Startup Việt: Tìm người phù hợp rất khó, nhưng không thể hạ thấp tiêu chuẩn

Nhà sáng lập công ty startup khẳng định chất lượng nhân sự là vấn đề cốt yếu, do đó buộc phải tìm được đúng người đáp ứng tiêu chuẩn cho dù việc tuyển dụng khó khăn thế nào.


Bizzi, một công ty khởi nghiệp của Việt Nam, sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để tự động hoá các quy trình của bộ phận kế toán. Ở thời điểm nhận được 3 triệu USD đầu tư vòng Pre-Series A hồi năm ngoái, công ty khởi nghiệp này phục vụ hơn 100 khách hàng lớn bao gồm Grab, GS25, Circle K, Tiki, Guardian, Medicare, Pharmacity, cùng hơn 4.000 nhà cung cấp. 


Mới đây, nhà đồng sáng lập Nguyễn Bảo Nguyên, đồng thời là Giám đốc công nghệ của công ty, đã có buổi trao đổi với bà Priya Lakshmi, Trưởng phòng kinh doanh khởi nghiệp của AWS (Amazon Web Services) khu vực ASEAN. Cả hai chia sẻ về văn hoá sáng tạo của doanh nghiệp và những tương đồng trong quá trình khởi nghiệp giữa Bizzi với Amazon và AWS.


Xin ông giới thiệu một chút về Bizzi?


Bizzi là một startup thuộc mảng Fintech B2B, được thành lập vào tháng 9/2019 và đã đi vào hoạt động được 3 năm. Như mọi người đều biết, Covid đã ảnh hưởng nặng nề và thay đổi hoàn toàn thói quen của doanh nghiệp giai đoạn năm 2020. Tất cả các phòng ban đều có thể làm online, nhưng bộ phận kế toán phải làm việc tại công ty. Bizzi đã góp phần thay đổi thực trạng đó, giúp bộ phận này có thể chuyển đổi số rất nhiều công đoạn.


Suốt 2 năm xây dựng, Bizzi đã có 3 vòng gọi vốn. Tại vòng gần nhất Pre-Series A, chúng tôi đã gọi được 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư và một công ty đầu tư của Nhật Bản.


Startup Việt: Tìm người phù hợp rất khó, nhưng không thể hạ thấp tiêu chuẩn
Ông Nguyễn Bảo Nguyên, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ, đang trao đổi cùng bà Priya Lakshmi.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng Bizzi, nhất là trong đại dịch?


Yếu tố quyết định của startup là tăng trưởng. Trong suốt 2 năm qua, áp lực tăng trưởng của công ty gần như gấp đôi mỗi năm. Từ những ngày đầu, công ty chỉ có 2 người, nhưng sau năm đầu tiên đã tăng lên 15 người, hiện tại đã lên tới 50 người và dự kiến cuối năm nay đạt 80 nhân sự.


Nhà sáng lập có trách nhiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững chắc, để khi nhân sự công ty gia tăng vẫn có thể giữ vững giá trị cốt lõi làm nền tảng phát triển. Giá trị cốt lõi ở Bizzi là 5 “C”: Chính trực, Cần mẫn, Cộng tác, Cải tiến, Cam kết. Năm chữ “C” này đã được đội sáng lập thống nhất từ những ngày đầu thành lập. Chúng tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ Amazon và AWS trong việc xây dựng startup và áp dụng văn hóa doanh nghiệp.


Trong những giai đoạn đầu, chúng tôi cũng hưởng lợi từ chương trình AWS Activate, bao gồm những hỗ trợ về sản phẩm, kỹ thuật và cả đào tạo.


Chúng tôi có triết lý “làm việc ngược”, luôn luôn lấy khách hàng làm trung tâm và xác định nhu cầu của họ để quay ngược lại, thậm chí xác định nhu cầu tương lai của họ. Vậy các anh đã áp dụng “làm việc ngược” như thế nào và đạt được kết quả gì?


Ở Việt Nam, hóa đơn điện tử đang là một chủ đề sôi động vì đến tháng 7 năm nay, toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển sang hóa đơn điện tử.


Tuy nhiên, Bizzi đã tiếp cận vấn đề này từ sớm chứ không phải đợi đến thời điểm này. Chúng tôi đã đi gặp các doanh nghiệp để tìm hiểu vấn đề của họ trong việc chuyển đổi số cho phòng kế toán. Các phòng ban khác có thể làm việc tại nhà nhưng kế toán phải làm ở văn phòng bởi các hóa đơn, chứng từ vẫn phải được gửi tới các doanh nghiệp chứ không thể gửi về nhà của kế toán. Vì vậy, chúng tôi đã họp bàn tìm giải pháp giúp đỡ và giải quyết vấn đề của họ.


Họ thậm chí còn chưa hiểu rõ những khó khăn của mình bởi quá trình chuyển đổi số sẽ thay đổi hoàn toàn cách làm việc, đồng nghĩa sẽ thay đổi cả quy trình làm việc chứ không phải chỉ tờ hóa đơn. Thách thức của Bizzi là hiểu được khách hàng, hiểu được vấn đề và thậm chí phải trải nghiệm vấn đề của khách hàng.


Vào tháng 3/2020, thời điểm đóng sổ tài chính của các doanh nghiệp, là lúc vô cùng bận rộn của bộ phận kế toán, Bizzi đã ngồi chung với các bạn kế toán của nhiều doanh nghiệp đến đêm khuya để quan sát cách làm và hỗ trợ. Từ đó, chúng tôi hiểu được nỗi khổ của khách hàng và tìm cách xây dựng giải pháp cho họ. Đây là một ví dụ về “làm việc ngược” và đặt khách hàng làm trọng tâm.


Tuy nhiên nói dễ hơn làm. Việc đào tạo kế toán doanh nghiệp sử dụng công nghệ của Bizzi có thể nói giống như dạy một người đi xe đạp sang đi xe hơi vậy. Phần mềm vô cùng mới mẻ và hiện đại, nhiều người khó thích ứng. Vì vậy, nhân viên Bizzi phải rất đồng cảm để hiểu khách hàng, khiến khách hàng thấy được lợi ích của giải pháp. Hiện tại đã có hơn 6.000 khách hàng Việt Nam sử dụng dịch vụ tự động hóa kế toán. 


Startup Việt: Tìm người phù hợp rất khó, nhưng không thể hạ thấp tiêu chuẩn
Những nhà sáng lập Bizzi.

Còn yếu tố văn hoá nào ông đã áp dụng thành công cho doanh nghiệp?


Có hai nguyên tắc chúng tôi có học hỏi từ Amazon, đó là tinh thần lãnh đạo của mỗi nhân viên và nguyên tắc hai chiếc bánh pizza.


Trong những ngày đầu, nhân lực là tài sản quý giá nhất của một startup bởi khi mới xây dựng, startup chỉ có con người và không gì khác, sản phẩm chưa có, tiền bạc thì có hạn. Vì vậy những người đầu tiên tham gia vào nhóm sáng lập là những người vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa công ty sau này.


Mình phải chọn đúng những bạn có tinh thần startup, phải mời họ để cùng xây dựng lên nền tảng của công ty. Tinh thần này vẫn được giữ vững đến ngày hôm nay ở Bizzi, từng bạn “Bizzier” đều phải đạt được 5 chữ “C”.


Nguyên tắc thứ hai là “two-pizza team”, tức một nhóm làm việc chỉ cần tinh gọn để chỉ cần gọi 2 chiếc bánh pizza là đủ ăn. Chúng tôi còn gọi nhóm này là “Squad” (nhóm tinh nhuệ). Trong một Squad có tối đa 8 người làm chung một dự án, mỗi người sẽ thuộc các phòng ban khác nhau. Ví dụ, một Squad có 3 bạn kỹ thuật, 1 bạn marketing, 1 bạn thiết kế, 1 bạn kinh doanh,... để hợp thành một nhóm đầy đủ chức năng và tinh giản nhưng đủ để cung cấp giải pháp, sản phẩm đến với khách hàng nhanh nhất có thể. Hơn nữa, việc giao tiếp và hợp tác giữa các thành viên cũng không bị ảnh hưởng bởi số lượng nhân sự tại công ty.


Startup Việt: Tìm người phù hợp rất khó, nhưng không thể hạ thấp tiêu chuẩn
Bà Priya Lakshmi chia sẻ về nguyên tắc "hai chiếc bánh pizza" khi hình thành nhóm làm việc.

Nguyên tắc lãnh đạo nào là quan trọng với Bizzi?


Nếu phải lựa chọn, thì mình nghĩ “ownership” (tinh thần sở hữu) là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng. Tất cả mọi người trong Bizzi phải xem mình như lãnh đạo doanh nghiệp, thậm chí nhà sáng lập. 


Là một trong những nhà sáng lập, tôi chỉ đóng góp phía hậu trường và là những người tạo điều kiện cho các bạn nhân viên tỏa sáng, phát triển bản thân để các bạn trở thành một nhà sáng lập đích thực. Đây cũng là một cách để Bizzi đào tạo được những nhà sáng lập tương lai nhằm tiếp tục xây dựng những sản phẩm tốt cho khách hàng.


Ông có nói về việc tuyển nhân sự và tìm kiếm đúng tài năng?


Tất cả những nhân sự tới phỏng vấn tại Bizzi đều phải thể hiện được tinh thần của 5 chữ “C”. Phải quyết tâm giữ tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng của đội nhóm.


Nói thì có vẻ dễ nhưng thực tế chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn từ các phòng ban. Chẳng hạn yêu cầu cao quá nên phòng nhân sự khó tuyển người, hoặc nhà đầu tư khuyên hạ thấp tiêu chuẩn để thu hút nhân sự, nhưng tôi không đồng ý. Chúng tôi phải nâng cao khả năng của bản thân để tìm được đúng người chứ không dựa vào lý do khách quan để thỏa hiệp.


Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!


Hải Đăng









Startup Viet: Tim nguoi phu hop rat kho, nhung khong the ha thap tieu chuan


Nha sang lap cong ty startup khang dinh chat luong nhan su la van de cot yeu, do do buoc phai tim duoc dung nguoi dap ung tieu chuan cho du viec tuyen dung kho khan the nao.

Startup Việt: Tìm người phù hợp rất khó, nhưng không thể hạ thấp tiêu chuẩn

Nhà sáng lập công ty startup khẳng định chất lượng nhân sự là vấn đề cốt yếu, do đó buộc phải tìm được đúng người đáp ứng tiêu chuẩn cho dù việc tuyển dụng khó khăn thế nào.
Startup Việt: Tìm người phù hợp rất khó, nhưng không thể hạ thấp tiêu chuẩn
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: