Theo khảo sát mới nhất của Stack Overflow (nền tảng thảo luận phổ biến bậc nhất của coder), trung bình cứ 10 người dùng Windows thì lại có 4 người dùng Mac. Con số này cho thấy mức độ "yêu Mac" của coder cao hơn hẳn người dùng nói chung - theo số liệu thống kê của NetMarketShare cho thị trường PC toàn cầu, cứ 10 người dùng Windows thì chỉ có duy nhất 1 người dùng Mac mà thôi.
Quả thật là như vậy, máy Mac đạt mức độ phổ biến cao đáng ngạc nhiên trong cộng đồng IT chuyên nghiệp. Không ít các coder nổi tiếng sử dụng máy Mac cho công việc, từ những tác giả lẫy lừng của trào lưu Agile cho đến Mark Zuckerberg. Những chiếc máy Mac xuất hiện dày đặc tại các sự kiện, hội thảo IT, và thậm chí là cả ở sự kiện của các đối thủ Apple như Google hay Microsoft.
Nhưng đáng buồn thay, có vẻ như Apple đang càng ngày càng ghẻ lạnh nhóm người dùng này.
TouchBar: một thay đổi cực kỳ vô nghĩa, thậm chí còn "cướp" đi của coder hàng phím F và nút ESC.
Hãy bắt đầu trên lĩnh vực phần cứng. Năm 2016, Apple vén màn một ý tưởng kỳ dị trên MacBook Pro: một "dải" màn hình nhỏ thay thế cho hàng phím function VÀ cả nút Esc. Như vậy, một loạt các nút cần thiết cho quá trình làm việc đã bị thay thế bởi một linh kiện vốn chỉ hữu ích cho việc… chơi nhạc trên Spotify. Nhấn F5/F6 khi debug, nhấn Esc khi dùng vim hay đọc log… nay đều bị thay thế bởi các "nút ảo" cảm ứng. Chúng hoàn toàn không có cảm giác bấm và cũng buộc người dùng phải nhìn xuống bàn phím khi sử dụng. Với coder, Touch Bar đã làm hỏng hoàn toàn cảm giác "mạch làm việc" có trên các model cũ.
Năm 2019, model MacBook Pro cuối cùng KHÔNG có Touch Bar đã bị khai tử. Cho đến nay, dải màn hình vô dụng này vẫn chưa thể chứng minh được tính hữu ích của mình. Dường như, lý do tồn tại duy nhất của Touch Bar là để tỏ ra khác biệt so với laptop Windows. Một lý do thực sự ngớ ngẩn, bởi laptop Windows có cảm ứng còn MacBook thì không. Coder phát triển app dành cho iPhone và iPad buộc phải dùng chuột khi thử nghiệm giao diện trên trình giả lập của Xcode, trong khi coder dùng laptop Windows có thể dễ dàng thực hiện cảm ứng đa điểm cho app Android thông qua vô số công cụ của Google, Microsoft hay các bên thứ ba.
Chưa hết, ngay phía dưới Touch Bar là bàn phím cánh bướm. Như bạn có lẽ đã biết, đây là bàn phím có chất lượng "thảm họa", được ra mắt chỉ để giảm độ dày… một vài milimet. Phải đến tận 2020 Apple mới chuyển lại thiết kế bàn phím về như cũ, và coder mua MacBook Pro trong vòng gần 4 năm qua phải chấp nhận sử dụng một bộ bàn phím dễ lỗi trên cỗ máy "kiếm cơm" của họ.
Một cỗ máy vốn là đơn giản và thuận tiện, nay trở nên rườm rà (và thêm phần đắt đỏ).
Những sai lầm của Apple trên lĩnh vực phần cứng không dừng lại tại đây. Cũng từ 2016, Apple loại bỏ hết các cổng USB-A trên MacBook Pro để chuyển sang sử dụng duy nhất USB-C. Ngay lập tức, các coder phải mua thêm dock USB để làm các công việc họ làm hàng ngày. Copy dữ liệu từ ổ cứng ngoài? Xin hãy mua dongle. Gắn thêm chuột hoặc bàn phím cơ? Vẫn phải lắp dongle. Cài app vừa sửa code lên iPhone? Mua ngay dongle đi, vì bạn sẽ không thể cắm trực tiếp dây USB-Lightning chính hãng vào máy Mac như trước đây.
