Vào khoảng cuối kỷ băng hà cuối cùng, một nhóm người được trang bị những ngọn giáo nhọn bằng đá rình rập con mồi của họ trong cái lạnh buốt giá của vùng đông bắc Siberia. Những người này đang theo dấu của những đàn bò rừng và voi ma mút lông dài trên những đồng cỏ rộng lớn. Bên cạnh họ là những sinh vật có vẻ ngoài giống sói, nhưng có tính cách thân thiện hơn và đặc biệt là sẵn sàng vâng lời, giúp đỡ những người này săn mồi và lôi những chiến lợi phẩm về trại.
Có lẽ đó là những con chó đầu tiên trên thế giới, và con cháu của chúng sau đó đã đi theo dòng di cư của con người, tỏa về phía đông và tây rồi cư trú ở lục địa Âu - Á, cũng như trở thành những người bạn đồng hành với tổ tiên của người Châu Mỹ khi họ di cư.
Đó là kịch bản được đưa ra trong một nghiên cứu mới đây thông qua việc kết hợp dữ liệu DNA của loài chó và con người cổ đại. Kết quả nghiên cứu này được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Nghiên cứu này có một ý nghĩa vô cùng to lớn bởi nó có thể chấm dứt cuộc tranh luận trong suốt nhiều năm qua về việc chó được thuần hóa ở đâu và khi nào. Nó thậm chí có thể giải thích cách những con sói cổ đại vô cùng cảnh giác đã được biến đổi thành người bạn đồng hành trung thành của chúng ta như thế nào.
Jennifer Raff, một nhà di truyền nhân chủng học tại Đại học Kansas, Lawrence, và một chuyên gia về người cổ đại ở Châu Mỹ, cho biết: “Tôi thích nghiên cứu này”. Cô ấy nói, sẽ cần thêm nhiều bộ gen từ những con chó cổ đại và con người để xác nhận những phỏng đoán của nghiên cứu, và cũng thật ngạc nhiên khi thấy câu chuyện về loài chó và câu chuyện về con người lại thú vị như vậy.
Ý tưởng của cuộc nghiên cứu này được bắt đầu từ một vài cốc bia trong văn phòng của nhà sinh học tiến hóa Greger Larson tại Đại học Oxford, khi anh đang nói chuyện với Angela Perri, một nhà khảo cổ học tại Đại học Durham, về nguồn gốc của những con chó cổ đại ở Bắc Mỹ, nơi bằng chứng di truyền và khảo cổ cho thấy chúng đã sống ít nhất 10.000 năm.
Nhà khảo cổ học David Meltzer, đến từ Đại học Southern Methodist, đã đề xuất so sánh DNA cổ đại của chó và người. “Anh ta bắt đầu nói về cách thức và thời điểm con người chia thành các nhóm khác nhau sau khi rời khỏi Siberia và đến Bắc Mỹ” Perri nhớ lại. Nếu DNA của chó cho thấy các mẫu biến đổi tương tự như sự thay đổi để thích nghi với những vùng đất con người đi qua, điều đó có thể tiết lộ thời điểm câu chuyện của loài chó xuất hiện và được thuần hóa bởi con người. “Chúng tôi đã tìm một tấm bảng trắng khổng lồ và bắt đầu viết nguệch ngoạc những mũi tên theo mọi hướng khác nhau. Đó là một mớ hỗn độn, nhưng nó khá thú vị và đã nói lên câu chuyện về lịch sử thuần hóa loài chó”.
