Biến đổi khí hậu bây giờ đã không còn là một chủ đề quá xa vời để chỉ xuất hiện trong các báo cáo khoa học hay các bộ phim viễn tưởng. Biến đổi khí hậu bây giờ đã là thứ mà mọi người đều đã có thể nhìn thấy và cảm nhận được.
Chúng ta đều thấy mùa hè và cả mùa đông đang ấm dần lên. Cường độ của những sự kiện khí hậu ngày càng mạnh và cực đoan, chẳng hạn như những cơn bão và siêu bão xuất hiện ngày một dày đặc.
Hạn hán và lũ lụt cũng vậy, n bây giờ đã phải chịu sự tác động khủng khiếp của chúng vì không có kinh nghiệm và chuẩn bị.
Quang cảnh trận lũ lụt ở Trịnh Châu Trung Quốc hồi tháng 7, một sự kiện thiên tai được đánh giá là 5.000 năm mới có một lần.
Vì vậy, các nhà khoa học cảnh báo nếu con người còn phớt lờ và làm ngơ trước vấn đề biến đổi khí hậu, tác động từ đó có thể đem lại những đau khổ không thể kế xiết cho nhân loại. Nhưng hậu quả tồi tệ nhất liệu có thể là gì?
Biến đổi khí hậu đến một ngày nào đó có thể khiến loài người tuyệt chủng được hay không?
Một kịch bản tuyệt chủng trực tiếp gây ra bởi biến đổi khí hậu
Như tất cả chúng ta đều đã biết, bầu khí quyển của Trái Đất đang ngày càng có nhiều khí nhà kính, chẳng hạn như CO2 và khí metan mà con người thải ra thông qua hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch. Các khí này bẫy và giữ lại nhiệt của Mặt Trời, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên và đẩy nhân loại vào vòng nguy hiểm.
Theo Luke Kemp, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh, Đại học Cambridge, hiệu ứng nhà kính có lẽ là yếu tố rủi ro nhất của biến đổi khí hậu có thể trực tiếp gây ra sự tuyệt chủng của nhân loại.
Điều đó sẽ xảy ra khi hành tinh bị cuốn vào một vòng lặp phản hồi dương: Trái Đất sẽ ngày một ấm lên và hấp thụ ngày càng nhiều nhiệt. Cho tới khi toàn bộ nước ngọt và các đại dương của chúng ta bốc hơi, hành tinh sẽ không còn có thể hỗ trợ bất kỳ dạng sống nào trên đó nữa, bao gồm cả con người.
Điều gì sẽ xảy ra khi nước ngọt và nước trong các đại dương bốc hơi đi hết?
May mắn thay, để kết cục này có thể xảy ra, lượng CO2 trong khí quyển của Trái Đất phải đạt tới mức vài nghìn phần triệu, trong khi chúng ta mới chỉ vượt qua ngưỡng 400 phần triệu một chút. Hoặc hành tinh cũng phải giải phóng ra một lượng khí metan khổng lồ.
Và theo Brian Kahn, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của NASA, cả hai khả năng này đều chưa thể xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần.
Chúng ta mới chỉ quan sát thấy hiệu ứng nhà kính đạt tới mức làm bốc hơi đại dương trên Sao Kim. Nhưng thực tế là Sao Kim gần Mặt Trời hơn nhiều so với Trái Đất. Bầu khí quyển của hành tinh này cũng dày hơn, giàu CO2 hơn và do đó giữ nhiệt nhiều hơn.
Sự biến mất của toàn bộ nước trên Trái Đất có lẽ sẽ không khả thi, ít nhất là sau hàng tỷ năm nữa khi Mặt Trời phình lên thành một sao khổng lồ đỏ và thu hẹp khoảng cách từ bề mặt của nó tới hành tinh của chúng ta.
Mặc dù vậy, từ giờ cho tới lúc đó, biến đổi khí hậu vẫn có thể kết thúc sự tồn tại của nhân loại theo những cách khác.
