CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng

Khi khởi nghiệp, ông Nguyên cùng bạn bè đã kinh doanh đĩa CD, thu mua và sửa chữa máy vi tính. Trải qua nhiều khó khăn, vấp ngã, giờ đây hệ thống Mai Nguyên đã có chỗ đứng riêng trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ tại Việt Nam.


Ông Mai Triều Nguyên được biết đến là một trong những người kinh doanh thiết bị di động đời đầu tại thị trường Việt Nam. Ông luôn tìm tòi, học hỏi và chọn cho mình một con đường ngách. Điều này đã giúp hệ thống Mai Nguyên có thể tồn tại, phát triển và ít chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ những ông lớn trên thị trường di động.


Hệ thống bán lẻ Mai Nguyên gây chú ý khi là một trong số ít cửa hàng ở Việt Nam kinh doanh những mẫu di động siêu cao cấp chính hãng giá từ vài trăm triệu đồng đến từ các thương hiệu như Vertu, Mobiado.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Anh cùng bạn bè từng khởi nghiệp bằng việc bán đĩa CD, thu mua và sửa chữa máy vi tính. Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về ý tưởng kinh doanh lúc bấy giờ?


Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ những năm cuối khi đang học ngành công nghệ thông tin của Đại học Mở. Lúc đó, tôi và một người bạn hùn vốn, bỏ ra khoảng gần 10 triệu đồng để mở cửa hàng nhỏ ở đường Bàu Cát, quận Tân Bình, TP.HCM chuyên bán đĩa trắng, chép nhạc, cài game, lắp ráp và sửa chữa máy vi tính.


Kinh doanh có lợi nhuận, tôi đã dời cửa hàng sang đường Cách Mạng tháng 8, quận 3, TP.HCM với quy mô lớn hơn. Lúc này tôi bán thêm một số phụ kiện như bàn phím, chuột và card màn hình. Có thể xem đây là một cửa hàng máy tính nhỏ. Để dễ hình dung, quy mô thời đó của Phong Vũ 10 thì của tôi chỉ là 1.


Bên cạnh việc kinh doanh máy tính, tôi có mở thêm một phòng game cho thuê theo giờ. Đồng thời, tôi cũng nhận sửa chữa, nâng cấp các thiết bị máy tính và dạy kèm tại nhà cho những người muốn học về vi tính.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 2.

Kinh doanh máy vi tính được một thời gian, tôi được mời hùn vốn với 4 người bạn khác để mở một cửa hàng mang tên di động viễn thông Triều Vũ chuyên bán điện thoại bàn, máy nhắn tin, thẻ cào. Sau khoảng 2 năm, cửa hàng này rơi vào tình trạng lỗ vốn. Vấn đề chủ yếu nằm ở nội bộ quản lý. Mọi người không thực sự đồng lòng. Có người làm ít, người làm nhiều nên cũng gây mâu thuẫn.


Các cổ đông khác quyết định từ bỏ kinh doanh điện thoại di động, tôi vẫn cố gây dựng lại cửa hàng một mình.


Thực sự mà nói mô hình kinh doanh này ban đầu do tôi nghĩ ra, các bạn còn lại chỉ tham gia góp vốn. Sau thất bại, tôi phải trả tiền cho 4 cổ đông. Số tiền còn lại không nhiều, kinh doanh điện thoại thì rất nặng vốn, tôi phải mượn sổ đỏ căn nhà của ba mẹ, vay ngân hàng 300 triệu đồng để tiếp tục kinh doanh.


Kinh doanh điện thoại khi đó có phải là nghề rất hoành tráng?


Lúc đó tôi còn trẻ, có máu liều, dám chơi và tự tin. Tôi nhìn thấy thị trường và xác định đường hướng kinh doanh bài bản. 


Việc kinh doanh điện thoại di động thời đó giúp tôi có thể tiếp cận công nghệ mới và mang lại cảm giác thích thú, muốn khám phá nhiều điều mới mẻ. Thời đó, ai mà cầm một chiếc điện thoại di động được xem là đại gia, đẳng cấp lắm. Ai kinh doanh ngành này cũng thấy mình rất "đỉnh", được chú ý hơn so với người bán ô tô, xe máy. Vì công nghệ thời đó còn quá mới so với nhiều người.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 3.

So với hiện tại, kinh doanh điện thoại thời đó có gì khác biệt?


