Chủ động tương tác với con người
' %2F%3E%3C%2Fsvg%3E)
Trong suốt 2 thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế đã ghi nhận 34 trường hợp cá voi sát thủ (tên khoa học: Orcinus orca) chủ động cung cấp thức ăn cho con người, dẫu chúng là một trong những loài săn mồi đỉnh cao thông minh nhất đại dương.
Những món quà bất ngờ từ đại dương này bao gồm cá, mực, chim biển, hải cẩu, thậm chí cả rong biển. Các trường hợp được ghi nhận cho thấy cá voi đã chủ động tiếp cận người đang bơi, đứng trên bờ hoặc ngồi trên thuyền, rồi thả mồi trước mặt họ và chờ đợi phản ứng, với thời gian trung bình là 5 giây.
Đáng chú ý, trong hơn một nửa số lần ghi nhận, cá voi sát thủ mang cả một con mồi nguyên vẹn, thể hiện hành vi có chủ đích của chúng, chứ hoàn toàn không phải vô tình.
Trong 2/3 số lần quan sát, chúng tiếp cận đơn lẻ, nhưng đôi lúc đi theo cặp hoặc nhóm nhỏ. Chúng cũng thường thể hiện sự kiên nhẫn, thử lại nếu con người không phản hồi.
Dù cá voi sát thủ mang biệt danh "kẻ săn mồi tàn nhẫn", song chúng đồng thời được ghi nhận là loài có cấu trúc xã hội mẫu hệ phức tạp, giao tiếp bằng hệ thống âm thanh đặc trưng, và có nền văn hóa riêng biệt giữa các nhóm.
Việc chia sẻ thức ăn là hành vi thường dành cho thành viên trong đàn để gắn kết xã hội. Khi mở rộng sang con người, điều này có thể cho thấy ý định xây dựng một mối liên hệ liên loài.
Điều này đặt ra những câu hỏi thú vị: Phải chăng cá voi sát thủ đang "khảo sát" hành vi con người? Hay đó là một hình thức chơi đùa, học hỏi, hay thậm chí là biểu hiện của tình bằng hữu?
Cá voi sát thủ có thể tiến gần đến trí tuệ linh trưởng
' %2F%3E%3C%2Fsvg%3E)
Theo nhóm tác giả nghiên cứu do nhà sinh thái học Jared Towers đứng đầu, hành vi cá voi sát thủ tặng thức ăn cho con người có thể là minh chứng rõ ràng nhất cho sự "hội tụ tiến hóa về trí tuệ" giữa loài người và các loài sinh vật khác.
Đáng nói hơn, cá voi sát thủ là một trong những loài động vật có tỉ lệ kích thước não/bộ so với cơ thể lớn nhất, chỉ sau con người. Chính điều này khiến hành vi của chúng không đơn thuần là bản năng, mà có thể được hiểu như một dạng văn hóa xã hội, được truyền từ cá thể trưởng thành đến thế hệ non trẻ, tương tự như hành vi dạy con ở các loài linh trưởng.
Một yếu tố nữa có thể thúc đẩy hành vi này là do không tồn tại sự cạnh tranh tài nguyên rõ rệt giữa cá voi sát thủ và con người. Vì lẽ đó, chúng sẵn sàng "biếu tặng" phần thức ăn thừa mà không mang theo hàm ý đánh đổi lợi ích.
Nghiên cứu kết luận rằng hành vi này không chỉ phản ánh mối liên hệ tiềm năng giữa loài người và cá voi, mà còn cung cấp bằng chứng quan trọng trong lĩnh vực tâm lý học, giúp hiểu rõ hơn về sự tiến hóa trí tuệ và hành vi xã hội ở các loài ngoài linh trưởng.
Dẫu vậy ngoài cá voi sát thủ, khoa học chưa từng ghi nhận hành vi cung cấp thức ăn của động vật hoang dã dành cho con người, đặc biệt là từ một loài săn mồi có vị trí cao trong chuỗi thức ăn.
Theo
www.popsci.com