Đại diện Viettel cho biết, từ đầu năm 2025, Viettel đã xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai chi tiết, đảm bảo 100% ban điều hành tại các tòa nhà Viettel tỉnh có hai tuyến cáp độc lập, 100% trạm trọng yếu trong tuyến truyền dẫn được trang bị máy phát điện cố định. Đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm được điều động trực tại các vị trí trạm ưu tiên.
Ngoài ra, 66 kênh truyền, tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng được đảm bảo để kết nối cho trụ sở UBND cấp phường/xã.
Ở Quảng Ninh, các hệ thống cáp đến sở chỉ huy đã được ngầm hoá, đảm bảo đường truyền ổn định, liên lạc thông suốt.
Để chuẩn bị phòng chống bão số 3, Viettel đã chuẩn bị lực lượng 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Ngoài lực lượng tại tỉnh, Viettel đã điều động tăng cường 100 đội ứng cứu thông tin nhà trạm BTS, tuyến cáp; 150 đội xử lý sự cố thuê bao băng rộng cố định; 30 đội sửa chữa máy phát điện đến hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bão và hoàn lưu. Vật tư ứng cứu thông tin (cáp quang, thiết bị hàn truyền dẫn, điện thoại vệ tinh,…) tại các tỉnh đều có tỷ lệ dự phòng ở mức cao.
Viettel đã điều động tăng cường 100 đội ứng cứu thông tin nhà trạm BTS, tuyến cáp; 150 đội xử lý sự cố thuê bao băng rộng cố định. Ảnh: PV Các xe phát sóng cơ động đã được bố trí tại Quảng Ninh, Hưng Yên và Ninh Bình. 9 xe sẵn sàng điều chuyển đi các khu vực bị ảnh hưởng.
Toàn bộ các tuyến cáp kết nối liên vùng Đông Bắc và Tây Bắc đều có ít nhất 3 hướng kết nối dự phòng, các tuyến cáp cụm phường/xã có từ 1-3 hướng kết nối dự phòng. Trong đó phần lớn là các tuyến cáp đã được kiên cố, có thể chịu được ảnh hưởng của thiên tai.
Các cửa hàng Viettel đều được bố trí máy nổ, xăng dầu duy trì hoạt động và hỗ trợ người dân sạc điện thoại. Trong ngày 21/7, Viettel đã gửi tin nhắn cảnh báo đến 2,5 triệu khách hàng trong khu vực bị ảnh hưởng của bão và sẽ tiếp tục triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng, hỗ trợ dịch vụ liên lạc trước và sau bão.
Viettel sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7 trên đa kênh, đa nền tảng, ứng dụng công nghệ AI như Chatbot/Callbot để đảm bảo phản hồi nhanh chóng và chính xác.
Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, đại diện VNPT cho hay, để chủ động sẵn sàng ứng phó bão số 3, từ ngày 19/7, Thường trực BCH PCTT Tập đoàn VNPT đã yêu các đơn vị trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 tổ chức triển khai các phương án ứng phó bão.
Theo đó, VNPT yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết qua các phương tiện thông tin; tổ chức triển khai các phương án ứng phó bão; chủ động kiểm tra rà soát cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu, trang thiết bị dự phòng,.. sẵn sàng ứng phó khi có tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại thông tin và tài sản,... trong quá trình triển khai đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên.
Cùng với đó, các đơn vị cũng chủ động nắm bắt, triển khai kịp thời các yêu cầu thông tin mạng công cộng, mạng chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cho các cấp chính quyền; sẵn sàng phối hợp, sẵn sàng phương án roaming dịch vụ di động giữa các nhà mạng.
VNPT tiến hành thu thiết bị trạm phát sóng lưu động VinaPhone tại Cát Bà để đảm bảo an toàn. Ảnh: PV VNPT cho biết, đã sẵn sàng điều hành đảm bảo thông tin liên lạc mạng VSAT-IP thuộc mạng thông tin chuyên dùng PCTT và triển khai đường truyền VSAT cho các xe phát sóng lưu động khi có yêu cầu.
Đến thời điểm này, VNPT cũng đã bố trí nhân lực trực 24/24 để đảm bảo thông tin các tuyến trục; sẵn sàng triển khai xe phát sóng lưu động; tăng cường đảm bảo thông tin phòng chống thiên tai cho các cấp chính quyền; xử lý kịp thời các sự cố phát sinh.
Với MobiFone, để ứng phó bão số 3, ngay từ sớm, các đơn vị kỹ thuật, mạng lưới của nhà mạng trên toàn quốc đã xây dựng chi tiết các kịch bản ứng cứu thông tin, chủ động phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thủy văn và chính quyền địa phương.
MobiFone đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng viễn thông tại các khu vực ven biển, miền núi, vùng trũng có nguy cơ cao về thiên tai. Các điểm phát sóng độc lập, trạm BTS dùng năng lượng mặt trời, các vùng địa hình phức tạp đều được kiểm tra kỹ lưỡng.
Cùng với đó, các trung tâm dữ liệu, hệ thống giám sát mạng (NOC), mạng nội bộ cũng được đánh giá trạng thái vận hành để đảm bảo truy cập, điều hành và xử lý sự cố diễn ra thông suốt trong suốt thời gian thiên tai.
Các tổ trực ứng cứu hiện trường cũng được bố trí khẩn trương, lắp đặt máy phát điện dự phòng, bảo dưỡng thiết bị, kiên cố hóa nhà trạm và chuẩn bị đầy đủ trang bị bảo hộ: mũ bảo hiểm, dây leo an toàn, đèn pin, áo mưa, áo phao…
MobiFone đã mở rộng băng thông, định tuyến lại lưu lượng tại các tuyến Bắc – Trung – Nam. Lên phương án xử lý sự cố đứt cáp quang DWDM do sạt lở. Vận hành ổn định các hệ thống giám sát mạng, phần mềm phòng chống lụt bão, đảm bảo số liệu chính xác, cập nhật liên tục. Đồng thời, tổ chức phân công cụ thể từng nhóm ứng cứu, chuẩn bị nhân sự phối hợp các đài khu vực.
Tại Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Bắc, 13 đội đo kiểm được phân công xuống Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An – các vùng dự báo ảnh hưởng mạnh nhất. Tính đến 13h ngày 21/7, Trung tâm đã huy động gần 300 nhân lực tại chỗ tại các Đài bị ảnh hưởng, 1.192 phương tiện, 27 máy phát điện lưu động, 59 bộ pin xách tay cùng hàng chục máy đo – hàn quang sẵn sàng hoạt động. Các trạm được chia theo mức ưu tiên UT1–UT3 để đảm bảo khôi phục theo đúng thứ tự khẩn cấp.
Các tổ trực ứng cứu hiện trường của MobiFone lắp đặt máy phát điện dự phòng, bảo dưỡng thiết bị. Ảnh: PV Tại Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 5, đơn vị đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN, triển khai họp khẩn với các tỉnh/thành ngay trong chiều 21/7 để quán triệt công tác chuẩn bị phòng chống ứng phó với cơn bão số 3.
MobiFone chuẩn bị máy nổ khi bão số 3 đổ bộ. Ảnh: PV Đặc biệt, tại 2 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, công tác phòng chống đã được thực hiện sớm. Một loạt biện pháp chủ động được thực hiện như: Rà soát, đóng kín toàn bộ cửa kính, cửa sổ: ngắt điện, di chuyển thiết bị lên cao.