Tờ Nikkei đưa tin, những tài xế giao hàng (shipper) và người làm trong nền "kinh tế hợp đồng" đã nổi lên như một yếu tố hết sức cần thiết trong đại dịch. Giờ đây, Singapore đặt mục tiêu hỗ trợ những người này nhiều hơn.
Trong bài phát biểu vào tối chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông "đặc biệt quan tâm" đến các nhân viên giao hàng. Ông Lý khẳng định chính phủ của ông đang nhắm tới việc giải quyết khó khăn cho những người có mức lương thấp nói chung.
Ông nói: "Họ làm việc với các nền tảng trực tuyến như Foodpanda, Grab hoặc Deliveroo. Họ hiện diện thường xuyên, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19. Họ giao đơn đặt hàng của chúng ta cả ngày lẫn đêm. Đó là công việc khó khăn nhưng hầu hết chỉ kiếm được thu nhập khiêm tốn".
Ông Lý thông báo rằng Singapore đã đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 80%, mở đường cho việc mở cửa nền kinh tế trở lại dần dần. Tuy nhiên, với việc nền kinh tế hợp đồng đã ổn định và vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng, Bộ Nhân lực Singapore đang "nghiên cứu" cách tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho lao động trong lĩnh vực này, bao gồm cả thông qua tham vấn. Mặc dù ông không cho biết những biện pháp nào sẽ được áp dụng, nhưng kết quả có thể ảnh hưởng đến một số công ty lớn nhất trong bối cảnh khởi nghiệp Đông Nam Á, vốn đã phát triển nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của những người lao động như vậy.
Tại Singapore, có ba nền tảng thống trị lĩnh vực giao đồ ăn. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Momentum Works, Grab và Foodpanda lần lượt chiếm 42% và 34% thị phần trong năm ngoái, trong khi Deliveroo của Anh chiếm 24%. Ước tính có hàng nghìn người đang làm việc với tư cách là "đối tác" - không phải nhân viên - của các công ty này.
Các nhà khai thác cũng đang mở rộng dịch vụ giao hàng tạp hóa, trong đó người lái xe lấy đồ từ siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi và giao chúng cho khách hàng.
Khi lĩnh vực này được mở rộng, nó đã thu hút nhiều công nhân bị thay thế hoặc bị cắt giảm lương do đại dịch.
Ông Lý nói: "Ngày càng có nhiều người đảm nhận loại công việc này, vì vậy vấn đề ngày càng phức tạp hơn. Chúng ta phải giải quyết các vấn đề đó để mang lại cho những người lao động này tương lai an toàn hơn".
Để khẳng định quan điểm của mình, thủ tướng Singapore đã chiếu một đoạn video do một sinh viên đại học quay, trong đó mô tả nỗi khốn khổ của một nhân viên giao hàng. Người lái xe bị áp lực phải hoàn thành 30 chuyến giao hàng để nhận tiền thưởng, nhưng chỉ hoàn thành được 29 chuyến.
"Các nền tảng trực tuyến định giá sản phẩm của họ. Họ xác định công việc nào được giao cho người lao động nào. Họ quản lý cách người lao động thực hiện, bao gồm cả việc áp dụng hình phạt và sa thải".
Nhưng nếu không có hợp đồng lao động, nhân viên giao hàng "thiếu các bảo vệ công việc cơ bản mà hầu hết nhân viên được hưởng".
Ngành công nghiệp khắc nghiệt
Zhang Xuelin, một shipper 38 tuổi làm việc cho Sherpa's - một dịch vụ giao đồ ăn nhắm đến người nước ngoài và người giàu ở Trung Quốc - cho biết mình có thể kiếm tới 6.000 nhân dân tệ mỗi tháng bằng tiền boa cách đây 10 năm, khi ứng dụng thanh toán di động vẫn ở giai đoạn sơ khai. Giờ đây, mọi người thanh toán trực tuyến nên tiền boa đã ít hơn nhiều".
Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vào tuần trước, nền kinh tế nước này đã tăng 4,9% trong quý III so với một năm trước đó. Dù chi tiêu của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc dường như bị hạn chế hơn do đại dịch nhưng các shipper cho biết thu nhập của họ vẫn đủ để sống qua ngày. Zhang cho biết hiện anh có thể kiếm tới 400 nhân dân tệ (60 USD) mỗi ngày và gửi ngân hàng khoảng 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng nếu tiết kiệm hết mức có thể.
Tháng 2 năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã xác định tài xế giao đồ ăn là một nghề chính thức trong danh mục phân loại nghề nghiệp của Trung Quốc. Dù vậy, các shipper được hỏi đều phàn nàn rằng công ty của họ không hỗ trợ đủ phúc lợi xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, sức khỏe, lương hưu… mà chỉ có bảo hiểm tai nạn.
Meituan và Ele.me ngày càng áp đặt nhiều yêu cầu khắt khe như rút ngắn thời gian hoàn thành giao hàng đồng thời áp dụng các hình phạt nghiêm khắc nếu shipper vi phạm quy định. Tháng trước, hai công ty này phải đối mặt với sự chỉ trích của sư luận về cách đối xử với tài xế. Điều tra của tạp chí Renwu ghi nhận nhiều tài xế của hai công ty vi phạm luật giao thông để hoàn thành đơn hàng một cách nhanh nhất.
Cai đã bị Meituan phạt 24 nhân dân tệ vì hủy giao hai đơn hàng. Nguyên nhân là vì nhà hàng chuẩn bị đồ ăn quá lâu và nếu ông không hủy, tất cả đơn hàng sau sẽ bị muộn.
Ông bức xúc: "Tiền phạt ngày càng tăng, trước đây họ chỉ phạt 3 nhân dân tệ. Luật lệ do những người có quyền lực đặt ra và họ chẳng quan tâm đến khó khăn của tài xế". Chai thì than thở rằng phản đối cũng vô ích vì các ông chủ sẽ không hề bận tâm. Còn Zhao cho biết anh đang chuẩn bị cho một kỳ thi tư vấn tâm lý để chuyển việc.
Các công ty giao hàng nói gì?
Khi được yêu cầu bình luận về quan điểm của thủ tướng Singapore, một đại diện của Grab nói với Nikkei rằng công ty "ủng hộ" động thái của chính phủ và "mong được thảo luận thêm".
Người đại diện cho biết thêm rằng họ đã cung cấp nhiều chương trình khác nhau cho nhân viên của mình, chẳng hạn như hỗ trợ thu nhập bổ sung cho những người phục vụ lệnh cách ly hoặc nhập viện do Covid-19. Người phát ngôn nhấn mạnh rằng nhân viên hợp đồng "được hưởng nhiều tính linh hoạt mà nhân viên không có" như họ có thể tự do di chuyển giữa các nền tảng hoặc dừng công việc bất cứ lúc nào.
Tương tự như vậy, người phát ngôn của Foodpanda nói rằng phúc lợi của nhân viên giao hàng của họ "luôn quan trọng" và họ đầu tư rất nhiều vào các chương trình hỗ trợ, chẳng hạn như bảo hiểm trợ cấp.
Eugene Tan, phó giáo sư tại Đại học Quản lý Singapore nói: "Tất cả chúng ta, với tư cách là người tiêu dùng, cũng phải tham gia. "Nó sẽ không chỉ cho phép người lao động duy trì công việc của họ với mức lương cao hơn. Nó còn cho thấy rằng với tư cách là một xã hội, chúng ta coi trọng công việc và đóng góp của họ, và rằng họ là một phần của chúng ta."
Đối với Singapore, việc giảm bớt căng thẳng đối với người lao động lương thấp sẽ đi đôi với nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy hình ảnh một xã hội cởi mở, công bằng. Tan chỉ ra rằng các nhóm thiểu số của Singapore đang "chiếm đa số" trong số những người lao động như vậy.
Lấy link