Bị thu hút vào những giao dịch rủi ro nhất qua ứng dụng giao dịch 0 đồng, người trẻ Mỹ mất cả chì lẫn chài

Ít nhất một phần sự thành công của Robinhood dường như được xây dựng nên nhờ vào chiến lược quen thuộc của Thung lũng Silicon đó là thúc đẩy hành vi và gửi thông báo. Theo đó, họ đã thu hút nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm vào những giao dịch rủi ro nhất.


Richard Dobatse – một bác sĩ thuộc Hải quân Mỹ sống tại San Diego, không thường xuyên giao dịch chứng khoán nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 2017 khi anh bắt đầu đăng ký sử dụng Robinhood.


Dobatse (32 tuổi) cho biết anh cảm thấy hình thức giao dịch chỉ bằng một cú click của Robinhood rất hấp dẫn, dễ truy cập với các sản phẩm đầu tư phức tạp. Hơn nữa, ứng dụng còn có giao diện thân thiện, dễ gần như một trò chơi. Sau khi nạp 15.000 USD vào tài khoản từ thẻ tín dụng, anh bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho ứng dụng.


 Bị thu hút vào những giao dịch rủi ro nhất qua ứng dụng giao dịch 0 đồng, người trẻ Mỹ mất cả chì lẫn chài - Ảnh 1.

Richard Dobatse.


Nhiều lần mất tiền, Dobatse đã rút hai lần khoản vay thế chấp nhà trị giá 30.000 USD để mua bán cổ phiếu và quyền chọn đầu cơ, với hy vọng có thể trả hết nợ. Trong năm nay, tài khoản đầu tư của anh đã thu về hơn 1 triệu USD nhưng gần như đã biến mất hoàn toàn, khi số dư trong tuần này chỉ là 6.956 USD.


Sức hấp dẫn của ứng dụng đầu tư "0 đồng" ẩn chứa đầy rủi ro


Trong những năm gần đây, hàng triệu thanh niên Mỹ đã "mò mẫm" đầu tư qua ứng dụng Robinhood. Dễ dàng giao dịch đã trở thành một yếu tố thu hút lượng người dùng đông đảo, thậm chí trở thành một hiện tượng văn hóa và cái tên rất "hot" ở Thung lũng Silicon. Robinhood đã trở thành một trong những startup tăng trưởng mạnh mẽ nhất của ngành công nghệ trong thời điểm thị trường lao dốc mới đây.


Tuy nhiên, ít nhất một phần sự thành công của Robinhood dường như được xây dựng nên nhờ vào chiến lược quen thuộc của Thung lũng Silicon đó là thúc đẩy hành vi và gửi thông báo. Theo đó, họ đã thu hút nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm vào những giao dịch rủi ro nhất, dựa trên một phân tích về dữ liệu ngành này và hồ sơ pháp lý, cùng những cuộc phỏng vấn với 9 nhân viên của Robinhood, hơn 10 khách hàng. Dữ liệu cũng cho thấy, càng nhiều người tham gia vào những giao dịch này thì công ty càng có lợi.


Một phân tích về những hồ sơ mới từ 9 công ty môi giới được thực hiện bởi công ty nghiên cứu Alphacution cho thấy, người dùng Robinhood sử dụng những sản phẩm rủi ro nhất và với tốc độ nhanh nhất cao hơn so với tất cả những công ty môi giới khác.


 Bị thu hút vào những giao dịch rủi ro nhất qua ứng dụng giao dịch 0 đồng, người trẻ Mỹ mất cả chì lẫn chài - Ảnh 2.

Các hợp đồng quyền chọn giao dịch trên mỗi USD của các tài khoản.


Trong 3 tháng đầu năm 2020, người dùng Robinhood đã thực hiện khối lượng giao dịch cao gấp 9 lần so với khách hàng của E-Trade và 40 lần so với Charles Schwab. Hơn nữa, họ cũng thực hiện lệnh mua và bán nhiều gấp 88 lần so với số hợp đồng quyền chọn rủi ro khác so với khách hàng của Schwab, theo phân tích.


Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhà đầu tư càng giao dịch thường xuyên thì lợi nhuận họ thu về càng tồi tệ. Lợi nhuận thậm chí còn thấp hơn nữa khi họ thực hiện giao dịch quyền chọn. Hình thức giao dịch này – khi chỉ một vài phút cũng mang lại sự khác biệt giữa thắng và thua, đặc biệt nguy hiểm với Robinhood bởi công ty này đã gặp một số vấn đề về công nghệ.


