“Nóng” chuyện chuẩn hóa thuê bao và sai phạm của TikTok tại Việt Nam

Thực hiện chuẩn hóa thuê bao và nhiều sai phạm TikTok làm ảnh hưởng đặc biệt đến giới trẻ, là vấn đề được quan tâm tại buổi họp báo định kỳ do Bộ TT&TT tổ chức.


Bộ TT&TT tổ chức họp báo định kỳ tháng 4/2023. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Chiều ngày 6/4/2023, Bộ TT&TT tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, ngành TT&TT trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.


Thúc đẩy dữ liệu số, đưa doanh nghiệp tiến quân ra nước ngoài


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xác định năm 2023 là năm về dữ liệu số Việt Nam, Bộ TT&TT đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia”, với chủ đề của năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Theo đó, chủ yếu tập trung vào các nội dung như phát triển dữ liệu mở, phát triển cơ sở dữ liệu, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương.


Điểm nổi bật trong hoạt động của Bộ TT&TT năm 2023 là khởi động chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài, hoặc đi ra nước ngoài để “mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi mở cõi”, mở rộng cơ hội, không gian hoạt động, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Mở đầu cho chiến dịch này, ngày 23/2/2023 Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”. Tại Hội nghị, Bộ đã chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”, nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.


Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4/2023, Bộ TT&TT sẽ tiếp thu ý kiến xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Bộ TT&TT cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án chuyển hướng hỗ trợ thiết bị cho các học sinh, sinh viên hộ nghèo tiếp cận thông tin từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và phương án thực hiện nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.


Trong thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử tổng hợp, báo hoá mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hoá báo chí. Bên cạnh đó, triển khai Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 tại Thừa Thiên Huế.


Hoạt động chuẩn hoá thông tin thuê bao được ủng hộ


Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đến hết 31/3/2023, với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông suốt 2 tuần qua, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao đã có 2,17 triệu thuê bao (chiếm 56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo. Những thuê bao chưa thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều.


Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông trình bày về chuẩn hóa thông tin thuê bao. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Kết quả của đợt chuẩn hóa lần này cho thấy, người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin chính chủ của mình. Hoạt động chuẩn hóa thông tin thuê bao được người sử dụng ủng hộ, được các cơ quan truyền thông trung ương, địa phương thường xuyên đưa các tin bài, hướng dẫn người sử dụng. Các Sở TT&TT trên cả nước đã chỉ đạo hoạt động truyền thông và giám sát việc thực hiện. Các doanh nghiệp di động đã triển khai tính năng chuẩn hóa thông tin thuê bao trên ứng dụng của điện thoại thông minh, trang web; mở thêm giờ tại các điểm giao dịch đông khách hàng, tăng cường nhân lực chăm sóc khách hàng, cá thể hóa việc chăm sóc khách hàng để tạo điều kiện, đảm bảo thông tin đầy đủ và ít ảnh hưởng nhất tới người sử dụng.


Tại buổi họp báo này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ đã ký văn bản đề nghị thanh tra trên diện rộng việc quản lý thuê bao gửi các tỉnh thành và sở TT&TT. Đây là động thái mạnh mẽ của Bộ TT&TT để giải quyết vấn nạn SIM rác gây hệ lụy cho xã hội.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

TikTok đang gây ảnh hưởng xấu cho xã hội


Về liên quan đến sai phạm của TikTok thời gian qua, phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, trong thời gian vừa qua, rất nhiều thông tin độc hại đến người dùng đã được lan truyền trên nền tảng này. Nội dung trên TikTok đã bị nhiều quốc gia đánh giá là nguy hại. TikTok không có biện pháp ngăn chặn những quảng cáo sai sự thật, tràn lan hàng giả hàng nhái… Bên cạnh đó, TikTok còn tổ chức các thần tượng sáng tạo nội dung, nhưng lại không quản lý chặt chẽ, để cho đối tượng này cung cấp nội dung lệch lạc, độc hại nhảm nhí, thiếu văn hóa nhắm đến phần "con" của người xem, làm lệch chuẩn cho giới trẻ.


"TikTok đang lan truyền những clip phim vi phạm bản quyền. Do sự quản lý yếu kém lỏng lẻo của TikTok dẫn đến tin sai sự thật rất nhiều, ví dụ tin giả liên quan đến Covid, thông tin mê tín dị đoan, hạ thấp danh dự nhân phẩm người Việt, có nội dung gây nguy hại cho trẻ em", ông Lê Quang Tự Do nói.


Ông Lê Quang Tự Do cho biết, đây là những hành vi bị cấm và các nền tảng xuyên biên giới phải gỡ bỏ. Hiện Bộ TT&TT đã làm việc với các nền tảng xuyên biên giới để gỡ nội dung phản động và vi phạm pháp luật. Bộ đã có công cụ phát hiện những nội dung độc hại trên nền tảng xuyên biên giới, sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ về pháp lý. Cụ thể về kinh tế, các đại lý, trung gian thanh toán, doanh nghiệp không được quảng cáo, kinh doanh trên nền những tảng xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam. Điều này bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật trong nước.


Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, rất nhiều thông tin độc hại đến người dùng đã được lan truyền trên nền tảng TikTok. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chúng ta cùng truyền đi thông điệp làm lành mạnh trên môi trường mạng. Hiện nay trẻ em tiếp cận quá dễ dàng nội dung trên môi trường mạng, nhưng lại có nhiều thông tin xấu độc. Vì vậy, cả xã hội cùng bảo vệ trẻ em trên môi trường này.


"Để ngăn chặn các nền tảng xuyên biên giới, các kênh xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam, chúng ta sẽ đi theo phương án chặn dòng tiền trên không gian mạng để không chảy về nội dung xấu độc. Các doanh nghiệp không đưa dòng tiền của mình vào các nội dung xấu độc. Các nền tảng xuyên biên giới và các kênh xấu độc đang để người xem có thể cho tặng vào các kênh có nội dung phản cảm, lệch chuẩn, nên sẽ phải xem xét lại việc hợp tác từ các kênh thanh toán của Việt Nam đến các nền tảng này. Các cơ quan truyền thông sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sai phạm để xử lý, làm lành mạnh môi trường mạng. Bộ TT&TT đánh giá công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để tạo nhận thức chung của cộng đồng cùng chung tay làm sạch môi trường mạng", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.


Bộ TT&TT: TikTok có nội dung phản cảm, lệch chuẩn, chống phá Đảng và Nhà nước

Bộ TT&TT: TikTok có nội dung phản cảm, lệch chuẩn, chống phá Đảng và Nhà nước

Bộ TT&TT sẽ có một đoàn kiểm tra liên ngành vào tháng 5/2023 để thanh tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam, trước những hành vi vi phạm của nền tảng này.
Hơn 65.000 lượt tra cứu tên miền website nhằm phòng chống lừa đảo

Hơn 65.000 lượt tra cứu tên miền website nhằm phòng chống lừa đảo

Sau 1 tháng đưa vào vận hành hệ thống tra cứu thông tin tên miền qua đầu số 156 hoặc website tracuutenmien.gov.vn giúp người dân nhận diện và phòng ngừa các hành vi lừa đảo, VNNIC ghi nhận đã có 65.040 lượt tra cứu. Bộ TT&TT đề nghị bỏ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Bộ TT&TT đề nghị bỏ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Ngành game Việt Nam còn rất non trẻ, giá trị doanh thu nhỏ. Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ phát triển ngành này thay vì áp thuế tiêu thụ đặc biệt game online.