Michael Mann, một giáo sư xuất sắc về khoa học khí quyển tại Đại học Pennsylvania, đồng thời là tác giả cuốn sách "Cuộc chiến khí hậu mới: Trận chiến lấy lại hành tinh của chúng ta", cho biết: Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm quá 3 độ C, nó có thể dẫn đến sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng xã hội, đưa chúng ta vào kịch bản của các bộ phim tận thế mà Hollywood xây dựng.
Biến đổi khí hậu có thể gây ra hạn hán, mất mùa, đẩy nhân loại vào tình trạng mất an ninh lương thực. Ngay tại thời điểm này, một nạn đói đầu tiên do tác động của biến đổi khí hậu đã đang xảy ra ở Madagascar.
Liên Hợp Quốc xác nhận đây là . Đó có thể là quân domino đầu tiên đổ xuống trong một chuỗi các tác động từ khí hậu có khả năng hủy diệt hành tinh và nền văn minh của chúng ta.
Nhìn lại những trận đại tuyệt chủng và sụp đổ của nền văn minh trong lịch sử
Tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh, Đại học Cambridge, tiến sĩ Kemp đang nghiên cứu về sự sụp đổ của các nền văn minh trước đây và nguy cơ biến đổi khí hậu có thể lặp lại một sự kiện tương tư. Ông nói các vụ tuyệt chủng và thảm họa toàn cầu có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố.
Nhưng nếu nói đến sự tuyệt chủng của con người, biến đổi khí hậu có thể sẽ là thủ phạm chính. "Nếu được hỏi điều gì khiến tôi nghĩ nó sẽ là yếu tố đóng góp lớn nhất vào nguy cơ tuyệt chủng của loài người trong tương lai, thì tôi sẽ nói đó là biến đổi khí hậu, không còn gì phải nghi ngờ", tiến sĩ Kemp nói.
Nhìn lại các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn trong lịch sử Trái Đất, chúng đều liên quan đến một sự kiện thay đổi khí hậu nào đó.
Chẳng hạn như cuộc tuyệt chủng Ordovic-Silurian xảy ra khoảng 440 triệu năm trước, bắt nguồn từ sự nguội đi của hành tinh đã xóa sổ 85% số loài trên Trái Đất. Trong khi đó, sự ấm lên trong cuộc tuyệt chủng kỷ Trias-Jura khoảng 200 triệu năm trước cũng đã giết chết 80% số loài.
Gần đây hơn, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến số phận của những loài linh trưởng từng là họ hàng của loài người hiện đại.
Trong khi rõ ràng là Homo sapiens chúng ta vãn tồn tại, "chúng tôi có hồ sơ theo dõi các loài hominid khác đã tuyệt chủng, chẳng hạn như người Neanderthal. Và trong mỗi trường hợp tuyệt chủng đó, một lần nữa có vẻ như biến đổi khí hậu lại đóng một vai trò nào đó", tiến sĩ Kemp nói.
Các nhà khoa học không biết tại sao người Neanderthal lại tuyệt chủng khoảng 40.000 năm về trước, nhưng những biến động khí hậu dường như đã khiến dân số của họ bị chia cắt thành các nhóm nhỏ hơn.
Một giả thuyết là khí hậu thay đổi đã làm tuyệt chủng các loài động thực vật mà người Neanderthal dựa vào làm thức ăn. Sau đó, khủng hoảng lương thực xảy ra đã khiến tỷ lệ sinh của họ giảm dần, góp phần vào sự tuyệt chủng của giống người này.
Biến đổi khí hậu cũng đóng một vai trò lớn trong sự sụp đổ của các nền văn minh nhân loại trong quá khứ. Ví dụ, một đợt hạn hán kéo dài 300 năm đã góp phần vào sự sụp đổ của đế chế Hy Lạp cổ đại khoảng 3.200 năm trước.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE, hạn hán ở vùng Địa Trung Hải đã dẫn đến mất mùa, gây ra nạn đói và các cuộc xung đột. Nó có thể giúp giải thích lý do tại sao toàn bộ nền văn hóa Hittite, những người cưỡi xe ngựa thống trị phần lớn khu vực Anatolia, đã biến mất khỏi hành tinh này.
