Tháng 3, OpenAI công bố gọi vốn thành công 40 tỷ USD, qua đó được định giá 300 tỷ USD và trở thành công ty có vòng gọi vốn công nghệ tư nhân lớn nhất từ trước đến nay. Sản phẩm chủ lực ChatGPT thu hút khoảng 500 triệu người dùng mỗi tuần, vượt xa các mô hình AI đối thủ. Mọi chuyện rất thuận lợi với CEO Sam Altman, lúc đó cũng đang tận hưởng niềm vui chào đón con đầu lòng.
Nhưng chỉ vài tháng sau, OpenAI rơi vào vòng xoáy áp lực. Các đối thủ mạnh lên, những vấn đề nội bộ xuất hiện, và hàng loạt sự cố khiến công ty AI hàng đầu phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có.
Chiến dịch lôi kéo nhân tài của Meta
Một trong những thách thức lớn nhất đến từ Meta với chiến dịch "săn đầu người" quyết liệt, khiến nhiều kỹ sư cấp cao từ OpenAI rời đi. Giữa tháng 6, Sam Altman nói Meta đang cố lôi kéo nhân viên của mình khi đưa ra mức thưởng ký hợp đồng lên tới 100 triệu USD. Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta, phủ nhận và cho biết chỉ số ít người giữ vị trí lãnh đạo "cấp rất cao" mới có thể được đề nghị khoản tiền đó, nhưng trong các điều khoản thực tế, đây không phải số tiền mặt trao ngay lập tức.
"Tôi đang có một cảm giác mãnh liệt, giống như có người đột nhập vào nhà và đánh cắp thứ gì đó. Xin hãy tin chúng tôi không ngồi yên", Mark Chen, Giám đốc nghiên cứu tại OpenAI, viết trong thông điệp gửi nhân viên cuối tháng 6 và được Wired thu thập.
"Chúng tôi đang chủ động hơn bao giờ hết, điều chỉnh lại lương thưởng, tìm những cách sáng tạo để ghi nhận và khen thưởng nhân tài", ông nói. Thông điệp của Chen cũng có lời nhắn từ 7 lãnh đạo khác tại OpenAI với nội dung khuyến khích nhân viên ở lại.
Theo Business Insider, nhân viên OpenAI đang xử lý lượng công việc khổng lồ, một số phải làm 80 giờ một tuần. Đầu tháng này, công ty cho họ nghỉ ngơi một tuần để nạp lại năng lượng.
Thương vụ Windsurf đổ bể và mối bất hòa với Microsoft
Một trở ngại khác trong hè năm nay của OpenAI là thương vụ mua lại Windsurf, startup phát triển trợ lý lập trình AI, với giá 3 tỷ USD. Microsoft là nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI, nhưng Windsurf lại cạnh tranh trực tiếp với trợ lý ảo Microsoft Copilot. Với thỏa thuận hiện tại, thương vụ sẽ cho phép Microsoft truy cập tài sản trí tuệ của Windsurf, điều mà cả startup này lẫn OpenAI đều không muốn.
Cuối cùng, ngày 11/7, OpenAI thông báo thất bại trong việc mua lại Windsurf. CEO Varun Mohan cùng một số nhân viên khác của startup này chuyển sang Google DeepMind.
Vụ việc càng làm căng thẳng thêm mối quan hệ đang rạn nứt giữa OpenAI và Microsoft. Hai bên bất đồng không chỉ về chia doanh thu mà còn về khái niệm trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).
AGI thường được định nghĩa là hệ thống có trí thông minh bằng hoặc hơn con người. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm đạt được rất khó. Trong thỏa thuận, OpenAI và Microsoft định nghĩa AGI là khả năng các hệ thống OpenAI tạo ra lợi nhuận 100 tỷ USD và khi đó, Microsoft sẽ không còn được chia phần doanh thu. Tất nhiên, gã khổng lồ công nghệ muốn đàm phán lại điều khoản này.
Satya Nadella, CEO Microsoft, không tin tưởng vào sức mạnh của AGI như đội ngũ phát triển tại OpenAI. Ông không nghĩ AGI sẽ sớm xuất hiện và gọi đây là "hack điểm chuẩn vô nghĩa" trong một podcast hồi tháng 2.
Chậm ra mắt mô hình mới
Cuối tháng 3, Altman cho biết OpenAI chuẩn bị tung ra mô hình ngôn ngữ trọng số mở đầu tiên với khả năng suy luận nâng cao. Nhưng đến tháng 6, thời điểm hứa hẹn ra mắt, CEO này lại thông báo dời lịch đến cuối hè.
Ngày 11/7, Altman tiếp tục trì hoãn, đồng thời xin lỗi và đảm bảo với mọi người đội ngũ vẫn đang làm việc chăm chỉ. "Chúng tôi cần thời gian để tiến hành thêm các thử nghiệm an toàn và xem xét những chỗ rủi ro cao. Chúng tôi vẫn chưa chắc chắn sẽ mất bao lâu", ông chia sẻ trên X.
Trong khi đó, đối thủ xAI tung ra bản cập nhật mới cho chatbot Grok hôm 9/7, làm tăng thêm áp lực cho OpenAI.
Vướng kiện tụng vì thương vụ io
Tháng 5, OpenAI thông báo mua lại io, startup do "phù thủy thiết kế" Jony Ive đồng sáng lập, với giá 6,5 tỷ USD và lên kế hoạch hợp tác phát triển một thiết bị AI đặc biệt. Thiết bị này sẽ "vượt khỏi màn hình máy tính và điện thoại", trải nghiệm thế giới như con người, trở thành "bạn đồng hành AI".
Tuy nhiên iyO, startup tách ra từ Google, đệ đơn kiện vì cho rằng tên "io" quá giống "iyO" và io dự kiến phát triển các sản phẩm tương tự những gì iyO đã lên kế hoạch. Tòa án tạm thời yêu cầu Altman, Ive, và OpenAI ngừng sử dụng thương hiệu "io" và xóa bỏ mọi thông tin đề cập đến cái tên này.
OpenAI phủ nhận những cáo buộc trên, cho biết họ đang xem xét các lựa chọn pháp lý. Ngày 9/7, công ty tuyên bố hoàn tất thỏa thuận mua lại io, Ive sẽ tiếp tục đảm nhận việc thiết kế và sáng tạo.
Nỗ lực phát triển của OpenAI
Bất chấp sóng gió, OpenAI vẫn đang là công ty AI hàng đầu và có những động thái khiến các đối thủ lo lắng. Tháng 6, OpenAI ký hợp đồng 200 triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ để đưa AI vào các hoạt động phục vụ quân đội. Cùng tháng, công ty hợp tác với Mattel nhằm tích hợp AI trong búp bê Barbie mang tính biểu tượng của hãng này.
Reuters dẫn ba nguồn tin giấu tên cho biết, công ty lên kế hoạch tung ra trình duyệt web tích hợp AI trong vài tuần tới. Trình duyệt mới tích hợp ChatGPT và có tác nhân AI giúp người dùng thực hiện những nhiệm vụ như đặt chỗ hay điền biểu mẫu.
Trình duyệt mới sẽ trao cho OpenAI quyền truy cập trực tiếp và sâu hơn vào dữ liệu người dùng. Nếu được 500 triệu người dùng hàng tuần của ChatGPT đón nhận, trình duyệt có thể tạo ra áp lực lớn với Google Chrome. Theo công ty phân tích StatCounter, Chrome hiện có hơn ba tỷ người dùng, chiếm hơn 70% thị trường trình duyệt toàn cầu.
Thu Thảo (Theo Business Insider, Wired)