Một quyết định khác cũng vô cùng đáng chê trách là việc Apple nói không với GPU của NVIDIA. Mặc dù hiệu năng nói chung của card NVIDIA và card AMD (được Apple lựa chọn trên Mac) hiện nay đang khá tương đồng, "đội xanh" vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên khía cạnh phần mềm thông qua công nghệ xử lý song song CUDA.
Năm 2015, sau khi một số mẫu MacBook Pro dùng card NVIDIA gặp lỗi, Apple chuyển sang dùng AMD. Tính "đóng" của phần cứng Táo khiến cho việc sử dụng card NVIDIA (bao gồm e-GPU) với máy Mac trở nên bất khả thi. Năm 2019, NVIDIA dừng toàn bộ khâu hỗ trợ cho CUDA trên Mac. Các kỹ sư và chuyên gia dữ liệu dùng Mac vì thế cũng chẳng thể nào tận dụng công nghệ vượt trội này để tìm hiểu các "trend" đang hot như ML và Deep Learning.
Muốn thử nghiệm một trong những công cụ AI tốt nhất hiện nay? Xin vui lòng mua máy của hãng khác.
Càng khó hiểu hơn nữa, Apple chọn card AMD nhưng lại không dùng chip AMD, ngay cả khi Intel càng ngày càng tụt hậu về hiệu năng và tản nhiệt - những yếu tố tối quan trọng cho các cỗ máy "chuyên nghiệp" như máy Mac. Sang năm 2020, khi Intel trở nên quá tồi tệ, Apple đưa ra một giải pháp hứa hẹn sẽ trở thành thảm họa: bỏ x86 và chuyển sang dùng chip ARM tự thiết kế.
Khó có thể dự đoán được mức ảnh hưởng sâu rộng của quyết định này đối với các coder. Một trong những lý do khiến Mac được lập trình viên ưa chuộng là khả năng phát triển app cho tất cả các nền tảng, bao gồm cả Windows và Linux x86. Trong bối cảnh chính Microsoft còn chưa thể giả lập x86 cho Windows một cách hiệu quả, việc Apple chuyển sang sử dụng ARM sẽ khiến thế mạnh kể trên của Mac biến mất. Từ một cỗ máy có thể viết app cho mọi nền tảng, máy Mac sẽ mất khả năng hỗ trợ cho hệ điều hành desktop phổ biến nhất. Khả năng tương thích với Linux x86 cũng (có vẻ) đang bị đe dọa: tại WWDC, Apple chứng minh tính tương thích bằng cách demo phần mềm giả lập Parallels chạy một bản Linux Debian nền… ARM.
Chưa hết, mặc dù Apple tìm mọi cách để chứng minh rằng việc chuyển đổi là dễ dàng, sự thật không đơn giản đến như vậy. Chắc chắn tất cả các nhà phát triển ứng dụng trên máy Mac đều sẽ phải thực hiện kiểm thử (và tối ưu) lại ứng dụng của họ cho ARM. Việc ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ ra mắt phần mềm mới chắc chắn sẽ xảy ra. Tồi tệ hơn, trong số này có các CÔNG CỤ quan trọng để coder kiếm tiền - Android Studio, Visual Code, IntelliJ v…v…
Đây sẽ là chiếc máy Mac có khả năng tương thích THẤP NHẤT trong vòng 15 năm qua.
Dĩ nhiên, tất cả những điểm yếu này không có nghĩa rằng những chiếc máy Mac đều là đồ bỏ. Vẫn có rất nhiều coder "yêu Mac" vì khả năng tương thích tốt với Linux, vì trải nghiệm hệ điều hành trau chuốt, vì phần cứng cao cấp và nhiều lý do khác. Nhưng như bạn có lẽ đã thấy, Apple dường như đang coi coder là các "công dân hạng hai" trên máy Mac. Từ năm này sang năm khác, Apple liên tục mang đến những thay đổi hoặc vô nghĩa, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến công việc của coder.
Có vẻ như, công ty của Tim Cook vẫn chưa nhận ra một sự thật quan trọng rằng các coder nói riêng và người dùng chuyên nghiệp nói chung không mang cùng một suy nghĩ với người dùng phổ thông. Họ đặt nặng sự ổn định và an toàn lên trên những thay đổi thừa thãi vốn chỉ dùng để khoe khoang chứ không có ý nghĩa thực tế. Xu thế này đã kéo dài quá lâu, và máy Mac đang mất dần tính hấp dẫn trên tập người dùng quan trọng nhất của thế giới công nghệ. Đến bao giờ Tim Cook mới nhận ra điều này?
Lấy link