Tại sự kiện Computex tuần trước, CEO Intel Bob Swan đã có bài phát biểu về tình hình chung của ngành công nghiệp điện toán cũng như ngành công nghệ và tác động của đại dịch đến lĩnh vực này. Đáng chú ý hơn cả, ông kêu gọi cả ngành công nghệ không nên chú ý đến điểm số benchmark nữa, thay vào đó, hãy tập trung đến các yếu tố khác.
Ông Swan cho biết: "Chúng ta nên xem thời điểm này (đại dịch Covid-19) như một cơ hội để chuyển hướng trọng tâm của cả ngành công nghiệp từ chỗ hướng đến điểm số benchmark sang các lợi ích khác và tác động của công nghệ mà chúng ta tạo ra. Đại dịch đã nhấn mạnh thêm sự cần thiết của công nghệ được xây dựng với mục đích có thể đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh đang tiến hóa."
Quả thật ông Swan cũng có lý do chính đáng của mình. Điểm số benchmark của hệ thống không phải điều làm nên tất cả mọi thứ. Thông số benchmark một chiếc laptop sẽ không cho bạn biết bàn phím của nó hay các góc cạnh máy làm người dùng thoải mái hay khó chịu ra sao. Hơn nữa, chênh lệch điểm số benchmark giữa các thế hệ bộ xử lý cũng không nói lên được trải nghiệm của người dùng đối với một ứng dụng hay một trò chơi cụ thể nào đó.
Tuy nhiên, cho dù lập luận của ông Swan có lý đến đâu cũng không thể không làm người khác nghi vấn về động cơ thực sự đằng sau nó: các thông số benchmark chip xử lý đang làm đau đầu Intel.
Hiện tại các CPU mới ra mắt của Intel vẫn đang dậm chân tại tiến trình 14nm cũ trong khi đối thủ lớn nhất của họ, AMD đã chuyển sang tiến trình 7nm mới. Bước tiến dài về công nghệ của AMD đã tạo nên các bộ xử lý với thông số xử lý vượt trội hơn hẳn các con chip của Intel – lẽ dĩ nhiên là điều này cũng đúng với các điểm số benchmark.
Ngay cả một sân chơi đang được Intel thống trị là laptop cũng đang bị dòng bộ xử lý mới Ryzen 4000 của AMD đe dọa. Cũng tương tự như với các sản phẩm desktop, tiến trình công nghệ mới cho phép AMD tạo nên các bộ xử lý với sức mạnh xử lý tốt hơn – điểm số benchmark cao hơn – nhưng lại có hiệu quả năng lượng tốt hơn hẳn.
Chưa hết, các thông số benchmark cũng cho thấy, ngay cả các bộ xử lý ARM của Apple, vốn đang được trang bị cho các iPad của công ty, cũng có sức mạnh ngang ngửa với nhiều chip desktop cao cấp của Intel. Điều này càng khiến công ty lo lắng hơn trước các dự báo về việc Apple sắp ra mắt MacBook dùng chip ARM để thay thế Intel trong tương lai.
Các chỉ số benchmark không toàn diện. Điều đó là sự thật. Nhưng việc Intel đang bị nhiều đối thủ khác bỏ lại trên đường đua benchmark cũng là một sự thật không thể chối cãi. Điều này khiến cho sức nặng từ lời kêu gọi của CEO Intel không còn đáng kể.
Điều trớ trêu là hiện tại, bản thân Intel cũng đang dựa vào cũng đang dựa vào những điểm số benchmark để trấn an người hâm mộ rằng, dòng chip xử lý Tiger Lake, dự kiến xuất xưởng vào tháng Bảy hoặc Tám của năm nay, sẽ có sức mạnh vượt trội so với thế hệ tiền nhiệm.
Dù sao đi nữa, điểm số benchmark cũng là thứ mà người dùng có thể nhìn vào đó và đưa ra nhận định của mình. Thật khó để cả ngành công nghệ bỏ qua điều đó.
Tham khảo ExtremeTech
Lấy link