Nền văn minh huy hoàng Hittite cũng từng là nạn nhân của biến đổi khí hậu.
Nhưng sự biến mất của một loài họ hàng, hay các nền văn minh trong quá khứ chưa thể khiến toàn bộ loài người tuyệt chủng. Rốt cuộc, Homo Sapiens vẫn sống sót qua những biến động khí hậu trong quá khứ và hiện đang sinh sống trên khắp hành tinh - bất chấp sự trỗi dậy và sụp đổ của nhiều nền văn minh liên tiếp.
Chúng ta đã chứng tỏ mình là một giống loài có khả năng thích nghi cao độ và có thể đối phó với nhiều loại khí hậu khác nhau, dù là nóng, lạnh, khô hay ẩm ướt. Chúng ta có thể sử dụng tài nguyên từ nhiều loài động thực vật khác nhau và chia sẻ những tài nguyên đó để cùng tồn tại trong một thế giới đang biến đổi.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự đoàn kết đó biến mất?
Kịch bản cuối cùng chúng ta có thể nghĩ đến là biến đổi khí hậu sẽ châm ngòi cho những cuộc xung đột và chiến tranh. Tiến sĩ Kemp giải thích rằng trong tương lai, tình trạng khan hiếm tài nguyên do biến đổi khí hậu gây ra có khả năng tạo ra các cuộc chiến đe dọa loài người.
"Có những lý do để lo ngại rằng khi nguồn nước cạn kiệt và tình trạng khan hiếm trở nên tồi tệ hơn, điều kiện sống sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Lúc đó, đột nhiên mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ hiển hiện", tiến sĩ Kemp cho biết.
Nói cách khác, tác động của biến đổi khí hậu có thể không trực tiếp khiến loài người tuyệt chủng, nhưng nó có thể dẫn đến những sự kiện gây nguy hiểm nghiêm trọng đến hàng trăm triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ, tính mạng.
Năm 2019, một nghiên cứu trên tạp chí Science Advances cho thấy chỉ cần một cuộc xung đột hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ có thể giết chết từ 50 đến 125 triệu người. Đó mới chỉ là con số ở hai quốc gia có lượng vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ.
Chiến tranh hạt nhân cũng sẽ làm khí hậu biến đổi. Chẳng hạn, các đám mây nấm và khói bụi từ các thành phố đổ nát bốc cháy sẽ tràn ngập khí quyển, tạo ra những mùa đông hạt nhân, đe dọa hoạt động sản xuất lương thực và gây ra nạn đói hàng loạt.
Biến đổi khí hậu có thể gián tiếp châm ngòi cho các cuộc chiến tranh hạt nhân, khi các quốc gia muốn tranh giành phần tài nguyên ít ỏi còn lại trên Trái Đất.
Nói tóm lại, trong khi khả năng biến đổi khí hậu trực tiếp gây ra một cuộc tuyệt chủng cho nhân loại là rất thấp, nó vẫn có thể gián tiếp đe dọa mạng sống của hàng trăm triệu người, thậm chí toàn bộ nền văn minh của chúng ta.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải nhà kính để tránh kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.
"Tất cả phụ thuộc vào hành động của chúng ta ngày hôm nay", giáo sư Mann nói. "Nếu chúng ta không giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong thập kỷ tới, chúng ta có thể sẽ làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan vốn đã nguy hiểm, nhấn chìm các bờ biển trên khắp thế giới do băng tan và mực nước biển dâng cao, gây thêm áp lực lên các nguồn tài nguyên hạn chế.
Dân số toàn cầu ngày càng gia tăng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh lẫn nhau để giành lấy phần thức ăn, nước uống và không gian sống ngày một ít ỏi hơn do biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta mạnh dạn hành động ngay bây giờ, chúng ta mới có thể tránh được những tác động tồi tệ nhất".
Tham khảo
Lấy link