Mặc dù Công ước quốc tế về mua bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã liệt tê tê và voi vào nhóm động vật nguy cấp cần được bảo vệ từ năm 2016, vấn nạn vận chuyển và tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ voi và tê tê vẫn trong tình trạng báo động.
Việt Nam được xếp vào hàng 16 nước có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Nhưng tình trạng săn bắn, khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã ngày càng gia tăng khiến các loài động - thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài được xếp vào nhóm tài nguyên đa dạng sinh học quốc gia quý giá của Việt Nam đang ngày càng bị cạn kiệt, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hiện nay vẫn còn một số bộ phận người dân, trong đó có các doanh nhân, quan chức đang mua bán, sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã; đặc biệt là tê tê, ngà voi với quan niệm các sản phẩm này có thể giúp họ phô trương tiền tài, địa vị; thậm chí cho rằng chúng có lợi ích về mặt tâm linh và y học, những điều chưa từng được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, phần lớn các đối tượng này chưa nhận thức đầy đủ hậu quả về mặt sức khoẻ, kinh tế, môi trường, kể cả hình phạt pháp lý.
Trong những năm gần đây, nhiều vụ bắt giữ và xử lý cả hình sự lẫn hành chính, đặc biệt đối với các sản phẩm như sừng tê giác, ngà voi và tê tê được ghi nhận nhờ vào các hoạt động đấu tranh và thực thi pháp luật hiệu quả. Đơn cử là vụ khởi tố hình sự do vận chuyển sừng tê giác về Việt Nam qua sân bay Cần Thơ năm 2020. Hay mới đây là vụ khởi tố chủ nhà hàng tàng trữ nhiều cá thể tê tê.
Từ năm 2006 đến 2019, có khoảng 9.500 con tê giác, từ 25.000 – 35.000 con voi và khoảng hơn 100.000 con tê tê bị giết.
Bên cạnh sự nỗ lực trong công tác kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã của chính phủ, công tác truyền thông hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng trước vấn nạn này. Các thông điệp cần được lan toả một cách mạnh mẽ, bằng nhiều cách khác nhau, hướng đến các đối tượng khác nhau.
Bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho rằng, khai thác và sử dụng không bền vững tài nguyên động vật hoang dã được cho là một trong những mối đe dọa chính đối với công tác bảo tồn đa dang sinh học tại Việt Nam khi nguồn tài nguyên này đang ngày càng cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nếu không cương quyết hành động ngay lúc này, sự biến mất vĩnh viễn của quần thể hoang dã sẽ chỉ còn là vấn để sớm muộn. Chỉ cần thêm một niềm tin sai lệch bớt đi là thêm một cơ hội để cứu quần thể hoang dã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng vĩnh viễn.
Hiện nay, chiến dịch "Hồi sinh" thuộc khuôn khổ chiến dịch "Ngưng tạo nghiệp", do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp cùng Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam triển khai đã chính thức bước vào giai đoạn thứ hai.
Giai đoạn một với thông điệp "Mua một ngà voi, nhận một quả báo – Mua thịt tê tê, nhận một quả báo" được lan toả từ tháng 11/2020, nhằm nhấn mạnh việc loại bỏ các quan niệm sai lầm khi sử dụng ngà voi và thịt, vảy tê tê, khẳng định hành vi này không thể hiện được vẻ đẹp trong lối sống của người dùng.
Chiến dịch "Hồi sinh" mở rộng hơn về mặt ý nghĩa với thông điệp:"Tích thiện là khi chung tay hồi sinh sự sống cho voi, tê tê". Chiến dịch kêu gọi cộng đồng chung tay "hồi sinh" voi, tê tê, không còn dừng lại ở việc nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật và các sản phẩm từ động vật hoang dã, giai đoạn hai hướng đến khuyến khích các cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp hành động một cách thực tế và có trách nhiệm để chấm dứt triệt để vấn nạn này, giúp phục hồi sự sống cho các loài voi và tê tê còn sót lại.
Với mong muốn mang đến góc nhìn mới mẻ, chiến dịch xây dựng một hành trình phục hồi sự sống cho voi và tê tê; ở đó, hành động từ phía cộng đồng góp phần bảo vệ sự sống của quần thể hoang dã trong chính nhận thức của mình.
Cộng đồng được khuyến khích tham gia chụp ảnh cùng voi và tê tê với ứng dụng "thực tế ảo tăng cường" AR. Mỗi ảnh chụp được gửi ra sẽ góp phần giúp ghép lại màu sắc cho voi và tê tê. Đồng nghĩa chúng được cộng đồng chung tay bảo vệ khỏi sự diệt vong và dần dần được "hồi sinh" trở lại.
Đại diện CITES Việt Nam cho biết, dù không thể hồi sinh những sinh mệnh đã mất nhưng từ việc thay đổi nhận thức, chúng ta có thể cứu sống nhiều sinh mệnh khác trong tương lai. Vì vậy, "hồi sinh" ở đây nhấn mạnh ý nghĩa voi và tê tê có quyền được sinh sống trong môi trường thiên nhiên lành mạnh và cần được bảo vệ.
Chiến dịch cũng vận động các doanh nghiệp, doanh nhân nhiều lĩnh vực đồng hành bằng cách cương quyết nói "không" với thói quen tiêu thụ động vật hoang dã, hướng tới lối tiêu dùng văn minh, chia sẻ thông điệp tại chính cơ quan, nơi làm việc. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử được khuyến khích xóa bỏ mọi giao dịch, quảng cáo bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên nền tảng thương mại điện tử.
Nằm trong khuôn khổ dự án "Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã" do USAID tài trợ, chiến dịch hướng đến hỗ trợ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.
Lấy link