Hạ tầng viễn thông quan trọng như điện, giao thông

Viễn thông được xác định là hạ tầng chiến lược như giao thông, điện, vì vậy cần được đánh giá đúng tầm quan trọng và có hướng quản lý phát triển phù hợp, theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.


Thông điệp được Bộ trưởng nêu trong buổi làm việc với khối Viễn thông ngày 25/7. Khác với các cuộc làm việc ở từng đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ trước đó, cuộc họp lần này có sự tham gia của năm đơn vị phụ trách công tác quản lý nhà nước trong hầu hết lĩnh vực về viễn thông, bao gồm Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Bưu điện Trung ương, Trung tâm Internet Việt Nam, và Quỹ Viễn thông công ích.


Những chuyển dịch lớn của lĩnh vực viễn thông


Quan điểm hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số và là hạ tầng của nền kinh tế được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra nhiều năm nay. Tuy nhiên theo ông, các đơn vị vẫn loay hoay với những định nghĩa và cách làm cũ. Do đó, ông đề nghị "cần tập trung vào các chuyển dịch lớn".


Đầu tiên, hạ tầng viễn thông trước đây phục vụ cho gọi điện, nhắn tin và mở rộng thêm truy cập Internet, tức hạ tầng thông tin liên lạc, nhưng trong bối cảnh mới cần được coi là hạ tầng của nền kinh tế.


Nhắc lại quan điểm của Đảng và Nhà nước trong các văn bản từ cuối năm 2024, trong đó xác định hạ tầng viễn thông là "hạ tầng chiến lược quốc gia", Bộ trưởng cho biết điều này có nghĩa viễn thông giờ đây tương đương với giao thông và điện. "Trước đây mất liên lạc một chút cũng chưa ảnh hưởng nhiều. Nhưng khi trở thành hạ tầng của nền kinh tế, xuất hiện trong mọi mặt đời sống của người dân, thì không thể ngừng được", ông nói, nhấn mạnh việc cần thay đổi cách hiểu và tiếp cận vấn đề.


Một dịch chuyển lớn khác là chuyển từ quản lý hạ tầng viễn thông thành "hạ tầng số". Theo ông, viễn thông thực chất chỉ là một trong 5 tầng của cơ cấu hạ tầng số hiện nay. "Trên hạ tầng viễn thông có Internet, trên Internet có hạ tầng số. Trên hạ tầng số còn có hạ tầng số - vật lý, và trên nữa là các tiện ích số", ông lý giải.


Bộ trưởng nhìn nhận việc quản lý của các đơn vị hiện chỉ tập trung ở tầng đầu, cần mở rộng ra tầng còn lại. "Đó chính là những không gian mới. Nếu không vươn lên quản lý các tầng cao hơn, đất nước sẽ khó phát triển hết tiềm năng", ông nói.


Là người phụ trách khối Viễn thông trong Bộ, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng đánh giá các yêu cầu về kết nối trong bối cảnh mới "đã rất khác". Lấy ví dụ hoạt động chính quyền địa phương hai cấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi yêu cầu cao về kết nối, Thứ trưởng đề nghị khối Viễn thông cần nhìn nhận lại vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh mới, từ đó đưa ra cách tiếp cận phù hợp, đặc biệt về các vấn đề như phát triển 6G, làm chủ thiết bị, thúc đẩy phát triển trung tâm dữ liệu, giải pháp IoT...


Trước những yêu cầu lớn cho ngành Viễn thông trong bối cảnh mới, lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị thay đổi mạnh mẽ để thích ứng và phát triển. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến các công cụ về giám sát, đánh giá hiệu quả, đặt ra tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng công nghệ mới, tích cực tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế và đặt mục tiêu cao về thứ hạng viễn thông trên toàn cầu. Nhiều yêu cầu trong số này được ông đề nghị đơn vị phải làm gấp rút, hoàn thành trước 1/8.


