Việt Nam chi cho nghiên cứu phát triển thấp hơn nhiều so với các nước phát triển

Moustapha & Yu đã nghiên cứu định lượng trên 35 quốc gia cho thấy, nếu tăng 1% cho nghiên cứu và phát triển (R&D) có thể góp phần làm tăng trưởng GDP thực tế đến 2,83%.


Khoa hoc cong nghe.jpg
Việt Nam chi tiêu cho R&D trên GDP đã tăng từ 0,30% năm 2013 lên 0,43% năm 2021. Ảnh: PV

AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris, phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, trân trọng tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam 2025 (Vietnam R&D Forum – VRDF 2025) với chủ đề: “Thúc đẩy tương lai của Việt Nam thông qua đầu tư R&D chiến lược”.


Diễn đàn này sẽ diễn ra vào ngày 30–31/7 tại tỉnh Ninh Bình – địa phương sở hữu di sản kép thế giới, để kiến tạo không gian hội tụ tri thức và đổi mới sáng tạo.


Moustapha & Yu đã nghiên cứu định lượng trên 35 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, nếu tăng 1% trong chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) có thể góp phần làm tăng trưởng GDP thực tế đến 2,83%, điều này cho thấy vai trò then chốt của đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn.


Các quốc gia như Hàn Quốc, Israel, Pháp hay Singapore đã tận dụng chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào R&D như một động lực bứt phá để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.


Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2024, tại Việt Nam, tỷ lệ chi tiêu cho R&D trên GDP đã tăng từ 0,30% năm 2013 lên 0,43% năm 2021.


Đây là bước tiến tích cực, nhưng vẫn còn thấp so với mức trung bình của các nước phát triển (thường dao động từ 2% đến 4% GDP).


Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế trong tiếp nhận và làm chủ công nghệ, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và đại học, và chưa khai thác hiệu quả nguồn lực chất xám toàn cầu.


Sự kiện Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam 2025 kỳ vọng sẽ là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, đồng thời tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo nội sinh – yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế quốc gia.


25.000 tỷ đồng chi cho khoa học công nghệ thì đến 80% để xây nhà, mua máy móc25.000 tỷ đồng chi cho khoa học công nghệ thì đến 80% để xây nhà, mua máy móc

Diễn đàn này được thiết kế để quy tụ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, có ảnh hưởng trong nghiên cứu và ứng dụng, các nhà hoạch định chính sách, và đại diện doanh nghiệp nhằm hướng tới 5 mục tiêu cốt lõi gồm: Thiết lập cơ chế kết nối dài hạn cho hợp tác R&D; Thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Xây dựng chiến lược R&D quốc gia dựa trên sáng kiến thực tiễn; Định vị Việt Nam là trung tâm R&D mới nổi trong khu vực ASEAN; Kiến tạo hệ sinh thái R&D năng động, hội nhập và bền vững.


Với tầm nhìn quốc tế, Diễn đàn R&D Việt Nam 2025 đóng vai trò là cầu nối chiến lược giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, đại học, nhà đầu tư và chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hành động cụ thể.


Nội dung diễn đàn sẽ tập trung trao đổi trên ba trụ cột chính là thảo luận Lộ trình R&D Việt Nam 2025–2030, bao gồm cơ chế thương mại hóa, kết nối chuyên gia và hợp tác giữa ngành – đại học thông qua ưu đãi tài chính.


Bên cạnh đó, hội thảo sẽ đề xuất Khung chính sách quốc gia về R&D, bao gồm Hội đồng R&D Quốc gia, chính sách đãi ngộ, tín dụng thuế cho R&D, và chiến lược nhân tài; và đối thoại kế hoạch hành động đầu tư R&D theo ngành, với các nội dung về hỗ trợ đầu tư ban đầu, đào tạo chuyên môn, khu kinh tế đặc biệt (SEZs) chuyên biệt cho R&D, và quỹ hỗ trợ đầu tư.


Diễn đàn cũng sẽ đưa ra báo cáo chính sách, thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia, và đề xuất hành động R&D cụ thể cho các ngành công nghiệp chiến lược của Việt Nam, hướng tới mục tiêu tăng đầu tư R&D lên 2% GDP vào năm 2030.


Diễn đàn R&D Việt Nam 2025 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô và trình độ quốc tế, với đội ngũ chọn lọc 100 khách mời đặc biệt là những chuyên gia người Việt, gốc Việt và những nhân vật có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong lĩnh vực R&D trên toàn cầu.


Đây là nền tảng kết nối cấp cao giữa các khối nhà nước – doanh nghiệp – đại học – tập đoàn công nghệ – viện nghiên cứu và nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ, vận hành hiệu quả các mô hình đầu tư, và hình thành hệ sinh thái R&D bền vững tại Việt Nam.