Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”

Trong buổi phỏng vấn độc quyền với chúng tôi tại Việt Nam, ông Greg "Joz" Joswiak - cánh tay phải của CEO Tim Cook cũng chia sẻ rằng việc tự thiết kế vi xử lý của riêng mình vốn là quyết định của Steve Jobs.


Có thể nói WWDC 2020 là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong lịch sử Apple khi công ty công bố sẽ chuyển đổi toàn bộ máy Mac từ bộ xử lý Intel sang Apple Silicon tự thiết kế của riêng mình.


Quyết định này đánh dấu một sự thay đổi chấn động ngành bán dẫn và mở đầu cho sự chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài gần 15 năm giữa Apple và Intel. Điều này không khỏi khiến nhiều người thắc mắc, tại sao Apple lại rời bỏ Intel. Giờ đây, chúng ta đã được nghe câu trả lời từ chính ông Greg “Joz” Joswiak, người hiện đang nắm giữ vị trí Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Marketing toàn cầu của Apple, cũng là người làm việc trực tiếp với CEO Tim Cook.


Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”- Ảnh 1.


Greg "Joz" Joswiak là Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Marketing toàn cầu của Apple, chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho CEO Tim Cook.


Kể từ khi gia nhập Apple vào tháng 6 năm 1986, ông Joswiak đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển và tung ra một số sản phẩm tiêu dùng được yêu thích nhất trên thế giới, bao gồm cả iPod và iPhone đời đầu. Ông Joswiak bắt đầu sự nghiệp của mình tại Apple khi làm việc trên các máy tính Macintosh đời đầu và hỗ trợ cộng đồng các nhà phát triển bên thứ ba của Mac.


Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm tiếp thị và quản lý tại Apple, gần đây nhất là Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Marketing toàn cầu của Apple, nơi ông quản lý nhóm marketing sản phẩm chịu trách nhiệm cho toàn bộ dòng sản phẩm của Apple. Ông tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Kỹ thuật Máy tính tại Đại học Michigan năm 1986. (Theo trang Apple.com)


Lý do Apple không dùng vi xử lý Intel trên các dòng máy Mac


Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”- Ảnh 2.

Mới đây, ông Joswiak vừa thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam và chúng tôi đã may mắn được trò chuyện cũng như phỏng vấn độc quyền ông trong dịp này.


Trong buổi trò chuyện, khi được hỏi về lý do Apple chuyển từ Intel sang chip Apple Silicon tự thiết kế, ông Joswiak đã đưa ra khá nhiều thông tin thú vị.


Có thể bạn đã biết Apple luôn là một công ty muốn quản lý nhiều nhất các quy trình trong sản phẩm của mình. Tất nhiên Mac không phải là sản phẩm đầu tiên có chip tự thiết kế của Apple, mà iPhone có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất. Những chiếc iPhone đầu tiên không sử dụng chip Apple A mà chúng ta biết, thay vào đó, các mẫu iPhone và iPod Touch được phát hành từ năm 2007 đến năm 2009 sử dụng SoC (System on a Chip - hệ thống trên chip) do Samsung thiết kế và sản xuất theo thông số kỹ thuật của Apple.


Đến năm 2010, Apple chuyển sang chip tự thiết kế đầu tiên là Apple A4, sử dụng trên iPad thế hệ đầu tiên, iPhone 4, iPod Touch thế hệ thứ tư và Apple TV thế hệ thứ hai. Đây cũng chính là nền tảng thúc đẩy Apple rời bỏ Intel và chuyển sang chip tự thiết kế.



Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”- Ảnh 3.

Steve Jobs giới thiệu chiếc iPad đầu tiên, đánh dấu việc Apple chuyển sang dùng chip tự thiết kế.



“Chúng tôi đã có quyết định này từ thuở bình minh của iPhone, rằng chúng tôi cần phải tự có những con chip của riêng mình. Đó cũng là quyết định mà Steve Jobs đã đưa ra, nếu chúng tôi mua chip giống như những người khác, thì sẽ khó để chúng tôi tạo ra khác biệt về hiệu suất của thiết bị, điều này rất quan trọng”, ông Joswiak chia sẻ. “Vì vậy, đó là lúc chúng tôi bắt đầu hành trình xây dựng Apple Silicon. Apple Silicon đó đã cung cấp sức mạnh cho iPhone, sức mạnh cho iPad và cũng như cho Apple Watch.”


Với việc Apple thiết kế cả phần mềm và vi xử lý, điều này mang lại sự tối ưu hóa tốt nhất cho sản phẩm. “Chúng tôi đã đạt được những kết quả tuyệt vời, đúng vậy, chúng tôi có những sản phẩm nhanh nhất, mạnh mẽ nhất với thời lượng pin tốt nhất trên mức dung lượng pin hoặc hiệu quả cao nhất”, ông nói. "Và thứ duy nhất trong dòng sản phẩm của chúng tôi không sử dụng Apple Silicon chính là Mac."


Apple và Intel đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài kể từ khi Apple chuyển sang sử dụng CPU Intel với MacBook Pro và iMac năm 2006, nhưng sự khác biệt trong xu hướng phát triển của cả hai dẫn đến việc chấm dứt hợp tác là không thể tránh khỏi. Những cải tiến về chip của Intel đã bị đình trệ trong khi Apple đang trên đà tăng tốc phát triển sức mạnh những dòng sản phẩm của mình.


Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”- Ảnh 4.