Cục Viễn thông: Từ quản lý hạ tầng sang nền tảng và dịch vụ số


Viễn thông là một trong những điểm sáng của ngành Khoa học và Công nghệ, với các chỉ số liên tục tăng. Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Thành Chung nêu một số ví dụ như thuê bao băng rộng cố định đạt tỷ lệ 24,4/100 dân, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang là 85,3 %, cao hơn mức 60% trung bình thế giới. Việt Nam đứng top 20 về tốc độ mạng di động và top 26 về mạng cố định.


Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dành nhiều thời gian nói về định hướng mới cho Cục Viễn thông, trong đó nhấn mạnh việc chuyển từ quản lý hạ tầng sang quản lý nền tảng và dịch vụ số.


Ông cho rằng mô hình quản lý truyền thống vốn tập trung vào hạ tầng vật lý đã đến lúc phải thay đổi. "Quản lý dịch vụ khó hơn rất nhiều so với quản lý phần vật chất. Nhưng đây là sự thay đổi về triết lý, hiểu biết và nhận thức", ông nói, nhắc lại kinh nghiệm quốc tế khi nhiều quốc gia chuyển từ quản lý hạ tầng sang quản lý dịch vụ và cách làm này có thể định hình sự phát triển của ngành trong giai đoạn tới.


Một trong những thay đổi chiến lược được Bộ trưởng đề cập là cạnh tranh. Theo ông, trong hơn 20 năm qua, các nhà mạng chủ yếu cạnh tranh bằng hạ tầng theo kiểu "ai có mạng rộng hơn, nhiều trạm hơn sẽ chiếm ưu thế". Tuy nhiên, thực tế này khiến họ chỉ tập trung vào hạ tầng mà coi nhẹ một khía cạnh quan trọng khác là dịch vụ.


"Bây giờ, hạ tầng không phải là yếu tố để cạnh tranh, mà cần tạo ra sự cạnh tranh ở dịch vụ", ông nói, gợi mở những chính sách mạnh mẽ như các nhà mạng lớn phải chia sẻ hạ tầng cho nhà mạng nhỏ để tạo thế cân bằng và hình thành cạnh tranh dịch vụ thực sự. Việc này cũng nhằm khuyến khích các mạng di động ảo (MVNO) phát triển đúng hướng, sáng tạo dịch vụ mới cho người dùng.


"Đó là một sự thay đổi mang tính rất chiến lược, mà mục tiêu cuối cùng là dịch vụ cho người dân", ông nói.


Một ưu tiên khác được Bộ trưởng đề cập là đổi mới cách giám sát. Nếu trước đây quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông chủ yếu bằng phương pháp thủ công, trên giấy tờ, nay phải chuyển sang mô hình trực tuyến, thời gian thực. Ông đề nghị cần bắt buộc các nhà mạng kết nối API để dữ liệu tự động về cơ quan quản lý, từ đó giám sát liên tục chất lượng mạng, chất lượng dịch vụ. Các kết quả đo đạc cần minh bạch để toàn dân cùng giám sát.


Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu phát triển "viễn thông xanh", trước thực trạng ngành viễn thông tiêu thụ lượng năng lượng lớn ở các trạm BTS, trung tâm dữ liệu. Thực tế này đòi hỏi cần có tiêu chuẩn rõ ràng về hiệu suất sử dụng điện của hệ thống. Ông gợi ý cơ chế cho phép nhà mạng khai thác năng lượng mặt trời và bán phần điện dư thừa để tối ưu hóa chi phí, đồng thời phối hợp liên ngành trong quản lý.


Ngoài ra, ông yêu cầu Cục Viễn thông phát triển công cụ phân tích dữ liệu để điều tiết hoạt động viễn thông theo thời gian thực, phát hiện sớm dấu hiệu thao túng, độc quyền về giá cước. Ông nhắc đến hai nhiệm vụ thường bị bỏ quên là tiêu chuẩn và chiến lược. Tiêu chuẩn cần được cập nhật liên tục để dẫn dắt thị trường, thậm chí chuyển thành quy chuẩn bắt buộc. Cùng với đó, chiến lược phát triển viễn thông phải được rà soát hàng năm để bắt kịp xu hướng công nghệ.


