Chuyển đổi số để trung du và miền núi “đi sau”, nhưng “đuổi kịp, tiến cùng”

Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc cần đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, đưa nông, lâm sản lên sàn thương mại điện tử và số hoá chuỗi cung ứng xuất khẩu.


Chuyển đổi số phải phù hợp đặc thù, lợi thế của địa phương


Tại Hội thảo “Thúc đẩy Chuyển đổi số khu vực trung du và miền núi phía Bắc” vừa tổ chức sáng 9/6, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, kết quả chuyển đổi số của Việt Nam hiện đang ở bước đầu. Theo định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số.


Đối với khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trong 2 năm 2020-2021, số liệu của Cục Chuyển đổi số Quốc gia ghi nhận, giá trị trung bình Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của khu vực này cao hơn trung bình cả nước. Theo đó, chỉ số DTI của khu vực trung du và miền núi phía Bắc năm 2020 cao hơn giá trị trung bình cả nước là 0,016 và năm 2021 là 0,0069.


Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc so với trung bình cả nước.

Đánh giá về mức độ chuyển đổi số, đại diện Cục Chuyển đổi số Quốc gia cho hay, giá trị cả 3 trụ cột chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại khu vực này năm 2021 đều tăng so với năm 2020. Cụ thể, chính quyền số tăng 0,0586, kinh tế số tăng 0,1574 và xã hội số tăng 0,1107.


Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực được đánh giá có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nhiều di sản văn hóa đặc sắc, với hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống.


Các tỉnh phía Bắc cũng sở hữu nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn như di tích chiến trường Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Thác Bản Giốc, Hang Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng), Cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang), Khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Cây đa Tân Trào và An toàn khu ATK (tỉnh Tuyên Quang), Khu ATK Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên), Sapa (tỉnh Lào Cai)... Đây là những điều kiện để các địa phương phát triển du lịch.


Ông Nguyễn Phú Tiến cho biết, trong chuyển đổi số, sẽ không thể có một hình mẫu chung, do đó, các tỉnh cần tìm những cách làm phù hợp với đặc thù, lợi thế của địa phương mình.


Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia.

Để thúc đẩy chuyển đổi số các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Cục Chuyển đổi số Quốc gia khuyến nghị, các tỉnh cần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch trong khu vực. Chuyển đổi số du lịch không còn chỉ là thắng cảnh, danh lam, mà quan trọng hơn là trải nghiệm của khách du lịch.


Bên cạnh đó, các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc cũng nên phát triển đặc thù riêng theo thế mạnh của địa phương mình. Đó là các mô hình nông nghiệp - lâm nghiệp thông minh, đưa các sản phẩm nông, lâm sản lên sàn thương mại điện tử và số hoá chuỗi cung ứng xuất khẩu.


Kinh nghiệm, bài học từ các mô hình chuyển đổi số


Tại Hội thảo, đại diện một số tỉnh cũng đã chia sẻ một số cách làm hay trong việc triển khai các mô hình thí điểm chuyển đổi số tại địa phương mình. Đây là những bài học kinh nghiệm để nhiều địa phương khác tham khảo trong quá trình chuyển đổi số.


Theo ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái, chuyển đổi số là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác. Do vậy, Yên Bái rất quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và huy động hệ thống chính trị các cấp và toàn dân làm chuyển đổi số.


Yên Bái đang vận hành cùng lúc nhiều mô hình chuyển đổi số hoạt động của người dân và chính quyền các cấp. Ảnh: Vân Anh

Cách làm của Yên Bái là triển khai đồng bộ, làm từ trên xuống, xác định các thể chế về chuyển đổi số, sau đó triển khai thực hiện, xây dựng củng cố hạ tầng, đặc biệt là nền tảng cơ bản về chuyển đổi số. Điển hình là các hạ tầng như Trung tâm dữ liệu tập trung Data Center của tỉnh, trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng (SOC)…


Ở chiều ngược lại, với phương pháp từ dưới lên, các mô hình chuyển đổi số tại Yên Bái thực hiện theo nguyên tắc “3 được”: Nhìn được, sờ được và nắm được.


Về cơ bản, các mô hình chuyển đổi số tại Yên Bái còn được thực hiện theo kiểu “vết dầu loang”. Đầu tiên là đánh giá thực tiễn vấn đề, xây dựng mô hình chuyển đổi số ở phạm vi, quy mô phù hợp, sau đó tổ chức thí điểm triển khai, đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.


Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương mình, Phạm Tất Thành, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai cho hay, là một tỉnh có thế mạnh về du lịch, Lào Cai đã tích cực triển khai chuyển đổi số ngành du lịch, áp dụng công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.


Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai. Đây là địa phương đang rất tích cực chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

Lào Cai hiện đã có bản đồ du lịch số và ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone. Địa phương này cũng có cả hướng dẫn viên ảo, số hóa dữ liệu để tự động trả lời du khách bằng 2 ngôn ngữ Việt, Anh thông qua chatbot tự động 24/24h, ở cả dạng âm thanh và chữ viết trên cổng du lịch và các mạng xã hội.


Theo ông Phạm Tất Thành, Lào Cai đã ứng dụng công nghệ số trong việc thống kê du khách. Các dữ liệu này có thể được phân loại theo nhu cầu, thói quen, số lượng, độ tuổi, giới tính, địa điểm, mức chi tiêu, thời gian lưu trú, thời gian chuyến du lịch,..., từ đó phục vụ cho công tác quản lý và xúc tiến du lịch. Tỉnh này cũng đã ứng dụng công cụ kỹ thuật để đánh giá chất lượng, mức độ hài lòng của du khách đối với sản phẩm và dịch vụ du lịch.


Không chỉ vậy, trong quá trình chuyển đổi số ngành du lịch, Lào Cai còn xây dựng các tour tham quan, điểm tham quan ảo và các chuyến du lịch tương tác để phục vụ du khách. Hoạt động xúc tiến du lịch trên các kênh truyền thông số cũng được quan tâm đẩy mạnh.


Cách Hải Phòng nâng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến từ 18% lên trên 94%

Cách Hải Phòng nâng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến từ 18% lên trên 94%

Với cách làm khác biệt là tính toán cụ thể thực trạng từng đơn vị để giao chỉ tiêu trong tổng thể giải pháp đồng bộ, quyết liệt và liên tục, Hải Phòng đã vượt mục tiêu về phát triển dịch vụ công trực tuyến.
Vĩnh Phúc đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số đến tận tuyến huyện

Vĩnh Phúc đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số đến tận tuyến huyện

Vĩnh Phúc vừa khai giảng khóa học đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến cấp huyện.