Buổi làm việc với Vụ Hợp tác quốc tế, một trong các đơn vị tham mưu của Bộ Khoa học và Công nghệ chiều 15/7, là cuộc làm việc tiếp theo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với các đơn vị thuộc Bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như đưa ra các định hướng phát triển.
Nhìn nhận vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong bối cảnh mới, Bộ trưởng cho biết định hướng của ngành khoa học và công nghệ là thu hút tinh hoa toàn cầu đến giải bài toán Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển và thịnh vượng. "Định hướng đó sẽ phải phụ thuộc vào hợp tác quốc tế", ông nói.
Vai trò của hợp tác quốc tế
Giữ cách làm quen thuộc khi đến các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dành nhiều thời gian để cán bộ, nhân viên của Vụ đưa ra các thắc mắc, kiến nghị. Thông qua việc giải đáp, ông truyền đi các thông điệp để thúc đẩy lĩnh vực.
Một trong những câu hỏi được quan tâm là vai trò của hợp tác quốc tế trong bối cảnh mới, khi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là động lực phát triển cho Việt Nam. Theo Bộ trưởng, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam giải được bao nhiêu bài toán về khoa học và công nghệ, bởi nếu bài toán dễ, sẽ không cần đến nước ngoài.
"Việt Nam đang có nhiều bài toán lớn cần giải", ông nói, nhắc đến những yêu cầu như tăng trưởng hai con số, giải quyết ô nhiễm môi trường, năng lượng xanh... Trong khi đó, ngành khoa học và công nghệ trong nhiều năm trước chưa quen với việc có các bài toán lớn, việc đầu tư khiêm tốn, nên lời giải chỉ ở mức nhất định.
Theo ông, với các bài toán lớn, lực lượng nghiên cứu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% yêu cầu, và 80% còn lại phải dựa vào hợp tác quốc tế.
"Việt Nam không thể 'hóa rồng hóa hổ' nếu không sử dụng được tinh hoa của nhân loại. Không có quốc gia nào có thể phát triển vượt bậc chỉ dựa vào nội lực sức mình là chính", ông nói, lấy ví dụ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều trải qua những ngày đầu phát triển bằng cách học hỏi khắp nơi.
Đây cũng là quan điểm được Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh trong các sự kiện về khoa học công nghệ. Theo ông, Việt Nam bây giờ "giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó", vì vậy có thể thu hút tri thức toàn cầu, thu hút nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán. Qua đó, khoa học công nghệ phát triển, đất nước phát triển.
Từ quan điểm này, ông nhấn mạnh mục tiêu của hợp tác quốc tế là nâng cao năng lực nội sinh của Việt Nam. "Đưa công nghệ nước ngoài về để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, thu hút nguồn nhân lực quốc tế để thúc đẩy vị thế Việt Nam, hay 'dùng ông Tây làm cho ông Ta'", Bộ trưởng nói.
'Thiết kế lại' Vụ Hợp tác quốc tế
Vụ Hợp tác quốc tế được hình thành trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị cùng tên thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ cũ, với tuổi đời nhiều thập kỷ. Vụ hiện có 40 nhân sự trong nước và một số nhân sự ở nước ngoài.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Thiện Nghĩa, thời gian qua, đơn vị đạt được một số kết quả, như ký kết và triển khai các hiệp định, thỏa thuận hợp tác mới về khoa học và công nghệ; chủ động tham gia, đóng góp và nâng cao vai trò của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn đa phương; đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước với đối tác nước ngoài; tăng cường thu hút nguồn lực từ nước ngoài; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài; phát triển mạng lưới đối tác toàn cầu và cơ sở dữ liệu quốc tế.
Tại Bộ Khoa học và Công nghệ, hợp tác quốc tế là vấn đề đặc thù khi hoạt động động này không chỉ gói gọn trong Vụ, mà nhiều đơn vị như Cục Sở hữu trí tuệ, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân... cũng có các phòng ban về hợp tác quốc tế riêng, với tổng nhân sự khoảng hơn 100 người.
Theo Bộ trưởng, đây là lượng nhân sự đông đảo, nhưng "ngành dọc" này còn thiếu sự kết nối, xuất phát từ thực tế mỗi lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn riêng. Với các yêu cầu trong giai đoạn mới, ông đề nghị cần thực hiện thay đổi mang tính chiến lược với Vụ, trong đó phối hợp chặt chẽ trong "ngành dọc" từ Vụ xuống các phòng ban hợp tác quốc tế thuộc các đơn vị, đồng thời mở rộng theo "chiều ngang", tức thay đổi trọng tâm hợp tác quốc tế từ theo "địa bàn" sang theo "nhóm công nghệ".
Để giải quyết các thách thức này, ông gợi mở Vụ Hợp tác quốc tế thay đổi cách làm, thay vì can thiệp sâu vào các đơn vị chuyên môn, nên thực hiện vai trò kiến tạo, như một tổng công trình sư điều phối hoạt động toàn cầu, có thể kết nối trong nước và quốc tế về công nghệ, vốn, nhân lực, và tri thức, nhắm vào các trục ưu tiên của chiến lược phát triển đất nước.
Đơn vị cũng được gợi ý xây dựng các khối trong vụ, đảm bảo yêu cầu gồm khối Chiến lược và Chính sách làm công tác chiến lược, chính sách, hợp tác đa phương và song phương, đầu mối làm các pháp lý và hiệp định; khối Hợp tác chuyên ngành theo công nghệ chiến lược; khối Dự án để điều phối các dự án hợp tác quốc tế cấp Bộ; khối Hỗ trợ làm hoạt động hậu cần, truyền thông.
Để thể hiện vai trò kiến tạo, Bộ trưởng yêu cầu Vụ cần phát triển chiến lược tổng thể về hợp tác quốc tế; điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế trong toàn Bộ, tổng hợp thông tin, kết nối đối tác quốc tế; và đặc biệt là quốc tế hóa hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng của Việt Nam.
Một chuyển dịch quan trọng khác được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập là Vụ chuyển từ hoạt động đơn lẻ sang liên kết theo các mạng lưới. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu từ ngày quản lý ngành khoa học và công nghệ, là cần đo lường tác động thực sự của việc hợp tác quốc tế.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị Vụ nhìn nhận lại nhiệm vụ cốt lõi là đơn vị tham mưu cho Bộ, tránh sa đà vào các công việc cụ thể; cần xây dựng chiến lược và kế hoạch tổng thể; điều phối, liên kết, thúc giục, kiểm tra, đánh giá tiến độ tất cả công việc đã có trong kế hoạch và theo dõi, yêu cầu các đơn vị cam kết thực hiện đúng tiến độ; đồng thời ứng dụng công nghệ trong hoạt động.
"Lãnh đạo Bộ rất trông chờ vào sự đổi mới của Vụ Hợp tác quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận, đồng thời yêu cầu Vụ lên kế hoạch sớm, muộn nhất đầu tháng 8 phải có những chuyển dịch cụ thể.
Vụ trưởng Nguyễn Thiện Nghĩa khẳng định tiếp thu các chỉ đạo và sớm tổ chức lại hoạt động của Vụ theo hướng mới.
Lưu Quý
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệGửi góp ý