Cục Tần số vô tuyến điện: Cấp phép linh hoạt


Theo Cục trưởng Lê Văn Tuấn, một trong những thành tựu của Cục Tần số vô tuyến điện thời gian qua là tổ chức đấu giá tần số, thu về hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng đạt nhiều kết quả tích cực về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong phát hiện nhiễu, cải thiện hiệu quả tần số, ứng dụng AI, tự phát triển các công cụ trong hoạt động của mình.


Đánh giá cao các kết quả này, Bộ trưởng gợi mở thêm không gian phát triển cho Cục cũng như đổi mới trong hoạt động.


Điểm nhấn trong chỉ đạo của Bộ trưởng với Cục Tần số là chuyển đổi đấu giá linh hoạt hơn, cùng hình thức "cấp phép cứng" sang "cấp phép linh hoạt". Với tinh thần đó, các nhà mạng có thể phải bỏ ra số tiền lớn khi đấu giá tần số, nhưng sẽ nhận ưu đãi lớn nếu đạt điều kiện khi triển khai, như về số lượng trạm, vùng phủ, mức giá. Đặc biệt, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng đề xuất áp dụng cơ chế "cấp phép sandbox" nhằm hỗ trợ các startup, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, có thể thử nghiệm và triển khai các công nghệ mới một cách nhanh chóng.


Bộ trưởng yêu cầu Cục Tần số không "luẩn quẩn" với mạng di động mà phải đẩy mạnh quản lý tần số sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là những không gian mới nổi như vệ tinh tầm thấp, máy bay không người lái (drone).


Để nâng cao hiệu quả quản lý, Bộ trưởng khuyến khích ứng dụng công nghệ số, như trí tuệ nhân tạo, trong công tác giám sát tần số và xử lý nhiễu, coi đây là một xu thế toàn cầu mà Việt Nam đã làm tốt nhưng cần làm tốt hơn.


Tương tự các đơn vị khác, Cục Tần số cũng phải tập trung xây dựng tiêu chuẩn và chất lượng cho hoạt động của mình. Đồng thời, việc "đưa người vào tổ chức quốc tế" cần được duy trì và tăng cường. Bộ trưởng yêu cầu đơn vị phải có "thiết bị công nghệ, phòng lab hiện đại" để đảm bảo năng lực quản lý vượt trội. Cuối cùng, yếu tố "minh bạch, công bố thông tin", bao gồm việc công khai những trường hợp không đạt yêu cầu hay gây nhiễu của nhà mạng, được nhấn mạnh là một công cụ quản lý nhà nước hiệu quả, thúc đẩy các đơn vị nỗ lực hơn.


VNNIC: Kiến tạo hạ tầng quốc gia về tài nguyên số và Internet chủ quyền


Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là đơn vị có chức năng quản lý, thúc đẩy sử dụng tài nguyên Internet, cũng như thiết lập, quản lý, khai thác hệ thống DNS, VNIX quốc gia. VNNIC thời gian qua đạt một số kết quả như xây dựng công cụ đo tốc độ i-Speed, thúc đẩy phổ cập tên miền .vn, chuyển đổi IPv6 thuộc top 7 toàn cầu.


Ghi nhận các kết quả trên, Bộ trưởng đồng thời gợi mở Trung tâm cần quan tâm đến khái niệm "tài nguyên số quốc gia của Internet" và "hạ tầng số quốc gia về tài nguyên số" thay vì chỉ tập trung vào tên miền, địa chỉ mạng. Trên môi trường số có định danh số, tài nguyên metadata (siêu dữ liệu), trong khi chưa có người "tổng quản". Bộ trưởng nhấn mạnh VNNIC cần là đơn vị quản lý toàn bộ tài nguyên này, sau đó phân công cho các cơ quan liên quan.


Một chỉ đạo đặc biệt khác là đảm bảo "Internet có chủ quyền" và "Internet độc lập", đảm bảo Internet trong nước vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi kết nối quốc tế gặp sự cố. Ngoài ra, VNNIC được yêu cầu cung cấp dịch vụ công nền tảng về tài nguyên số, như cấp tên miền .vn, id.vn, các tên miền xác định danh tính tích hợp với định danh, xác thực, mã hóa phục vụ hệ thống công; đồng hành thúc đẩy Internet thế hệ mới như IPv6+, IoT, DNS-over-HTTPS, mạng riêng ảo.


Với mục tiêu vào nhóm dẫn đầu về chuyển đổi IPv6, ông đề nghị VNNIC cần nằm trong top 5 thế giới trở lên. Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng sau đó nhận nhiệm vụ, cam kết sớm đưa ra chiến lược để tắt hoàn toàn IPv4 vào 2030.


Cục Bưu điện Trung ương: Trung tâm điều hành và đảm bảo thông tin đặc biệt của nhà nước


Cục Bưu điện Trung ương có một chức năng là đảm bảo thông tin liên lạc cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành cơ mật, khẩn cấp. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng định hướng Cục cần thực hiện chuyển đổi quan trọng từ vai trò "chuyển phát bảo mật" truyền thống sang mô hình một trung tâm điều hành và đảm bảo thông tin đặc biệt của nhà nước trong môi trường số. Điều này, theo ông, đòi hỏi Cục phải đổi mới toàn diện về hạ tầng, công nghệ, thể chế phối hợp và cả con người, không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn ở tầm chiến lược quốc gia.


Ông nhắc đến xu hướng của thế giới như chuyển từ mạng cục bộ phân tán sang hạ tầng số tích hợp toàn quốc gia, sử dụng mạng ảo hóa, mạng riêng 5G, mạng vệ tinh. Trong khi đó, Cục Bưu điện của Việt Nam vẫn phụ thuộc mạng công cộng, thiếu mạng 5G hoặc vệ tinh riêng, chưa tích hợp sâu với hạ tầng chính quyền số, còn hạn chế về năng lực công nghệ lõi, cơ chế phối hợp, mô hình điều hành an ninh mạng và nguồn nhân lực chuyên sâu.


Để hiện thực hóa tầm nhìn, Bộ trưởng đề nghị Cục ưu tiên hiện đại hóa hạ tầng thông tin bảo mật, đặc biệt là xây dựng mạng lõi độc lập. Mạng lưới này phải đảm bảo hoạt động liên tục ngay cả khi mạng công cộng gặp sự cố, với mục tiêu đạt số một về công nghệ và bảo mật. Song song, việc phát triển mạng 5G dùng riêng cho các khu vực trọng yếu cần được xem là ưu tiên hàng đầu.


Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc ứng dụng AI và phân tích dữ liệu để cảnh báo và điều phối thông tin được đặc biệt nhấn mạnh. Công nghệ sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp giám sát mạng lưới viễn thông, bao gồm cả mạng lưới bưu chính, một cách thông minh và hiệu quả hơn.


Bên cạnh đó, Cục Bưu điện Trung ương cần tích hợp các hệ thống thông tin đa nền tảng, gồm hữu tuyến, vô tuyến và vệ tinh, nhằm đảm bảo thông tin được truyền tải mọi lúc, mọi nơi, với các phương án dự phòng sẵn sàng, nhất là phục vụ cho Chính phủ số. Bộ trưởng cũng yêu cầu xây dựng mạng dùng riêng 5G, có thể thông qua việc thuê lại từ mạng công cộng, để phục vụ kết nối hạ tầng và thiết bị của Chính phủ, thay vì cho cán bộ, công chức sử dụng điện thoại thông thường.


Quỹ Viễn thông công ích: Cải cách thủ tục, mở rộng nguồn thu


Đối với Quỹ Viễn thông công ích, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ nhằm cải cách toàn diện, với mục tiêu khắc phục tình trạng chậm giải ngân kéo dài và mở rộng vai trò của Quỹ trong bối cảnh phát triển mới của ngành viễn thông.