Apple M1 là sự chuyển mình của Apple từ sử dụng chip Intel sang tự thiết kế chip máy tính


“Và điều chúng tôi muốn nói đến ở đây là chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần. Khi phục vụ các khách hàng cần hiệu năng cao, người dùng chuyên nghiệp, thật là khó chịu khi không thể đáp ứng được nhu cầu của họ. Từ đó, chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội để làm những gì cần phải làm với các dòng sản phẩm còn lại của mình (máy Mac)”, ông Joswiak nói, “đó là một quyết định lớn!”.


Tất nhiên quá trình chuyển đổi không phải là dễ dàng, “Bạn phải chuyển đổi không chỉ các sản phẩm của mình sang (nền tảng Intel sang Apple Silicon), mà còn phải chuyển các nhà phát triển của mình sang đó, rồi chuyển người dùng của mình sang, đó là một nỗ lực rất, rất tham vọng.”


Cho đến nay sau 3 năm chuyển Mac sang chip M, Apple đã thu được trái ngọt từ quyết định của mình. Tính cho đến dòng chip mới nhất là M3 series, sản phẩm của Apple luôn được đánh giá là mang lại sức mạnh rất lớn so với điện năng tiêu thụ, đồng thời giúp Apple tạo ra những laptop mạnh mẽ nhưng vẫn có thiết kế gọn gàng.


Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”- Ảnh 5.

Apple khoe hiệu năng CPU/điện năng tiêu thụ của chip M3 so với dòng laptop PC 12 nhân khác trong sự kiện Scary Fast vừa diễn ra cuối tháng 10 vừa qua.


“Chúng tôi rất vui vì đã làm điều đó! Quá trình chuyển đổi diễn ra cực kỳ suôn sẻ và nhận được sự hỗ trợ từ các nhà phát triển. Bên cạnh đó, chúng tôi đã thực hiện một số việc để giúp các nhà phát triển dễ dàng chuyển đổi cũng như có khả năng chạy các ứng dụng cũ. Và nó đã biến đổi hoàn toàn Mac. Nó đã thay đổi mọi thứ”, ông Joswiak chia sẻ thêm. “Một số khách hàng Mac vẫn dùng máy Intel và họ chưa nâng cấp. Nhưng khi họ nâng cấp, bạn biết đấy, thật sững sờ, bởi ngay lập tức họ cảm nhận được chiếc máy này trở nên nhanh hơn biết bao. Thời lượng pin cũng dài hơn rất nhiều và không chỉ thế, nó (Apple Silicon) cho phép máy Mac có thiết kế mỏng, nhẹ hơn.”


Sử dụng chip tự thiết kế không chỉ giúp Apple mang đến dòng MacBook mỏng nhẹ mà còn là các sản phẩm để bàn như iMac, Mac Studio có sức mạnh ấn tượng nhưng vẫn giữ thiết kế gọn gàng


“Chúng tôi kiểm soát để có thể xây dựng một hệ thống hoạt động hoàn hảo từ phần cứng tới phần mềm, nhằm tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Và bạn biết đấy, Mac chưa bao giờ làm tốt hơn thế. Người dùng của chúng tôi chưa bao giờ yêu thích Mac hơn thế, điều này thật tuyệt vời đối với một sản phẩm đã gần 40 năm tuổi. Các đối thủ của chúng tôi đến rồi đi và Mac đang phát triển mạnh mẽ.”


Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”- Ảnh 6.

Mac Pro M2 Ultra đánh dấu quá trình chuyển đổi từ Intel sang Apple Silicon đã hoàn tất.


Có thể thấy Apple đã đạt được thành công lớn khi chuyển từ Intel sang chip tự thiết kế. Sau một thời gian dài chờ đợi, Apple cuối cùng đã công bố phiên bản Mac Pro mới được trang bị chip M2 Ultra vào giữa năm nay. Điều này cũng đánh dấu quá trình chuyển đổi sang Apple Silicon hiện đã hoàn tất và công ty không còn bán bất kỳ máy Mac Intel nào nữa.


Thành công này cũng kéo theo sự cạnh tranh gay gắt hơn từ Intel, đối tác cũ, nay đã là đối thủ của Apple. CEO Intel Pat Gelsinger đã cho biết Intel đang trên đà trở lại vị trí dẫn đầu, đồng thời nói thêm rằng trong tương lai, CPU của hãng sẽ mạnh mẽ và tiết kiệm năng lượng như những CPU tốt nhất trên thị trường, bao gồm cả của Apple. Nhưng có một điều không thể chối cãi, quyết định táo bạo từ bỏ Intel của Apple đã giúp thúc đẩy ngành công nghiệp chip lên một tầm cao mới, tạo ra những sự cạnh tranh gay gắt hơn để mang đến sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.


Lấy link







Pho chu tich cap cao Apple noi ve viec roi bo vi xu ly Intel: “Chip Intel chua mang lai hieu suat ma chung toi can”


Trong buoi phong van doc quyen voi chung toi tai Viet Nam, ong Greg "Joz" Joswiak - canh tay phai cua CEO Tim Cook cung chia se rang viec tu thiet ke vi xu ly cua rieng minh von la quyet dinh cua Steve Jobs.

Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”

Trong buổi phỏng vấn độc quyền với chúng tôi tại Việt Nam, ông Greg "Joz" Joswiak - cánh tay phải của CEO Tim Cook cũng chia sẻ rằng việc tự thiết kế vi xử lý của riêng mình vốn là quyết định của Steve Jobs.
Phó chủ tịch cấp cao Apple nói về việc rời bỏ vi xử lý Intel: “Chip Intel chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: