PTIT mở rộng đào tạo ngành tự động hóa định hướng robot và trí tuệ nhân tạo

Năm 2023 là năm đầu tiên cơ sở Hà Nội của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT tuyển sinh và đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa theo định hướng robot và trí tuệ nhân tạo.


Theo Bộ TT&TT, thời gian gần đây, phát triển nhân lực số đã được triển khai theo hướng tập trung, nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng. Một kết quả đột phá là các trường đại học số, người học có thể học và thi trực tuyến, có thể sử dụng học liệu số được cá nhân hóa, có thể được hỗ trợ học tập bởi trí tuệ nhân tạo.


Trong báo cáo sơ kết tình hình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT cho biết, về nhân lực số, Bộ GD&ĐT đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học gồm: Khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, công nghệ giáo dục và công nghệ tài chính. Theo thống kê, số lượng tuyển sinh đào tạo kỹ sư, cử nhân về máy tính và CNTT năm 2022 đạt 70.000, tăng 16% so với năm 2021.


Trao đổi với VietNamNet trước đó về nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT tại Việt Nam, Phó Giám đốc của Navigos Search miền Bắc Nguyễn Thị Thu Giang dự báo rằng, thời gian tới ngành CNTT vẫn sẽ duy trì được sức nóng để phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam.


Đại diện Navigos Search miền Bắc cũng nhận định, thị trường lao động ngành CNTT Việt Nam vẫn đang thiếu một số lượng lớn nhân sự chất lượng có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, nhất là trong các lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và an toàn thông tin.


Năm 2023, PTIT tuyển sinh 145 sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa theo định hướng robot và trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Như Ý)

Là đơn vị nghiên cứu và đào tạo trực thuộc Bộ TT&TT, thời gian qua, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT đã liên tục mở các ngành, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu nhân lực trong kỷ nguyên số. Riêng trong năm 2023, cùng với việc mở tuyển sinh và đào tạo 2 chương trình mới là Kỹ thuật dữ liệu và CNTT định hướng ứng dụng, PTIT cũng quyết định mở rộng tuyển sinh ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá theo định hướng robot và trí tuệ nhân tạo cho cả các sinh viên sẽ theo học tại cơ sở đào tạo Hà Nội của trường.


Cụ thể, theo thông báo mới của PTIT, năm 2023, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa theo định hướng robot và trí tuệ nhân tạo có mã ngành “7520216” sẽ tuyển sinh 60 chỉ tiêu tại cơ sở Hà Nội, bên cạnh 85 chỉ tiêu ngành này tại cơ sở TP.HCM của trường.


Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá theo định hướng robot và trí tuệ nhân tạo được PTIT mở từ năm 2020 và trong 2 năm qua chỉ tuyển sinh và đào tạo tại cơ sở TP.HCM. Ngành này tập trung vào cung cấp các kiến thức cơ – điện tử, thiết kế, lập trình robot, các lý thuyết điều khiển hiện đại, các giải pháp ứng dụng học sâu, trí tuệ nhân tạo giúp robot và các thiết bị điều khiển thông minh hơn.


Đại diện PTIT cho biết, để xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa theo định hướng robot và trí tuệ nhân tạo, Học viện đã hợp tác với một số trường đại học tại Nhật Bản để mang lại những điều khác biệt cho sinh viên, trong đó có Đại học Guma - trường đại học hàng đầu về lý thuyết điều khiển và thiết kế, chế tạo robot tại Nhật Bản.


Mùa tuyển sinh năm nay, các thí sinh có nhu cầu theo học chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá theo định hướng robot và trí tuệ nhân tạo của PTIT ở cả cơ sở Hà Nội và TP.HCM sẽ đăng ký xét tuyển theo các tổ hợp môn A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh).


Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của PTIT năm 2023 là 4.345 sinh viên cho cả 2 cơ sở đào tạo Hà Nội và TP.HCM, với 16 ngành, chương trình đào tạo.


Đáng chú ý, năm nay Học viện dự kiến dành hơn 53 tỷ đồng cho quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên cho 5 nhóm đối tượng, trong đó có sinh viên đầu vào có thành tích cao. Với mục tiêu thu hút nhân tài, PTIT có chính sách học bổng đặc biệt dành cho sinh viên đầu vào, với tổng trị giá lên đến 8 tỷ đồng. Trong đó, có 30 suất học bổng toàn phần trong toàn khóa học có tổng trị giá khoảng 3 tỷ đồng.


Học viện cũng tiếp tục duy trì chính sách học bổng cho các thí sinh đạt thành tích cao: Học bổng miễn 100% học phí năm học thứ nhất với tối đa 100 suất cho các thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia hoặc thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố các môn Toán, Lý, Hóa và Tin học hoặc đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; học bổng 50% học phí năm thứ nhất với tối đa 300 suất cho các thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.


PTIT mở rộng đào tạo ngành tự động hóa định hướng robot và trí tuệ nhân tạo Cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực sốBồi dưỡng kiến thức online qua nền tảng học trực tuyến là một cách tiếp cận mới trong việc bồi dưỡng kỹ năng số, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số.