lại một hậu quả sức khỏe cộng đồng kéo dài "trong nhiều năm", Hedman nói.
Tình trạng thiếu hụt ống tiêm cũng có thể dẫn đến việc thực hành y tế không an toàn như sử dụng lại bơm kim tiêm.


Dây chuyền sản xuất ống tiêm bên trong nhà máy Hindustan Syringes and Medical Devices tại Ấn Độ.
Theo Hedman, các giải pháp đang được ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế nỗ lực thực hiện. Họ vẫn đang tái cơ cấu dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng ống tiêm dành cho nhu cầu vắc-xin.
Tuy nhiên, công việc này thực sự không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Các nhà máy mới thì cần ít nhất 12 tháng bên cạnh các thủ tục để xây dựng xong. Nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhưng có lẽ, thực tế là chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt ống tiêm, ít nhất là trong một năm tới.
Tham khảo
Lấy link