Thứ bột trắng bán dẫn không thể thiếu trên các thiết bị di động cao cấp

Bột bán dẫn Admafine, do liên doanh Toyota Motor sản xuất, đang là vật liệu không thể thiếu để tạo nên những thiết bị di động cao cấp nhất.


Một liên doanh do Toyota Motor sở hữu đa số cổ phần đã âm thầm tạo dựng tên tuổi với tư cách là nhà cung cấp vật liệu bán dẫn thiết yếu cho Apple.


Admatechs, là công ty chuyên sản xuất bột Admafine (các hạt silica hình cầu, đường kính 0,5 micron) sử dụng trong các thiết bị bán dẫn được lắp đặt trong mẫu điện thoại iPhone 15 mới ra mắt của “Nhà Táo”.


Quy trình tạo ra hạt admafine thành phẩm.

Loại bột này có nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau, song 90% doanh số phục vụ lĩnh vực chất bán dẫn, đặc biệt trên các dòng điện thoại thông minh cao cấp.


Ngay từ cuối tháng 8/2023, nhà máy của Admatechs đã phải hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm để đáp ứng đơn đặt hàng. Silicon được đưa vào những cỗ máy cao hàng chục mét và trải qua quy trình đốt nổ, làm mát, trước khi tạo ra thành phẩm dạng bột.


Khả năng chịu nhiệt cao của silica khiến Admafine trở thành thành phần không thể thiếu trong chế tạo chất bán dẫn hiệu suất cao. Bột này được trộn vào các loại nhựa dùng để bọc và bảo vệ chip, chẳng hạn như giúp ngăn ngừa phồng rộp do nhiệt.


Kimihiko Shigeno, giám đốc điều hành Admatechs cho biết, không chỉ iPhone, mà “bất kỳ điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân nào được coi là cao cấp, đều sẽ sử dụng Admafine”. Admatechs cũng đang chiếm khoảng 90% thị phần toàn cầu đối với loại bột bán dẫn này.


Rất ít người biết rằng một thành viên của tập đoàn Toyota đang sản xuất vật liệu bán dẫn tiên tiến, đủ thiết yếu để tác động đến an ninh kinh tế của các quốc gia. Đáng chú ý, Admatechs không cung ứng loại sản phầm nào cho công ty mẹ Toyota.


Phát minh tình cờ


Admafine được tạo ra một cách tình cờ, từ một vụ tai nạn phòng thí nghiệm. Năm 1984, Chủ tịch Admatech Susumu Abe, khi đó là nhân viên của Toyota, đang thử nghiệm silicon để phát triển động cơ thế hệ tiếp theo tiết kiệm nhiên liệu cao. Một lỗi đo lường đã dẫn đến một vụ nổ, khiến phòng thí nghiệm nhỏ bé của ông tràn ngập khói trắng.


Chủ tịch Admatech Susumu Abe (bên phải) phát minh ra Admafine từ một vụ nổ phòng thí nghiệm. Ảnh: NikkeiAsia.

Khi Abe sử dụng kính hiển vi điện tử để quan sát chất bột chất đống trên bàn sau vụ nổ, ông đã bị mê hoặc bởi tính đồng nhất và độ tròn của các hạt. Những hạt sau này trở thành Admafine.


“Tôi nghĩ nó có thể được sử dụng vào việc gì đó nhưng tôi không biết để làm gì”, Abe nhớ lại. Vài năm sau, nó thu hút sự chú ý của Shin-Etsu Chemical như một vật liệu bán dẫn.


Admatechs được thành lập vào năm 1990, với phần lớn vốn đầu tư từ Toyota và phần còn lại từ Shin-Etsu Chemical, đây là liên doanh nội bộ đầu tiên của hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản. Khi đó, thị trường vốn phổ biến các loại silica thương mại, song không có sản phẩm nào đạt được độ nhỏ như Admafine.


Nhu cầu đối với loại bột bán dẫn này tăng lên nhanh chóng, cùng với sự phổ biến của máy tính cá nhân và điện thoại di động. Công ty gần đây đã nhận được đơn đặt hàng từ các trung tâm dữ liệu và dự kiến doanh số bán hàng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, với sự bùng nổ của ô tô tự hành.


Mặc dù doanh số công ty giảm trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2023 do nhu cầu bán dẫn toàn cầu suy yếu, song tỷ suất lợi nhuận sau thuế của mắt xích bán dẫn này vẫn đạt ít nhất 10% đến 20% trong suốt 5 năm qua.


(Theo Nikkei Asia)


Thấy gì từ tham vọng bán dẫn của Ấn Độ?

Thấy gì từ tham vọng bán dẫn của Ấn Độ?

Bước vào sân chơi bán dẫn quy mô toàn cầu, Ấn Độ cũng phải đối mặt những bài toán lớn, từ kinh nghiệm đúc chip, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho đến nhân lực chuyên môn.
Mỹ thúc giục toàn ngành công nghiệp bán dẫn ‘quay lưng’ với Trung Quốc

Mỹ thúc giục toàn ngành công nghiệp bán dẫn ‘quay lưng’ với Trung Quốc

Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ sẽ có cuộc họp với Hiệp hội bán dẫn nước này nhằm thuyết phục toàn ngành công nghiệp hạn chế đầu tư sang đối thủ của Washington.