Từ những ý tưởng đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ gen ty thể đã được sắp xếp theo trình tự thời gian của hơn 200 mẫu vật của loài chó được phát hiện từ khắp nơi trên thế giới, một số có niên đại 10.000 năm. Thông qua việc phân tích, những DNA ty thể này (là các chuỗi ngắn có nhiều trong hóa thạch hơn DNA hạt nhân) đều cho thấy tất cả những con chó ở Bắc Mỹ cổ đại đều mang một dấu hiệu di truyền - được gọi là A2b - và chúng tách thành bốn nhóm khoảng 15.000 năm trước khi chúng cư trú ở các vùng khác nhau của Bắc Mỹ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra thời gian và vị trí của những lần phân tách đó cũng tương đồng với những lần phân tách của các nhóm thổ dân Châu Mỹ cổ đại. Tất cả những người này đều là hậu duệ của một nhóm mà các nhà khoa học gọi là tổ tiên của người Châu Mỹ bản địa, sinh ra ở Siberia khoảng 21.000 năm trước. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng những con người đó đã mang theo những con chó khi họ đến Châu Mỹ khoảng 16.000 năm trước. (Nhưng có một sự thật khá đau lòng là những con chó cổ đại của Châu Mỹ cuối cùng đã biến mất khi người Châu Âu đến Châu Mỹ).
Đi sâu hơn nữa vào quá khứ di truyền, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những con chó A2b là hậu duệ của loài chó sống ở Siberia khoảng 23.000 năm trước. Tổ tiên của những con chó đó có lẽ đã sống với những người thuộc nhóm di truyền được gọi là người Bắc Siberia cổ đại. Nhóm người này xuất hiện cách đây hơn 31.000 năm, sống ở một phần tương đối ôn đới của đông bắc Siberia trong hàng nghìn năm, bị khí hậu khắc nghiệt ngăn cản nên việc di chuyển quá xa về phía đông hoặc phía tây trở nên rất khó khăn và diễn ra chậm. Có những bằng chứng khảo cổ cho thấy nhóm người này đã chia sẻ địa bàn sinh sống của mình với loài sói xám cổ đại, loài này được cho là tổ tiên trực tiếp của sói xám và loài chó nhà ngày nay.
Lý thuyết hàng đầu về việc thuần hóa chó cho rằng một số nhóm sói xám cổ đại đã ngày càng tiến lại gần các khu cắm trại của con người để kiếm thức ăn thừa, và những con có tính cách hiền lành nhút nhát nhất đã tiến hóa qua hàng trăm hoặc hàng nghìn năm thành những con chó con hiền lành mà chúng ta biết ngày nay. Nhưng điều này sẽ không hoàn toàn đúng khi con người di cư tới những khu vực quá xa một cách liên tục trong thời gian ngắn và luôn gặp phải những đàn sói mới. Bởi vậy có thể việc thuần hóa loài chó ban đầu chỉ được diễn ra tại một nhóm nhỏ trong một khu vực nhất định.
Hơn nữa, bằng chứng khảo cổ cho thấy những người chăn nuôi chó cổ đại có thể đã trao đổi động vật cho dòng dõi trở thành tổ tiên của người thổ dân Châu Mỹ, cũng như cho các nhóm người khác, bao gồm cả những người đi xa hơn về phía tây vào lục địa Âu-Á. Điều đó có thể giải thích tại sao chó xuất hiện ở cả Châu Âu và Bắc Mỹ khoảng 15.000 năm trước. Có thể nói đây là một câu đố khiến các nhà khoa học trước đó suy đoán rằng chó đã được thuần hóa nhiều lần . Thay vào đó, tất cả những con chó đều có nguồn gốc từ những con chó con 23.000 năm tuổi ở Siberia, nhóm nghiên cứu lập luận.
Nhưng dựa trên tất cả những gì cô ấy biết về người cổ đại ở Châu Mỹ, Jennifer Raff cho rằng câu chuyện cơ bản của nghiên cứu “là sự thật”. Tuy nhiên, cô lưu ý, DNA ty thể chỉ đại diện cho một phần nhỏ bộ gen của động vật và “không thể điền vào hết các chỗ trông bức tranh tổng thể về lịch sử tiến hóa mà không có DNA hạt nhân”.
Lấy link