Lừa đảo qua điện thoại và trực tuyến nở rộ, Trung Quốc thực hiện “bàn tay thép”

Lừa đảo qua điện thoại và trực tuyến là vấn nạn tại Trung Quốc khiến nước này phải "tức tốc" thông qua bộ luật làm hành lang pháp lý trong trấn áp và ngăn chặn hoạt động của kẻ xấu.


Theo số liệu của Bộ Công an Trung Quốc tính đến tháng 7/2022, nước này đã xử lý 594.000 vụ lừa đảo qua mạng và điện thoại. Trước đó, trong năm 2021, chính quyền ngăn chặn âm mưu lừa đảo 1,5 triệu người chuyển tổng số tiền 329,1 tỷ NDT (47,5 tỷ USD).


Những kẻ lừa đảo thường làm việc theo nhóm, sử dụng kịch bản được chuẩn bị sẵn để lấy lòng tin nạn nhân thông qua trò chuyện trực tuyến, trước khi lôi kéo họ vào các sản phẩm đầu tư “có vẻ hợp pháp”, thường là tiền điện tử.


Việc thiếu hành lang pháp lý ngăn chặn rò rỉ thông tin cá nhân, cũng như lỗ hổng quản lý trước đó cho phép nhà khai thác viễn thông bán SIM mà không cần kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, đã giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng “lộng hành”. Những vi phạm của kẻ xấu gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, thậm chí còn dẫn đến một số vụ tự tử.


SIM không "chính chủ" là một nguyên nhân dẫn đến nạn lừa đảo trực tuyến nở rộ.

Tháng 12/2022, Bắc Kinh thông qua luật chống lừa đảo điện thoại và gian lận trực tuyến, trao quyền cho cơ quan thực thi truy bắt đối tượng tình nghi ở nước ngoài, đồng thời yêu cầu các công ty viễn thông và ngân hàng cùng vào cuộc truy vết những kẻ lừa đảo.


Tràn ngập hình thức lừa đảo trực tuyến


Tân Hoa Xã cho biết, tính đến năm 2016, các vụ lừa đảo điện thoại có tốc độ gia tăng hàng năm từ 20% đến 30%. Xie Ling, thành viên của nhóm nghiên cứu về gian lận viễn thông tại Trường Điều tra Hình sự của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Nam nhận định, nạn lừa đảo trực tuyến tràn lan có nguyên nhân một phần do hình phạt chưa đủ mạnh.


Kể từ năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát kéo theo nền kinh tế suy yếu, các vụ lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng. Do đó, Trung Quốc đã từng bước xây dựng chiến lược trấn áp đi đôi với phòng ngừa, trong đó ngăn chặn là trọng tâm.


Cũng trong năm 2020, toàn Trung Quốc có gần 1 triệu vụ lừa đảo điện thoại và Internet, gây thiệt hại 35,37 tỷ NDT, dẫn đến 361.000 nghi phạm bị bắt giữ. Các gian lận không chỉ liên quan việc lừa đảo chuyển tiền, mà còn bao gồm hoạt động mua bán thông tin cá nhân, buôn lậu người, giả mạo tài liệu cũng như các hành vi khác.


Lừa đảo trực tuyến trở thành thách thức với các quốc gia trong kỷ nguyên số.

Caixin (chuyên trang tài chính và kinh tế Trung Quốc) cho hay thị trường thông tin ngầm đang phát triển rất mạnh, thu thập mọi loại dữ liệu cá nhân như số căn cước, địa chỉ doanh nghiệp, thậm chí cả dữ liệu của cơ quan nhà nước, sau đó bán cho các nhà tiếp thị mục tiêu và những kẻ lừa đảo. Chẳng hạn, một nguồn tin nói rằng anh ta có thể cung cấp mọi loại thông tin, trong đó có danh sách liên hệ các giáo sư đại học, ID và số điện thoại các công dân lớn tuổi - một trong những đối tượng dễ tổn thương trước lừa đảo trực tuyến nhất.


Chưa dừng lại, những kẻ lừa đảo còn sử dụng thiết bị làm gián đoạn và giả mạo tín hiệu viễn thông, cho phép chúng thay đổi ID người gọi đánh lừa nạn nhân rằng cuộc gọi là chính thức. Ngoài ra, kẻ xấu cũng dùng phần mềm phát tán tin nhắn văn bản hàng loạt dưới danh nghĩa các nhà mạng, ngân hàng hay tổ chức.


Chiến dịch “bàn tay thép”


Vào năm 2020, Bắc Kinh phát động “chiến dịch phá thẻ” trên toàn quốc nhằm trấn áp các giao dịch và bán thẻ ngân hàng bất hợp pháp. Theo đó, những SIM điện thoại di động và thẻ ngân hàng không đăng ký chính chủ sẽ bị huỷ dịch vụ.


Đến đầu năm 2021, Trung Quốc tiếp tục đưa ra chính sách khoan hồng, cho phép các công dân đang sinh sống ở khu vực biên giới với Myanmar, trong đó có nhiều người tham gia đường dây lừa đảo trực tuyến và điện thoại, trở về trước thời hạn.


Người già và thanh thiếu niên là nhóm dễ bị tổn thương trước hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Gần đây, các băng nhóm tội phạm Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các nước ở Đông Nam Á như Myanmar, Lào và Thái Lan. Chúng tuyển dụng công dân Trung Quốc bằng lời mời “lương cao” và đưa người trái phép qua biên giới, sau đó giam giữ nạn nhân ở nước ngoài và lạm dụng họ.


Quy định mới cũng yêu cầu ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet tham gia thu thập thông tin về các hoạt động lừa đảo tiềm ẩn và có biện pháp đối với từng mức độ rủi ro. Chẳng hạn, cảnh sát có thể yêu cầu ngân hàng từ chối giao dịch hoặc đóng băng tài khoản khi xác định các nạn nhân tiềm năng sẽ hoặc đã chuyển tiền cho kẻ xấu.


Trong khi đó, luật bắt buộc các cơ sở giáo dục dân sự phải xây dựng chương trình nâng cao nhận thức cho nhóm dễ bị tổn thương như người già và thanh thiếu niên.


Đối với việc ngăn chặn hoạt động lừa đảo từ nước ngoài nhắm vào công dân trong nước, Bắc Kinh cho phép cơ quan quản lý xuất nhập cảnh áp dụng lệnh cấm xuất cảnh với các trường hợp đến những “điểm đen” về lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài hoặc đối với những đối tượng bị xác định có dính líu đến lừa đảo điện thoại hay trực tuyến trong thời gian ở nước ngoài.


(Theo Nikkei Asia)


Lừa đảo qua điện thoại và trực tuyến nở rộ, Trung Quốc thực hiện “bàn tay thép”

"Kẻ xấu dùng tới 195 hệ thống để lừa người dùng cài app giả mạo"

Theo chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, số người dùng bị lừa cài phần mềm giả mạo sau đó bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng. Hiện đã có người bị mất cả tỷ đồng bởi hình thức lừa đảo này.
Cảnh báo nạn lừa đảo

Cảnh báo nạn lừa đảo "bán lỗ" vé online buổi biểu diễn BlackPink

Lợi dụng tâm lý hâm mộ thần tượng, nhiều kẻ lừa đảo đang tìm cách bán giả vé xem buổi biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink trên các trang mạng xã hội.