Một nghiên cứu mới vừa được công bố cho thấy các tín hiệu radar phát ra từ các sân bay trên Trái Đất có thể vô tình trở thành "đèn hiệu" trong vũ trụ, thu hút sự chú ý của các nền văn minh ngoài hành tinh nếu họ đang lắng nghe.
Trái Đất đang “phát sáng” trong vũ trụ?
Theo nhóm chuyên gia từ Đại học Manchester (Anh), những tín hiệu radar sử dụng trong quản lý hàng không dân sự và quân sự, như tại các sân bay quốc tế lớn O'Hare (Chicago), JFK (New York) hay Heathrow (London), có thể thoát ra ngoài bầu khí quyển và lan truyền vào không gian.
Các tín hiệu này thậm chí đủ mạnh để các kính thiên văn vô tuyến tiên tiến ngoài Trái Đất có thể phát hiện được từ khoảng cách lên đến 200 năm ánh sáng.
' %2F%3E%3C%2Fsvg%3E)
Giống như việc chúng ta tìm kiếm tín hiệu từ các hành tinh xa xôi, các chuyên gia cảnh báo rằng các tín hiệu radar rò rỉ này có thể ngược lại, đóng vai trò như một “ngọn đèn đường”, giúp người ngoài hành tinh xác định được sự tồn tại của sự sống thông minh trên hành tinh xanh.
Điều thú vị là, những tín hiệu này không chỉ thể hiện sự hiện diện của con người, mà còn phản ánh trình độ công nghệ của chúng ta.
Nếu như có một nền văn minh đủ tiên tiến, họ hoàn toàn có thể nhận ra rằng đây là tín hiệu nhân tạo, từ đó suy đoán về nguồn gốc đứng sau.
Nguy cơ bị “theo dõi” từ các hành tinh gần
Nghiên cứu đã mô phỏng về khả năng phát hiện các tín hiệu này từ một số ngôi sao gần Trái Đất, như sao Barnard (cách 6 năm ánh sáng) hay AU Microscopii (cách 31,7 năm ánh sáng).
Đặc biệt, hành tinh Proxima Centauri b, vốn chỉ cách Trái Đất 4 năm ánh sáng, có thể là "người hàng xóm" đầu tiên phát hiện ra tín hiệu của chúng ta nếu nền văn minh nơi đây cũng sử dụng kính thiên văn vô tuyến mạnh như kính Green Bank ở Mỹ.
Tuy nhiên, khả năng để xảy ra một cuộc “gặp gỡ" vẫn rất mong manh.
' %2F%3E%3C%2Fsvg%3E)
Đó là vì ngay cả khi có nền văn minh ngoài hành tinh phát hiện ra chúng ta và sở hữu tàu vũ trụ tiên tiến, thì việc di chuyển qua khoảng cách hàng năm ánh sáng vẫn là thách thức khổng lồ, có thể mất hàng ngàn năm.
Bên cạnh việc mở ra một hướng tiếp cận mới trong tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất (SETI), nghiên cứu còn có ý nghĩa thiết thực đối với công nghệ trên Trái Đất.
Qua đó, việc hiểu rõ cách tín hiệu lan truyền trong không gian sẽ giúp cải thiện thiết kế radar, đồng thời hỗ trợ bảo vệ phổ vô tuyến – một tài nguyên ngày càng khan hiếm trong kỷ nguyên số.
GS Michael Garrett, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không chỉ tìm kiếm người ngoài hành tinh. Nghiên cứu còn giúp con người hiểu rõ tác động của công nghệ lên môi trường không gian, từ đó xây dựng các hệ thống an toàn và hiệu quả hơn”.
Theo
www.space.com