Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng ngày 25/8 đã có văn bản gửi Sở TT&TT và UBND các quận, huyện trên địa bàn để cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua việc mua, bán hàng online bằng số điện thoại không rõ nguồn gốc.
|
Theo khuyến cáo của các chuyên gia bảo mật, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng xấu đã thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng. (Ảnh minh họa). |
Cơ quan này cho hay, trong bối cảnh cả thành phố đang tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, có thông tin một số đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua việc mua, bán hàng online bằng các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp thông tin, tuyên truyền đến người dân chỉ đặt hàng qua các kênh Hotline/Zalo/Facebook của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, qua shipper công nghệ; không mua bán hàng hóa thông qua số điện thoại không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội.
Các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cần quản lý chặt chẽ và yêu cầu đội ngũ nhân viên giao nhận hàng hóa của đơn vị phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Với Sở TT&TT Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố đề nghị phối hợp với UBND các quận, huyện và cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thông tin về các trường hợp lừa đảo, vi phạm pháp luật nêu trên.
Liên quan đến việc cung ứng hàng thiết yếu trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội trên địa bàn Đà Nẵng từ ngày 26/8 đến 5/9, Sở Công Thương cho biết, trong thời gian từ 22 - 25/8, do nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân không còn nhiều, nhu cầu đặt hàng tăng cao.
Trong khi đó, năng lực cung ứng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối bị hạn chế do phải đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch; các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa… vốn đáp ứng 70 - 75% nhu cầu trong điều kiện bình thường đã phải dừng hoạt động. Khi nhu cầu mua hàng tăng cao cùng một thời điểm đã dẫn đến tình trạng quá tải trong việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, kịp thời tăng thêm năng lực cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, Sở Công Thương Đà Nẵng đã đề xuất UBND thành phố thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa 100% số người làm việc.
Cùng với đó, cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) được hoạt động; kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động…
Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục đề xuất UBND thành phố tăng cường thêm các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch; huy động, bổ sung lực lượng để hỗ trợ Ban điều hành khu dân cư trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân… “Sau khi có chủ trương của Lãnh đạo thành phố, Sở Công Thương sẽ khẩn trương tổ chức thực hiện”, thông báo của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng nêu rõ.
Trước đó, vào ngày 24/8, Sở Công Thương Đà Nẵng đã hướng dẫn cụ thể các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và đơn vị đầu mối thương mại cung ứng lương thực, thực phẩm và một số hàng hóa thiết yếu về việc lập danh sách nhân viên giao hàng (shipper bằng xe máy) và phương tiện vận chuyển (ô tô).
Là 2 doanh nghiệp bưu chính đang tham gia cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân tại các địa phương đang giãn cách để phòng chống dịch, trao đổi với TinCongNghe, đại diện Vietnam Post và Viettel Post cho biết các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động theo hướng dẫn mới để trình UBND thành phố, các cơ quan chức năng phê duyệt.
Vân Anh