Lợi thế của Robinhood so với những ứng dụng broker khác


Đối với mỗi cổ phiếu được giao dịch, Robinhood kiếm được số tiền cao hơn từ 4 đến 15 lần so với Schwab trong quý vừa qua, theo hồ sơ. Tổng cộng, công ty này nhận được 18.955 USD từ các công ty giao dịch trên mỗi USD của một tài khoản khách hàng trung bình, trong khi Schwab chỉ thu về 195 USD. Các chuyên gia trong ngành cho biết điều này có thể là do các công ty giao dịch tin rằng họ dễ dàng có được lợi nhuận từ khách hàng của Robinhood.


Đương nhiên, Robinhood không ép buộc bất kỳ ai phải giao dịch nhưng thành công của công ty trong việc làm được điều đó đã gây được sự chú ý. Robinhood đã loại bỏ phí giao dịch, khi hầu hết công ty môi giới đều tính phí từ 10 USD trở lên cho mỗi giao dịch.


 Bị thu hút vào những giao dịch rủi ro nhất qua ứng dụng giao dịch 0 đồng, người trẻ Mỹ mất cả chì lẫn chài - Ảnh 3.

Số tiền các broker kiếm được từ việc bán quyền chọn trên mỗi USD.


Ứng dụng này rất dễ sử dụng, màn hình bên ngoài còn hiển thị các mã cổ phiếu đang "hot". Nếu khách hàng chạm vào 1 trong số đó, một nút màu xanh lá sẽ hiện lên và hiển thị từ "trade" (giao dịch), từ đó có thể bỏ qua một số bước mà các công ty khác thường yêu cầu. Robinhood ban đầu chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán. Sau đó, công ty đã đưa thêm những tính năng giao dịch quyền chọn, ký quỹ theo đó giúp gia tăng lợi nhuận và lỗ.


Robinhood từng quảng cáo việc thực hiện giao dịch quyền chọn "nhanh, gọn và miễn phí". Khách hàng muốn thực hiện chỉ cần trả lời một vài câu hỏi trắc nghiệm. Dù người mới không được giao dịch quyền chọn, nhưng những người cho biết họ không có kinh nghiệm đầu tư sẽ được ứng dụng hướng dẫn để chuyển sang câu trả lời "ít kinh nghiệm". Sau đó, họ có thể giao dịch ngay lập tức.


Vào tháng 5, Robinhood cho biết ứng dụng có 13 triệu tài khoản, tăng từ 10 triệu vào cuối năm 2019. Schwab cho biết họ có 12,7 triệu tài khoản môi giới, theo số liệu mới nhất, còn E-Trade có 5,5 triệu tài khoản.


Lượng người dùng Robinhood gia tăng nhanh chóng đã khiến các công ty đầu tư mạo hiểm rót tiền vào đây.. Sequoia Capital và New Enterprise Associates là một trong công ty đã đầu tư 1,3 tỷ USD vào Robinhood. Vào tháng 5, công ty này nhận được khoản vốn mới là 280 triệu USD.


"Đầu tư qua Robinhood không khác gì đánh bạc"


Một số nhân viên của Robinhood tiết lộ rằng công ty này đã không cung cấp đầy đủ thiết bị bảo vệ và công nghệ để hỗ trợ khách hàng. Mối nguy hiểm này đã dẫn tới hậu quả vào tháng trước, khi Alex Kearns – sinh viên đại học 20 tuổi, đã tự sát khi thấy tài khoản hiển thị số dư âm 730.000 USD.


Cũng như Kearns, khách hàng của Robinhood thường là những người trẻ và rất ít kinh nghiệm đầu tư. Công ty này cho biết, độ tuổi trung bình của nhóm này là 31 và một nửa khách hàng của họ chưa từng đầu tư. Vài năm gần đây, một số đã đến trụ sở của Robinhood ở Menlo Park (California) để hỏi các nhân viên về tình trạng thua lỗ, 4 nhân viên từng chứng kiến chia sẻ với NYT. Họ cho biết, trong năm nay, công ty đã phải lắp kính chống đạn ở phía trước.


Scott Smith – đến từ bộ phận theo dõi các công ty môi giới tại công ty tư vấn tài chính Cerulli, nói về Robinhood: "Họ khuyến khích người dùng từ việc đi xe đạp 4 bánh sang lái xe máy. Trong thời gian dài, việc này không khách gì đánh bạc."


Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Robinhood chính là trở thành động lực, khuyến khích khách hàng giao dịch nhiều hơn. Ứng dụng này không tính phí giao dịch nhưng vẫn nhận được khoản tiền lớn hơn nếu khách hàng tích cực sử dụng. Đó là bởi Robihood kiếm tiền thông qua một hình thức phức tạp được gọi là "thanh toán chuyển lệnh" (payment for order flow).


Mỗi khi khách hàng của Robinhood giao dịch, các công ty Phố Wall thực hiện giao dịch mua/bán thực và quyết định giá cả khớp cho khách hàng. Các công ty này trả phí cho Robinhood để có quyền làm như vậy bởi họ đang thực hiện giao dịch chênh lệch (arbitrage) và tạo lợi nhuận bằng cách mua hoặc bán các sản phẩm cho khách hàng của Robinhood.


Cơ chế này không mới và các broker nhỏ lẻ như E-Trade hay Schwab cũng làm tương tự. Tuy nhiên Robinhood kiếm lời tốt hơn so với họ đối với mỗi giao dịch cổ phiếu hoặc quyền chọn gửi tới những công ty giao dịch chuyên nghiệp.


Ứng dụng "sập" ở những thời điểm quan trọng


Vladimir Tenev – nhà đồng sáng lập của startup này, cho biết họ đã đầu tư vào công nghệ hiện đại nhất cho công ty. Tuy nhiên, rủi ro trong việc giao dịch qua ứng dụng đã nhiều lần diễn ra do lỗi trong ứng dụng.


Năm 2018, Robinhood đã phát hành phần mềm vô tình đảo ngược "hướng" của giao dịch quyền chọn, khiến kết quả giao dịch của khách hàng ngược lại so với những gì họ mong đợi. Năm ngoái, công ty này cho phép người dùng vay tiền với số lượng vô hạn để tăng lượng tiền cược, khiến một số người ôm khoản lãi và lỗ khổng lồ.


Theo trang phân tích dữ liệu Downdetector.com, trang web của Robinhood "sập" với tần suất lớn hơn so với các trang môi giới đầu tư khác, Robinhood là 47 lần còn Schwab là 10 lần kể từ tháng 3. Trong tháng 3, trang web của Robinhood đã ngừng hoạt động trong gần 2 ngày, khi cổ phiếu lao dốc vì đại dịch. Khách hàng của ứng dụng này không thể giao dịch để sớm cắt lỗ.


4 nhân viên của Robinhood cho biết công ty này đầu tư quá ít vào công nghệ nhưng đã bất cẩn và triển khai quá nhanh. Nhiều người đã kiện Robinhood về sự việc "sập" ứng dụng, nhưng công ty này lại không đưa ra động thái tích cực để giải quyết, thậm chí còn không có số điện thoại chăm sóc khách hàng để liên lạc.


Quay trở lại với Dobatse, anh đã mất số tiền lớn khi thị trường lao dốc hồi tháng 3, đó là 860.000 USD. Robinhood không hề trả lời email của anh. Dobatse cho biết anh dự định sẽ đưa sự việc lên cơ quan quản lý tài chính. Nhà đầu tư chia sẻ: "Họ đã tạo điều kiện quá dễ dàng cho những người không biết gì về thị trường chứng khoán."


Lấy link







Bi thu hut vao nhung giao dich rui ro nhat qua ung dung giao dich 0 dong, nguoi tre My 'mat ca chi lan chai'


It nhat mot phan su thanh cong cua Robinhood duong nhu duoc xay dung nen nho vao chien luoc quen thuoc cua Thung lung Silicon do la thuc day hanh vi va gui thong bao. Theo do, ho da thu hut nhieu nha dau tu thieu kinh nghiem vao nhung giao dich rui ro nhat.

Bị thu hút vào những giao dịch rủi ro nhất qua ứng dụng giao dịch 0 đồng, người trẻ Mỹ 'mất cả chì lẫn chài'

Ít nhất một phần sự thành công của Robinhood dường như được xây dựng nên nhờ vào chiến lược quen thuộc của Thung lũng Silicon đó là thúc đẩy hành vi và gửi thông báo. Theo đó, họ đã thu hút nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm vào những giao dịch rủi ro nhất.
Bị thu hút vào những giao dịch rủi ro nhất qua ứng dụng giao dịch 0 đồng, người trẻ Mỹ mất cả chì lẫn chài
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: