ASEAN hướng tới một không gian mạng tự cường

Ngày 24/8, tiếp tục chương trình Đại hội đồng (ĐHĐ) AIPA 42, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối..


Ngày 24/8, tiếp tục chương trình Đại hội đồng (ĐHĐ) AIPA 42, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự phiên họp Ủy ban Chính trị theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Hội đồng Lập pháp Brunei. Phiên họp tập trung vào các nội dung như: Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN; thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN;…


Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN


Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra những thách thức mới về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng. An ninh mạng là động lực để các quốc gia tận dụng lợi ích của số hóa với phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ nền dân chủ và quyền con người.


Đối với Nghị quyết về 'Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN', Đoàn Việt Nam khẳng định đây cũng là một ưu tiên của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường năng lực, tham gia và thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.


Cho biết thêm về chính sách an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu của Việt Nam, Đoàn Việt Nam cho biết, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và ban hành Chiến lược an ninh mạng nhằm cụ thể hóa mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng và xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.


Năm 2018, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật An ninh mạng. Sự ra đời của Luật đã đặt nền móng pháp lý chính thức đầu tiên điều chỉnh các vấn đề trong lĩnh vực an ninh mạng. Đồng thời Việt Nam cũng rất coi trọng bảo vệ quyền riêng tư của công dân trên không gian mạng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai 'Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' và xây dựng Chính phủ điện tử.


Tại phiên họp, Đoàn Việt Nam cũng cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn chủ động có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong ASEAN, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.


Tại báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2020 do Liên minh Viễn thông quốc tế công bố, Việt Nam xếp thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 25 bậc so với công bố năm 2019 và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong ASEAN. Trong 5 trụ cột đánh giá thì có 2 trụ cột được điểm tuyệt đối là pháp lý và hợp tác. 


Việt Nam cũng đã tham gia và đưa ra một số sáng kiến hợp tác trong ASEAN nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể ASEAN số 2025, như: Thúc đẩy các hành động ưu tiên tăng phục hồi ASEAN; Mở rộng vùng bao phủ của cơ sở hạ tầng băng thông rộng; Tạo thị trường cạnh tranh; Thúc đẩy môi trường số, dịch vụ số kiện cho thương mại; Thúc đẩy xã hội số bao trùm trong ASEAN.


Trên thực tế, Việt Nam đã có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ.


ASEAN hướng tới một không gian mạng tự cường

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)


Chủ động hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh mạng


Hợp tác quốc tế để ứng phó với các thách thức ngày càng tăng của an ninh mạng đã được các nghị viện thành viên AIPA thống nhất là vô cùng quan trọng. Để phát triển kinh tế số thì Chính phủ các nước phải có các biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn trên không gian mạng; nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.


Do đó, AIPA cần tái khẳng định cam kết của các nghị viện thành viên về hợp tác trong bảo đảm an ninh, an toàn mạng, bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, đồng thời bảo đảm các biện pháp quản lý không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.


Từ thực tiễn hoạt động của Việt Nam và đứng trước những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, Đoàn Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất về nội dung 'Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN'.


Cụ thể, các nghị viện thành viên cần tăng cường hợp tác trên kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai chính sách công nghệ và an toàn an ninh mạng (ATANM); thông tin về các mối đe dọa về ATANM và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch COVID-19, xây dựng chương trình tuyên truyền chung trong ASEAN và AIPA để nâng cao nhận thức cộng đồng về ATANM, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.


Bên cạnh đó, các nghị viện thành viên cần tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức và hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, tiến tới xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung tạo thuận lợi cho phối hợp bảo đảm an ninh mạng.


Tại Nghị quyết về 'Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN', Đoàn Việt Nam khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận an ninh con người, trên cơ sở cần đảm bảo tuân thủ Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về nhân quyền và các văn bản khác có liên quan của ASEAN.


Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến an ninh con người, Việt Nam cũng đề nghị các Nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống đại dịch, kiểm soát lây lan dịch bệnh, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Những chia sẻ dữ liệu và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này cũng góp phần bảo đảm an ninh con người, trong đó Việt Nam cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp CNTT phục vụ truy vết và cảnh báo, quản lý giãn cách, quản lý tiêm chủng...


Trên những thực tế đó, Ủy ban Chính trị kêu gọi chính phủ các nước cần có những chương trình để bảo vệ, nâng cao nhận thức của người dân về an ninh mạng; cho rằng các Nghị viện thành viên cần tăng cường hợp tác trong an ninh mạng và tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý bảo vệ dữ liệu trong không gian mạng./.









ASEAN huong toi mot khong gian mang tu cuong


Ngay 24/8, tiep tuc chuong trinh Dai hoi dong (DHD) AIPA 42, Doan dai bieu Quoc hoi Viet Nam do Chu nhiem Uy ban Doi..

ASEAN hướng tới một không gian mạng tự cường

Ngày 24/8, tiếp tục chương trình Đại hội đồng (ĐHĐ) AIPA 42, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối..
ASEAN hướng tới một không gian mạng tự cường
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: