Thị trường đầy tiềm năng
Mới đây, QD.TEK – công ty công nghệ của Việt Nam thuộc Tập đoàn GREENFEED đã chính thức công bố việc hợp tác với hãng Wasabi Technologies (Boston, Mỹ) - công ty chuyên cung cấp dịch vụ Lưu trữ hiệu suất cao trên Cloud cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo QD.TEK và Wasabi, đây là giải pháp hiệu quả dành cho các doanh nghiệp, tổ chức có ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), IoT, phân tích dữ liệu, viễn thông, giám sát an ninh, truyền thông giải trí đa phương tiện, và những ngành đang có nhu cầu ngày càng tăng về lưu trữ đám mây với giá phải chăng do tốc độ tăng trưởng dữ liệu ngày càng cao.
Theo báo cáo của trung tâm nghiên cứu Statista.com, quy mô thị trường Lưu trữ trên Cloud toàn cầu sẽ tăng từ 84 tỷ USD vào 2021 lên tới 370 tỷ USD vào 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22%/năm.
Tuy nhiên trên thế giới, và cả tại Việt Nam, hơn một nửa thị phần đang thuộc về tay các ông lớn bao gồm Amazon Web Service (AWS), Google, Microsoft và Alibaba. Giá thành cho các giải pháp lưu trữ do đó cũng đang được định đoạt bởi những tên tuổi này.
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, ông Đặng Thạch Quân, Tổng giám đốc QD.TEK cho rằng: Google, Amazon, Alibaba, Huawei, Tencent… đang chiếm tới 80% thị phần cloud Việt Nam.
“Bây giờ làm sao để các đơn vị cloud nội địa có thể lấy lại được thị phần?”, ông Quân tự hỏi.
Câu trả lời là hợp tác với “người khổng lồ” như Wasabi.
“Trên thị trường lưu trữ, doanh nghiệp phải đầu tư hàng triệu, hàng trăm triệu T-byte mới có giá hợp lý, giá rẻ như những doanh nghiệp nước ngoài. Làm sao 1 doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư hàng triệu T-byte được? Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có cuộc chơi toàn cầu nên họ mới có được giá thấp cho khách hàng”, ông Quân nói.
Do đó, việc doanh nghiệp Việt hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài như Wasabi có thể đưa giá dịch vụ lưu trữ xuống mức “vô cùng thấp”, chưa kể là không có chi phí ẩn.
“Như vậy mới lấy lại được khách hàng ra khỏi các ông lớn kia”, lãnh đạo QD.Tek chia sẻ và cho rằng cần đứng trên vai người khổng lồ để cạnh tranh với những người khổng lồ khác, chứ không phải ngồi chờ may mắn.
Vì thế, ông Đặng Thạch Quân gọi Wasabi là “game changer” – “người thay đổi cuộc chơi”, nhờ mang đến giải pháp hiệu suất cao với chi phí thấp hơn hẳn.
Những bước chân đầu tiên của doanh nghiệp Việt
Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Michael King, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Wasabi tại Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Theo dữ liệu từ năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất về Data Center (trung tâm dữ liệu) vì có ít thiên tai, nền kinh tế - xã hội - chính trị ổn định. Việt Nam là điểm đến lý tưởng và là thị trường tiềm năng trên thế giới để đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu”.
Đồng thời, Việt Nam đang là một trong các quốc gia thu hút nguồn vốn FDI lớn hàng đầu khu vực, có các ngành công nghệ thông tin, công nghiệp sản xuất phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu về lưu trữ, sao lưu dữ liệu được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Ví dụ, một nhà máy có 32 camera giám sát an ninh ghi hình liên tục cần 480TB/năm…
Chi phí lưu trữ - sao lưu dự phòng cũng chính là một trong các vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu… Bởi việc đầu tư và vận hành, quản lý sự tăng trưởng dữ liệu trở nên quá tốn kém và phức tạp.
Trong khi đó, công ty có trụ sở tại Boston khẳng định cung cấp cho khách hàng giải pháp lưu trữ đám mây nhanh chóng, an toàn, dễ mở rộng, đơn giản và rõ ràng, loại bỏ tất cả các khoản phí không nêu rõ như phí truyền tải dữ liệu, xử lý và lệnh gọi API được tính bởi các nhà cung cấp khác. Ngoài ra, độ bền dữ liệu được đảm bảo ở mức 99,999999999%, độ bảo mật cao nhờ cơ chế mã hóa, định danh và quản lý truy cập, xác thực đa yếu tố.
Cụ thể, chi phí lưu trữ 1TB dung lượng/tháng công bố của Wasabi là 9,9 USD/tháng (cố định) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi của AWS khoảng 25++ USD/tháng, Google khoảng 23++ USD/tháng, Azure Blob khoảng 20++ USD/tháng, và Alibaba khoảng 17++ USD/tháng. Tại Việt Nam, giá của Wasabi cũng vẫn cố định tại mức 9,9 USD/TB/tháng, và không có thêm chi phí ẩn khác.
Ông Đặng Thạch Quân nói thêm: Hiện chúng tôi đang trong quá trình xây dựng Trung tâm dữ liệu chuẩn quốc tế cao nhất tại khu công nghệ cao TP.HCM. Chúng tôi liên doanh với NTT của Nhật Bản để xây dựng. Chúng tôi sẽ là 1 trong số gần 200 trung tâm dữ liệu của NTT đang hoạt động trên toàn cầu. Chúng tôi mong muốn mang đến những dịch vụ công nghệ thông tin chất lượng và lợi ích của một trung tâm dữ liệu đẳng cấp quốc tế đến với khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng của thị trường ngày càng cao.
Theo các chuyên gia, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam để đầu tư. Nhu cầu lưu trữ dữ liệu không chỉ đến từ doanh nghiệp Việt mà còn đến từ doanh nghiệp nước ngoài - những người sẽ tham gia chuỗi sản xuất tại Việt Nam, kéo theo thị trường lưu trữ dữ liệu gia tăng. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt tham gia vào mảng kinh tế rất mới này.
Đô Lương