"Chúng tôi đã chứng kiến cơ sở hạ tầng cáp ngầm bị đối thủ nước ngoài đe dọa những năm gần đây, chẳng hạn Trung Quốc", Brendan Carr, Chủ tịch FCC, phát biểu trước báo giới ngày 16/7. "Do đó, chúng tôi đang có hành động nhằm bảo vệ hệ thống cáp ngầm khỏi sự xâm nhập và tiếp cận của đối thủ nước ngoài, cũng như các mối đe dọa an ninh trên mạng lẫn vật lý".
Cũng theo ông Carr, FCC sẽ tiếp nhận các ý kiến, đề xuất từ chuyên gia về những biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ an ninh cáp viễn thông ngầm. Tuy nhiên, ông không đề cập chi tiết kế hoạch.
Trong nhiều năm, Mỹ đã bày tỏ lo ngại về vai trò của Trung Quốc trong việc xử lý lưu lượng mạng. Trong đó, Washington có "mối lo ngại sâu sắc về an ninh dữ liệu" liên quan đến mạng lưới hơn 400 tuyến cáp ngầm dưới biển, xử lý 99% lưu lượng Internet quốc tế.
Mỹ cũng nhiều lần ngăn chặn các tuyến cáp biển viễn thông, chủ yếu là cáp quang, kết nối nước này với châu Á. Từ năm 2020 đến nay, nước này được cho là "đóng vai trò quan trọng" trong việc hủy bỏ bốn tuyến cáp dự định kết nối giữa Mỹ và Hong Kong.
Năm ngoái, FCC cho biết đang tính đến việc đưa ra quy định mới về quản lý cáp Internet ngầm dưới biển do lo ngại an ninh. Cơ quan này cũng xem xét việc cấm sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ đối với các công ty nằm trong danh sách bị coi "gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia", gồm Huawei, ZTE, China Telecom và China Mobile.
Bảo Lâm (theo Reuters)