Để đẩy nhanh quá trình giải ngân, ông yêu cầu Quỹ "cải cách thủ tục" theo hướng tinh gọn, dễ làm và tăng cường hậu kiểm. Tình trạng chậm giải ngân cần được chấm dứt, thay vào đó là cơ chế linh hoạt, cho phép triển khai nhanh chóng các dự án.


Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc "mở rộng đối tượng thụ hưởng" của Quỹ. Nội hàm cần mở rộng từ phổ cập dịch vụ thoại, Internet sang các dịch vụ băng rộng như 4G, 5G, và đặc biệt là các dịch vụ cơ bản liên quan đến y tế, giáo dục số. Song song, Bộ trưởng chỉ đạo "mở rộng nguồn thu". Ngoài khoản 1% doanh thu viễn thông hiện tại, Quỹ cần nghiên cứu thu từ tiền phí phổ tần và từ nền tảng số xuyên biên giới như Netflix, Facebook. Bộ trưởng cho rằng các nền tảng đó đang thu lợi lớn tại Việt Nam nhưng chưa đóng góp tương xứng vào công cuộc phổ cập dịch vụ số. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này cũng cần thiết để xây dựng cơ chế tài chính mới, bền vững hơn.


Để tăng cường hiệu quả hoạt động, Bộ trưởng yêu cầu "minh bạch hóa" mọi hoạt động của Quỹ. Các thông tin về vùng khó khăn, số tiền giải ngân hàng năm, thu chi, người hưởng lợi và hiệu quả chi tiêu cần được công bố rõ. Việc công khai dữ liệu sẽ giúp Quỹ nhận được phản hồi, phê bình từ cộng đồng để tự cải thiện, đồng thời tạo áp lực tích cực cho toàn ngành.


"Quản lý từ cứng sang mềm"


Trong phần kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gói gọn sự chuyển đổi của khối Viễn thông là để hoạt động một cách toàn diện hơn, nhưng đồng thời cũng là mở ra không gian mới, cách thức vận hành mới và thoát dần khỏi khái niệm "hạ tầng cứng".


Theo ông, Viễn thông trước đây là ngành liên quan nhiều đến phần cứng và việc quản lý cũng có những tính chất tương tự, nhưng đã đến giai đoạn cần thay đổi. "Từ nay, quản lý cũng chuyển từ cứng sang mềm, hạ tầng cũng chuyển từ hạ tầng cứng sang hạ tầng mềm", ông nói. "Đó là thách thức, nhưng thực sự nếu đi chậm thì chúng ta sẽ lỗi thời".


Ông yêu cầu các Cục, Trung tâm ở vai trò cơ quan quản lý cần dẫn dắt ngành, dẫn dắt doanh nghiệp. Bộ sẵn sàng hỗ trợ để các đơn vị có được thiết bị, công cụ với công nghệ tốt nhất để thực hiện tầm nhìn đó.


"Chúc các đơn vị có được nhận thức mới, không gian mới, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển và là người kiến tạo. Đây là nhiệm vụ mệt, nhưng vui", ông nói.


Lưu Quý


Góp ý kiến tạo Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệGửi góp ý







'Ha tang vien thong quan trong nhu dien, giao thong'


Vien thong duoc xac dinh la ha tang chien luoc nhu giao thong, dien, vi vay can duoc danh gia dung tam quan trong va co huong quan ly phat trien phu hop, theo Bo truong Khoa hoc va Cong nghe Nguyen Manh Hung.

'Hạ tầng viễn thông quan trọng như điện, giao thông'

Viễn thông được xác định là hạ tầng chiến lược như giao thông, điện, vì vậy cần được đánh giá đúng tầm quan trọng và có hướng quản lý phát triển phù hợp, theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.
Hạ tầng viễn thông quan trọng như điện, giao thông
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: