Trong tạp chí Inc số xuất bản tháng 10/1981, hình ảnh Steve Jobs (lúc ấy 26 tuổi) được đưa lên trang bìa với dòng chữ: “Người đàn ông này đã thay đổi việc kinh doanh mãi mãi (Máy tính cá nhân có thể làm gì cho bạn)”.
Nội dung bài viết nhắc đến chiến lược của Michael Scott, CEO đầu tiên của Apple - một công ty máy tính mới nổi. Chi tiết đáng chú ý nằm ở quy tắc của Scott, được áp dụng từ ngày 1/1/1981 và trở thành chiến lược quan trọng của Táo khuyết.
|
Năm 1981, Apple đã áp dụng quy định không sử dụng máy đánh chữ trong công ty, chuyển sang phần mềm soạn thảo văn bản trên máy tính. Ảnh: Business Insider.
|
Theo đó, Scott yêu cầu tất cả nhân viên Apple không được sử dụng máy đánh chữ, chuyển sang phần mềm soạn thảo văn bản trên máy tính. Quyết định của ông có hiệu lực ngay lập tức.
“Apple là công ty sáng tạo. Chúng ta phải tin tưởng và dẫn dắt mọi lĩnh vực. Nếu phần mềm soạn thảo văn bản tiện dụng hơn, hãy sử dụng nó. Mục tiêu đến ngày 1/1/1981, không có máy đánh chữ nào tại Apple nữa”, CEO Michael Scott cho rằng máy đánh chữ đã lỗi thời, và Apple cần chứng minh điều đó trước khi thuyết phục khách hàng.
|
Hình ảnh Steve Jobs trên bìa tạp chí Inc tháng 10/1981. Ảnh: Inc.
|
Quy định ngừng sử dụng máy đánh chữ của Scott gây nhiều tranh cãi. Năm 1981, máy tính cá nhân vẫn là thị trường sơ khai. Đối thủ lớn của Apple là IBM PC phải đến tháng 8/1981 mới được ra mắt. Đến năm 1983, Microsoft Word mới phát hành bản đầu tiên.
Thậm chí, một thuật ngữ quen thuộc trong kinh doanh là “eating its own dog food” (sử dụng sản phẩm trong nội bộ công ty hàng ngày trước khi ra mắt rộng rãi) phải đến vài năm sau mới xuất hiện. Tuy nhiên, Apple đã áp dụng chiến lược này từ rất sớm.
Theo Inc, điều khiến Apple tự tin loại bỏ máy đánh chữ có thể đến từ doanh số bán máy tính. Một thống kê cũ cho thấy Apple có thể đã bán 132.000 máy tính Apple II trong năm 1981, và 750.000 chiếc vào cuối năm 1982. Dù con số khá nhỏ, máy tính cá nhân vẫn là thị trường tiềm năng.
Trong bài viết của Inc, chính Jobs đã nói máy tính của Apple ngang với những “sáng tạo văn phòng” khác như máy đánh chữ IBM Selectric, máy tính bỏ túi, máy photocopy Xerox và "hệ thống điện thoại mới, tân tiến".
Thực tế trong tương lai cho thấy quyết định của Scott là chính xác. Máy đánh chữ từng là thiết bị văn phòng rất phổ biến cách đây 40 năm. Nhưng giờ đây, đa số doanh nghiệp đã không còn sử dụng nữa, thay vào đó gõ văn bản trên phần mềm máy tính.
Bên cạnh các cột mốc như Steve Jobs quay lại Apple năm 1996 hay iPhone ra mắt năm 2007, có thể xem quy tắc “không dùng máy đánh chữ” từ ngày 1/1/1981 là quy định quan trọng nhất trong lịch sử của Táo khuyết. Một ví dụ hiện đại hơn, Microsoft vào tháng 6/2019 đã ra quy định cấm nhân viên sử dụng Slack để chuyển sang Microsoft Teams.
Với việc dùng sản phẩm của chính mình hàng ngày, các nhân viên có thể phát hiện lỗi, những vấn đề trong lúc sử dụng để đội ngũ phát triển nhanh chóng khắc phục, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
(Theo Zing)