Hình ảnh tưởng như chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng vừa được ghi lại rõ nét trong một đoạn video tại tỉnh Alberta, Canada. Giới chuyên gia tin rằng đây có thể là một trong những bằng chứng hiếm hoi về hiện tượng sét hình cầu, một bí ẩn lâu đời của khoa học khí tượng.
Hiện tượng bất thường được ghi lại sau cơn giông
Trong đoạn video dài 23 giây lan truyền trên mạng xã hội, một quả cầu ánh sáng màu xanh rực bất ngờ xuất hiện và lơ lửng sát mặt đất ngay sau khi tia sét đánh xuống khu vực cách đó chưa đầy một km.
Người tình cờ ghi lại khoảnh khắc hiếm có này là bà Melinda Pardy, khi đang đứng trên hiên nhà và vô thức giơ điện thoại lên quay cảnh bầu trời sau cơn giông.
"Nhìn nó giống như tia lửa điện, nhưng đầy màu sắc và cách nó di chuyển hoàn toàn khác thường", bà Melinda kể lại trong đoạn video được phát sóng bởi đài CTV News Canada.
Theo lời nhân chứng, quả cầu ánh sáng có đường kính 1–2 mét, tồn tại khoảng gần một phút rồi biến mất kèm theo một tiếng “bụp” kỳ lạ.
Ông George Kourounis, một chuyên gia săn bão nổi tiếng, nhận định: “Nếu đây thực sự là sét cầu, thì đây là một trong những video rõ ràng và ấn tượng nhất mà tôi từng thấy”.
Mặc dù vậy, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện những ý kiến hoài nghi. Một số người cho rằng quả cầu ánh sáng trong video có thể là tia hồ quang điện phát sinh từ đường dây cao thế, nhưng theo lời cặp đôi chủ nhà, khu vực xung quanh không hề có bất kỳ đường dây điện nào.
Ông Frank Florian, giám đốc về khoa học không gian tại Trung tâm Khoa học TELUS World of Science (Canada), cho biết: "Đây chắc chắn là một hiện tượng khí tượng hiếm gặp và rất khác thường. Nó có thể là sét cầu, hoặc cũng có thể là một hiện tượng nào đó liên quan đến sét đánh".
Cầu sét: Bí ẩn chưa lời giải của khoa học
Hiện tượng cầu sét, hay sét hình cầu (ball lightning) từ lâu đã được ghi nhận qua hàng ngàn lời kể trên khắp thế giới, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có lời giải thích khoa học chính thức.
' %2F%3E%3C%2Fsvg%3E)
Một số báo cáo mô tả quả cầu sét có thể trôi nổi giữa không trung, xuyên qua cửa sổ hoặc bay lơ lửng trong phòng, với nhiều màu sắc và kích thước khác nhau. Sự đa dạng này khiến giới khoa học gặp khó khăn trong việc xác định liệu các mô tả có cùng nguồn gốc vật lý hay không.
Trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cố gắng mô phỏng hiện tượng sét cầu trong phòng thí nghiệm, tạo ra những quả cầu plasma nhằm tìm hiểu cơ chế hình thành.
Một nghiên cứu nổi bật năm 2014 tại Trung Quốc đã ghi lại được đoạn video được cho là cầu sét thực sự, xuất hiện tại thời điểm sét đánh xuống mặt đất. Kết quả phân tích cho thấy quả cầu có thể được tạo thành từ các hạt đất siêu nhỏ bị bốc hơi và phát sáng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn chưa đạt được đồng thuận trước giả thuyết này. Một số nhà vật lý khác cho rằng hiện tượng này có thể chỉ là ánh sáng bị giữ lại trong một khối khí bị nén ở áp suất cao, chứ không phải là vật chất thực sự phát sáng.
Theo
www.sciencealert.com