Kinh doanh thời đó khác nhiều so với hiện tại. Tôi còn nhớ những năm 2002, hàng hóa lúc đó không có sẵn trong cửa hàng mà chủ yếu là mô hình. Khách đến cửa hàng chủ yếu được xem các mẫu mô hình. Nếu đồng ý mua, tôi sẽ gọi điện cho bên bán sỉ để chạy qua cửa hàng giao máy cho khách.


Thời đó, tôi đã nhờ một người bạn viết code tạo ra một website bán hàng. Tôi đảm nhận việc làm nội dung, hình ảnh. Trang web này được xem là "hàng hiếm" vì thời đó không có nhiều đối thủ làm.


Đến thời điểm mẫu Nokia 6600 chạy hệ điều hành Symbian ra mắt vào năm 2003 tôi bắt đầu mày mò để cung cấp các dịch vụ chép game, chép nhạc, video ngắn, cài hình nền cho khách. Những dịch vụ này được xem là mới mẻ, ở TP.HCM chỉ mình tôi cung cấp. Vì thế, tôi được nhiều khách hàng biết đến.


Năm 2003, khi điện thoại O2 tạo ra cơn sốt trên thị trường với màn hình cảm ứng chạy hệ điều hành Windows, tôi đã mở thêm được 3 chi nhánh và trở thành đại lý bán lẻ cho thương hiệu này. Thời điểm đó, hệ thống Mai Nguyên dường như mạnh nhất trong việc làm dịch vụ và bán điện thoại thông minh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, thị trường điện thoại di động cạnh tranh khốc liệt hơn, mảng dịch vụ này không còn hút khách như trước.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 4.

- Điều gì khiến anh rẽ hướng sang thị trường ngách, kinh doanh các sản phẩm cao cấp như Vertu, Mobiado…?


Tôi nhận thấy khả năng của mình không thể chạy đua trong việc mở các chuỗi cửa hàng như những ông lớn khác, phải có rất nhiều vốn, nguồn nhân sự lớn. Vì thế, tôi phải chọn một con đường khác nếu muốn tồn tại.


Những năm 2008, cơn sốt đất và chứng khoán nở rộ, nhiều người kiếm tiền rất nhanh chóng. Vì thế, nhu cầu mua sắm các mẫu điện thoại siêu cao cấp tăng mạnh. Nhìn thấy được điều này, tôi đã làm việc với các hãng di động như Vertu, Mobiado để phục vụ nhóm khách hàng cao cấp.


Cũng chính tập khách hàng này đã giúp tôi có suy nghĩ định vị hình ảnh hệ thống Mai Nguyên theo hướng "luxury". Không gian của các cửa hàng đều được làm lại với tone màu đen chủ đạo, sử dụng các cửa kính lớn tạo cảm giác sang trọng hơn. Tôi muốn khi khách hàng đi mua điện thoại đắt tiền, chính hãng thì sẽ nghĩ ngay đến Mai Nguyên.


Việc kinh doanh các mẫu điện thoại siêu cao cấp dường như là nhiệm vụ bất khả thi với các chuỗi lớn. Họ không thể nào mua vài chục mẫu Vertu hay Mobiado để trưng bày ở vài chục cửa hàng. Còn nếu họ chọn ra 1 hoặc 2 cửa hàng để trưng bày thì nó không phù hợp với loại hình kinh doanh theo chuỗi. Vì thế, tôi chọn con đường ngách, ít cạnh tranh hơn.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 5.

Anh đã tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, anh thấy những khách hàng mua Vertu, Mobiado khác gì so với những người mua smartphone bình dân?


Những người mua điện thoại siêu cao cấp thường hoạt động trong ngành bất động sản, rất giàu có. Họ thường mua các sản phẩm này để thể hiện sự thành công, sang chảnh. Bộ 3 sản phẩm của giới nhà giàu thường gồm đồng hồ Rolex, bút montblanc và điện thoại Vertu.


Những khách hàng này đều là người có tiền, rất thoải mái, không mặc cả khi mua hàng. Các hãng cao cấp họ cũng không bao giờ giảm giá sản phẩm của mình. Giống như các hãng thời trang cao cấp Hermes hay Chanel, "có chết" họ cũng không giảm giá sản phẩm vì nó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu.


Hiện tại, các mẫu di động siêu cao cấp có doanh số như thế nào tại hệ thống?


Những năm gần đây, smartphone phát triển quá mạnh mẽ. Vì thế, người dùng cũng chạy theo xu hướng này, liên tục nâng cấp các sản phẩm, công nghệ mới. Trong khi đó, các mẫu di động "luxury" dần hết thời, hàng loạt thương hiệu đã rút khỏi cuộc chơi này như Vertu, Motorola, Porsche.


Sau khoảng thời gian "ngủ đông", các hãng di động siêu cao cấp đã tìm được lối đi mới với những vật liệu độc đáo và quay trở lại thị trường. Một số khách hàng yêu thích sự cao cấp, khác biệt vẫn chọn mua các model cao cấp của Mobiado với giá trên dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng khách hàng chọn mua các mẫu điện thoại siêu cao cấp hiện nay không quá nhiều.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 6.

Hệ thống Mai Nguyên chỉ bán smartphone của các thương hiệu đến từ Mỹ, Hàn Quốc. Tại sao Mai Nguyên không bán smartphone đến từ Trung Quốc?


Trước đây tôi có bán đủ hết các hãng. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian kinh doanh tôi nhận ra tệp khách hàng của mình không chuộng những sản phẩm giá rẻ, tầm trung. Khách của tôi chỉ mua những smartphone cao cấp, phiên bản đắt nhất từ những mẫu iPhone, Galaxy S, Note mới. Những phiên bản bộ nhớ thấp cũng rất khó bán tại vì họ không thiếu tiền.


Cho nên, tôi bán được rất ít smartphone đến từ các thương hiệu như Oppo, Vivo, Xiaomi. Tôi quyết định ngừng kinh doanh những thương hiệu này. Nhìn nhận của tôi đã đúng. Sau một thời gian, rõ ràng ở thành thị và khu cao cấp chủ yếu bán chạy sản phẩm Apple, Samsung. Các hãng Trung Quốc kể trên chỉ phát triển mạnh ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp, nơi các chuỗi lớn hướng tới được.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 7.

Hơn 20 năm kinh doanh, anh nhận định như thế nào về thị trường di động tại Việt Nam trong những năm gần đây?


Với hơn 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực di động tôi đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm trong lĩnh vực này. Trong thời gian đầu, thị trường di động mới nổi, đang phát triển cho nên có rất nhiều thương hiệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ đến Việt Nam cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.


Đến thời điểm hiện tại, thị trường di động ở Việt Nam đã chín muồi, chỉ còn lại một vài cái tên trụ lại được. Nhiều tên tuổi lớn như Blackberry, HTC, LG… đều gục ngã. Giống như một cuộc chiến thôi, ai mạnh nhất thì sẽ sống sót.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 8.

Apple họ có hướng đi riêng, làm chủ được mọi thứ từ phần mềm đến một số phần cứng. Bên cạnh đó, Apple cũng tạo được hệ sinh thái chất lượng như MacBook, iPad, iPhone, Apple Watch, AirPods... nên đã thành công.


Trong thế giới Android, Samsung là cái tên sáng giá nhất. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc chủ động trong việc sản xuất phần cứng cùng với việc đa dạng hóa phân khúc sản phẩm hướng đến nhiều đối tượng khách hàng.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 9.

Ngoài smartphone, anh còn kinh doanh ngành hàng audio với hàng loạt sản phẩm tai nghe, loa… Anh có thể chia sẻ thêm tham vọng của anh về ngành hàng này?


Khoảng 10 năm trước, các ông lớn trong ngành kinh doanh thiết bị âm thanh như Sơn Hà, Phúc Giang, Anh Duy… chủ yếu bán các bộ loa lớn, loa thùng, loa cột, amply. Những thiết bị âm thanh di động như loa, tai nghe bluetooth rất ít được biết đến.


Tôi thấy rằng những thiết bị này có giá không quá cao, dễ tiếp cận người dùng. Tôi đã tìm hiểu về ngành hàng này và bắt đầu kinh doanh một số sản phẩm của thương hiệu X-mini.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 10.

Một lần nữa tôi đã đúng. Tôi chứng kiến hàng loạt thương hiệu âm thanh lớn đều phải từ bỏ những mẫu loa lớn và dần chuyển sang sản phẩm di động, nhỏ gọn hơn.


Dần dần, một số hãng loa đánh vào phân khúc siêu cao cấp với giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng như Devialet, Bowers & Wilkins hay Naim. Điều này khá trùng hợp với sự phát triển về việc kinh doanh di động và tệp khách hàng cao cấp sẵn có của tôi trước đây. Nó giúp cho việc kinh doanh trong ngành loa di động cao cấp của tôi thuận lợi hơn.


Thực ra 2 năm nay tôi "sống" được là nhờ các thiết bị âm thanh. Vì ngành hàng này vẫn có lợi nhuận tốt. Mảng smartphone chỉ được mùa ra mắt iPhone và Galaxy S, Note. Còn sau đó, các nhà bán lẻ đạp giá, nếu muốn ra được hàng mình cũng phải "đu" theo. Điều này dẫn đến mức lợi nhuận rất thấp. Nếu như Mai Nguyên chỉ bán smartphone thì chắc chắn phá sản.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 11.

Việc bán một chiếc tai nghe, loa có dễ hơn bán một chiếc smartphone?


Những chiếc loa, tai nghe bluetooth nhỏ gọn, giá hợp lý nên dễ bán. Sau đó, tôi nhìn thấy được nhu cầu của người dùng trong việc lắp đặt, căn chỉnh âm thanh cho gia đình. Trong thời gian đầu tìm hiểu, tôi cảm thấy lĩnh vực này khá phức tạp. Tuy nhiên, sau một quá trình tìm hiểu và tuyển nhân sự phù hợp tôi đã thấy ngành này không khó và đã đáp ứng được cho nhiều khách hàng.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 12.

Bên cạnh công nghệ, anh còn rất đam mê du lịch phượt với những chuyến đi dài ngày như Hà Nội, Sapa hay cả nước Mỹ. Anh đã sắp xếp và quản lý công việc kinh doanh như thế nào?


Mô hình tôi chọn rất tinh gọn, nhân sự cũng vừa phải và đã vào guồng làm việc gần 20 năm. Còn với đối tác, tôi chủ yếu làm việc online qua các ứng dụng trực tuyến như Viber, Skype, WhatsApp hay Email… Vì thế, tôi có thể làm việc từ xa một cách dễ dàng ở bất cứ đâu.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 13.

Chuyến đi nàođể lại cho anh nhiều kỉ niệm nhất?


Tôi chọn hình thức đi du lịch phượt vì muốn trải nghiệm nhiều hơn. Chuyến đi để lại cho tôi nhiều kỉ niệm nhất là lần đầu tiên qua Mỹ chạy môtô năm 2019. Những ngày đầu tôi khá sợ và run vì chưa quen đường xá bên này. Tôi chạy môtô liên tục trong 9 ngày qua 7 tiểu bang của Mỹ. Sau chuyến đi này tôi đã quyết định mua một chiếc môtô và gửi ở nhà một người bạn. Bây giờ tôi đi sang Mỹ thì có sẵn môtô rồi.


Có câu "Sau lưng người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ". Liệu điều này có đúng với trường hợp của anh?


Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói trên. Tôi may mắn có được một người vợ giỏi giang và tâm lý. Hiện tại, vợ tôi phụ trách rất nhiều việc kinh doanh của hệ thống như nhập hàng hóa, thanh toán công nợ và làm việc với những đối tác. Với tôi, bà xã là một người quan trọng, giúp tôi kiềm chế lại những quyết định cảm tính, nhất thời của mình.


CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh 14.

Điều anh muốn làm nhất sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát?


Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tôi sẽ dọn dẹp lại cửa hàng, lau chùi sạch sẽ và cho nhân viên đi làm lại sau một "kỳ nghỉ Tết" kéo dài. Sau đó, tôi sẽ thực hiện chuyến du dịch phượt của mình vòng quanh nước Mỹ trong vòng 2 tháng.


(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)









CEO Mai Trieu Nguyen: Tu ban dia CD den dien thoai Vertu, Mobiado gia hang tram trieu dong


Khi khoi nghiep, ong Nguyen cung ban be da kinh doanh dia CD, thu mua va sua chua may vi tinh. Trai qua nhieu kho khan, vap nga, gio day he thong Mai Nguyen da co cho dung rieng tren thi truong ban le hang cong nghe tai Viet Nam.

CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng

Khi khởi nghiệp, ông Nguyên cùng bạn bè đã kinh doanh đĩa CD, thu mua và sửa chữa máy vi tính. Trải qua nhiều khó khăn, vấp ngã, giờ đây hệ thống Mai Nguyên đã có chỗ đứng riêng trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ tại Việt Nam.
CEO Mai Triều Nguyên: Từ bán đĩa CD đến điện thoại Vertu, Mobiado giá hàng trăm triệu đồng
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: